"BS Tường nếu không đủ bản lĩnh có thể phải kết liễu đời mình..."

Ban Biên tập |

(Soha.vn) - Cuối cùng, Nguyễn Mạnh Tường cũng sẽ phải ra tòa và chịu một mức án. Vậy, giữa bản án của pháp luật và bản án lương tâm, cái nào sẽ khủng khiếp hơn với Tường?

  Xem toàn bộ vụ TRỌNG ÁN THẨM MỸ VIỆN LÀM CHẾT NGƯỜI, VỨT XÁC xuống sông Hồng

Dư luận và báo chí vào cuộc vụ phi tang xác nạn nhân ở thẩm mỹ viện Cát Tường như một “cơn bão”. Từ khóa “bác sĩ Cát Tường” là từ khóa hot nhất năm 2013. Cuối cùng, Nguyễn Mạnh Tường cũng sẽ phải ra tòa và chịu một mức án. Vậy, giữa bản án của pháp luật và bản án lương tâm, cái nào sẽ khủng khiếp hơn với Tường?

Trong buổi Tọa đàm trực tuyến “Bác sĩ Cát Tường có tội hay thoát tội”, luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng văn phòng luật sư InterLa) nêu quan điểm: "Tôi có nghe ý kiến một đồng nghiệp nói rằng, vợ, con của bác sĩ Tường không dám ra ngoài đường sau sự việc xảy ra. Sau này, Nguyễn Mạnh Tường sẽ phải quay về với cộng đồng, cộng đồng sẽ đón nhận người này như thế nào? Tôi khẳng định, bản án lương tâm sẽ là bản án lớn nhất với Tường.

Nếu chúng ta không có những hành vi hành xử nhân văn với Tường thì bác sĩ Tường nếu không đủ bản lĩnh có lẽ phải tự kết liễu cuộc đời mình vì bản án dư luận rất nặng. Chúng ta hãy nhìn sự việc một cách nhân văn hơn. Tường là người có học, tôi biết bác sĩ Tường phải thi đến lần thứ ba mới đỗ trường Y và quyết tâm theo nghề y. Nghề y là 1 nghề cống hiến cho xã hội đáng được tôn vinh nhưng hành vi và cách ứng xử trong trường hợp có lỗi xảy ra như Tường là chưa phù hợp".

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Đình Triển cho rằng: "Chúng ta phải nhìn nhận khách quan, tôi nghĩ rằng con người ai cũng mong muốn được hướng thiện nhưng khi có lỗi lầm thì phải thành thật khai báo, nhận sai sót để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Và đứng trên phương diện luật sư, chúng tôi cũng không mong muốn xử tội nặng cho ai.


	Luật sư Trần Đình Triển đã bày tỏ rất nhiều ý kiến, quan điểm sâu sắc trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường.

Luật sư Trần Đình Triển đã bày tỏ rất nhiều ý kiến, quan điểm sâu sắc trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường.

Trong trường hợp này chúng ta cũng phải thông cảm cho “bác sĩ Cát Tường”. Tôi cho rằng bác sĩ này cũng xuất thân trong một gia đình rất cơ bản và bản thân "bác sĩ Cát Tường" cũng là một con người chăm chỉ học tập, trong quá trình công tác tôi cho rằng cũng rất tốt, rõ ràng là một người bác sĩ có tay nghề.

Ngoài ra, bác sĩ Tường cũng có một mong muốn rất chính đáng là giúp những người phụ nữ xinh đẹp hơn. Tôi cho rằng đó là biểu hiện của tính hướng thiện. Ngoài đồng lương ở cơ quan thì dùng thời gian trống để cống hiến cho xã hội cũng là có thêm thu nhập cho gia đình và bản thân. Tôi cho rằng những việc đó là rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên nếu việc sử dụng chuyên môn và hành nghề không đến nơi đến chốn dẫn đến sự việc đáng tiếc thì bác sĩ Tường cần nhìn nhận lại và thành khẩn khai báo để xoa dịu dư luận".

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Chủ tịch hội đồng tư vấn Công ty luật Hợp Danh Hồng Bách và cộng sự cũng khẳng định, bản án lương tâm sẽ là bản án lớn nhất trong cuộc đời và những ngày còn lại của “bác sĩ Cát Tường”.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách trong buổi Tọa đàm trực tuyến với báo điện tử Trí thức trẻ

"Bản chất của hình phạt ngoài tính răn đe còn có tính giáo dục, chính tính giáo dục này thể hiện sự nhân đạo của pháp luật. Khi bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ có chế tài hình sự để áp dụng xử lý. Nhưng, chúng ta phải xem xét nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội. Trong vụ án này, có người nói đó là rủi ro trong quá trình hành nghề, tôi cho rằng, nhận xét đó không sai. Chỉ có điều, dư luận đang sôi sục về cách hành xử của Tường sau khi đã phạm sai lầm.

Tường vừa đầu tư rất nhiều tiền để có một cơ sở chăm sóc sắc đẹp nên mong muốn thu hồi vốn, mong muốn làm giàu. Mục đích lợi nhuận đã được đặt cao hơn tâm đức nghề nghiệp nên dẫn đến hành vi ứng xử không chuẩn.

Ngay trên trục đường Giải Phóng (Hà Nội), cách địa chỉ thẩm mỹ viện của bác sĩ Tường không xa cũng có một trường hợp tử vong vì làm đẹp trước đó vài tháng. Tuy nhiên, cách ứng xử sau khi xảy ra sự cố của họ khác. Ở đây, người ta không thể đồng tình với hành vi gói xác đi thủ tiêu. Dư luận đang bất bình. Giống như năm 1993 xảy ra vụ án của đại úy cảnh sát giao thông Nguyễn Tùng Dương bắn chết em Nguyễn Việt Phương. Hành vi của một người thực thi công vụ và hiểu biết pháp luật nhưng lại ứng xử như một tội phạm chuyên nghiệp. Sau đó, đại úy Nguyễn Tùng Dương đã phải chịu mức án tử hình" - luật sư Nguyễn Hồng Bách chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại