"Nga có thể phải vác tiền mua vũ khí Trung Quốc"

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Một số nhà phân tích Nga dự đoán rằng trong tương lại không xa, Nga có thể phải vác tiền đi mua vũ khí Trung Quốc.

Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ mới đây đăng tải một bài viết phân tích về những khó khăn khiến Nga phải xúc tiền nhiều thương vụ mua bán vũ khí với Trung Quốc, nguy cơ tụt hậu của ngành công nghiệp Nga, song song với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Sau đây là nội dung bài viết:

Trong tháng 3/2013, các phương tiện truyền thông Nga và Trung Quốc đồng loạt đưa tin Bắc Kinh sẽ mua một lượng lớn thiết bị quân sự tiên tiến của Nga, trong số này có 6 tàu ngầm tấn công lớp Lada và 35 tiêm kích Su-35. Những thương vụ này rất đáng chú ý bởi chúng đều là những hệ thống vũ khí hiện đại và điều đáng nói là lần gần đây nhất mà Trung Quốc mua một lượng lớn vũ khí của Nga đã là hơn một thập kỷ trước.

 	Đối mặt với sự cắt giảm ngân sách trầm trọng do suy thoái kinh tế, Nga buộc phải bán các hệ thống vũ khí tối tân cho Trung Quốc (Trong ảnh: Tiêm kích đa năng Su-35)

Đối mặt với sự cắt giảm ngân sách trầm trọng do suy thoái kinh tế, Nga buộc phải bán các hệ thống vũ khí tối tân cho Trung Quốc

Sau khi tiến hành những hợp đồng giá trị với Nga từ giữa những năm 1990 và đầu những năm 2000, Trung Quốc bắt đầu dừng lại và đi vào nghiên cứu, sao chép công nghệ các loại vũ khí của Nga như tiêm kích đa năng Su-27, xe tăng T-90 và một số bộ phận của những loại tàu ngầm thông thường tiên tiến nhất. Tất nhiên, cũng có đôi lúc Trung Quốc mua giấy phép sản xuất một số hệ thống vũ khí Nga. Việc đạt được sự tự chủ về công nghệ quân sự từ lâu đã trở thành một ưu tiên chủ chốt trong chính sách quốc phòng Trung Quốc.

Từ cuối những năm 1990, Trung Quốc đầu tư các nguồn lực quan trọng để phát triển một chương trình tàu ngầm nội địa. Theo đó, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã hạ thủy một số loại tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel, năng lượng hạt nhân và các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, khi chương trình tàu ngầm của Trung Quốc đạt được những tiến triển, PLAN vẫn tỏ ra chưa hài lòng với chất lượng của những loại vũ khí nội địa này. Điều đó khiến họ buộc phải quay trở lại với Nga.

Về phần mình, Nga lưỡng lự trong việc bán cho Trung Quốc những hệ thống vũ khí tối tân bởi lo sợ rằng điều này sẽ làm suy giảm những lợi ích của Moscow. Hiện tại, Nga ngày càng lo ngại về sự vượt trội kinh tế của Trung Quốc trong những khu vực vốn có tầm ảnh hưởng truyền thống của Nga như khu vực Trung Á giàu tài nguyên. Bên cạnh đó, Nga cũng lo ngại về vùng Viễn Đông vốn có mật độ dân cư thưa thớt lại phải tiếp giáp với những tỉnh thành phía Bắc có dân số đông đúc của Trung Quốc. Sự mở rộng nhanh chóng của PLAN cũng đặt ra một thách thức đối với hạm đội Viễn Đông của Nga vốn không được đầu tư đúng mực và đã già cỗi.

Phải đối mặt với những sự cắt giảm ngân sách trầm trọng do suy thoái kinh tế của Nga gây ra, quân đội Nga không có nhiều lựa chọn bên cạnh việc xuất khẩu những hệ thống vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc. Để duy trì những phòng thiết kế và cơ sở nghiên cứu của mình, Nga cần có trong tay những nguồn tài chính không nhỏ. Chỉ bằng cách bán và cấp phép sản xuất đối với những loại vũ khí ít hiện đại hơn cho Trung Quốc, Nga mới có được những nguồn tài chính quan trọng để phát triển những hệ thống vũ khí mới và tối tân hơn.

Ví dụ, Nga có thể phát triển tiêm kích tối tân Su-35 nhờ những nguồn kinh phí có được từ việc bán giấy phép sản xuất Su-27 cho Trung Quốc. Trung Quốc đã mua giấy phép sản xuất loại tiêm kích này sau khi Nga phản đối việc Trung Quốc tích hợp bất hợp pháp những công nghệ của Su-27 vào máy bay sản xuất nội địa J-10 của họ. Giới quan sát cũng nhận thấy động thái mua giấy phép sản xuất Su-27 của Trung Quốc diễn ra sau khi nước này thất bại trong nỗ lực làm nhái Su-27, đặc biệt là những thiết bị hàng không của nó.

Việc bán 12 tàu ngầm lớp Kilo cho Trung Quốc đã mang lại cho Nga nguồn ngân sách thiết yếu để phát triển tàu ngầm lớp Lada
Việc bán 12 tàu ngầm lớp Kilo cho Trung Quốc đã mang lại cho Nga nguồn ngân sách thiết yếu để phát triển tàu ngầm lớp Lada

Ngân sách bị cắt giảm cũng đồng nghĩa với việc Không quân Nga chỉ có thể mua một số lượng hạn chế chiến đấu cơ. Trong năm 2011, Nga chỉ có thể triển khai 3 chiếc Su-35. Xuất khẩu vũ khí cho Trung Quốc và những quốc gia khác như Ấn Độ cho phép Nga tiến tục đầu tư nghiên cứu, phát triển, và giành được những ưu thế về công nghệ và sau cùng cho phép quân đội Nga có thể đưa ra những đơn hàng lớn.

Việc bán 12 tàu ngầm lớp Kilo cho Trung Quốc đã mang lại cho Nga nguồn ngân sách thiết yếu để phát triển tàu ngầm lớp Lada. Nhằm ngăn chặn Trung Quốc sao chép và bán những hệ thống vũ khí này ra thị trường quốc tế, Nga lựa chọn giải pháp bán cả giấy phép sản xuất cho Trung Quốc. Theo khuôn khổ thỏa thuận này, một tàu ngầm nói trên sẽ được chế tạo ở Nga và 5 chiếc còn lại sẽ được chế tạo tại các xưởng đóng tàu của Trung Quốc.

Để tạo sự cân bằng đối với nhu cầu ngày càng lớn của Trung Quốc trong việc mua và chế tạo vũ khí Nga, Moscow đã ký kết những thỏa thuận với Ấn Độ cho phép quốc gia châu Á này mua và sản xuất những loại vũ khí quan trọng. Trong đó, Nga bán tàu ngầm Kilo, bản quyền và công nghệ sản xuất Su-27 cho cả Trung Quốc và Ấn Độ. Những hợp đồng mua bán trước đây của Nga với Trung Quốc có những điều khoản gì, rất có thể những hợp đồng tương tự cũng sẽ được Nga ký với Ấn Độ. New Delhi có thể muốn đối phó với việc Trung Quốc mua những hệ thống vũ khí Nga kèm theo điều khoản chuyển giao công nghệ.

Phải mua tàu đổ bộ Mistral của Pháp là dấu hiệu cho thấy sự tụt hậu về một số lĩnh vực công nghệ quân sự của Nga
Phải mua tàu đổ bộ Mistral của Pháp là dấu hiệu cho thấy sự tụt hậu về một số lĩnh vực công nghệ quân sự của Nga

Trong khi được Nga sẵn sàng cung cấp những hệ thống vũ khí tối tân nhất của mình, Trung Quốc lại ngày càng tỏ ra không vui vẻ gì với lựa chọn trên. Nga có thể sản xuất những hệ thống vũ khí hiện đại, tuy nhiên nguy cơ họ bị tụt hậu ngày càng xa so với phương Tây không hẳn không có. Sau những thập kỉ tự lực cánh sinh, 5 năm vừa qua, Nga đã bắt đầu phải mua những hệ thống vũ khí từ nước ngoài. Hải quân Nga đã mua ba tàu đổ bộ của Pháp, các UAV của Israel, UAE và những thiết bị thông tin liên lạc tiên tiến của Đức.

Phải đối mặt với lệnh cấm vận vũ khí từ phương Tây sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, Trung Quốc buộc phải nhờ cậy chủ yếu vào công nghệ Nga để phát triển ngành công nghiệp nội địa của mình.

Do hiện tại Nga đã tụt lại trong nhiều lĩnh vực quan trọng, Trung Quốc sẽ có thể đầu tư nhiều hơn vào công tác tự nghiên cứu và phát triển vốn được cho là tiêu tốn mỗi năm hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng nhắm tới việc thành lập đối tác với các quốc gia khác có ngành công nghiệp phát triển và có điều kiện tiếp cận công nghệ của phương Tây như Brazil.

Mỹ đã nhiều lần cáo buộc các hoạt động gián điệp công nghệ ngày càng tăng cao của Trung Quốc. Hàng trăm nhà khoa học của Trung Quốc được cử đi nghiên cứu ở những trường tiên tiến nhất ở châu Âu và Mỹ. Và rất nhiều trong số này có sự liên quan đến quân đội, tuy nhiên, mối liên hệ mang tính pháp lý giữa đội ngũ này và quân đội Trung Quốc lại không được tiết lộ.

Một sĩ quan chuyên ngành tình báo quân sự quân đội Mỹ đã phát biểu rằng “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi bạn phát hiện ra rằng trong các trường đại học dân sự của Mỹ có nhiều sĩ quan PLAN hơn là sĩ quan quân đội Mỹ”.

Không thể tự phát triển được các mẫu UAV đáp ứng yêu cầu quân sự, Nga phải mua máy bay không người lái của UAE
Không thể tự phát triển được các mẫu UAV đáp ứng yêu cầu quân sự, Nga phải mua máy bay không người lái của UAE

Trong khi Trung Quốc nhìn chung bị Mỹ bỏ xa và đi sau Nga trong một số lĩnh vực, ngành công nghiệp quốc phòng của họ hiện đang dần rút ngắn khoảng cách đặc biệt là với Nga. Chương trình tên lửa và vũ trụ của Trung Quốc vốn một thời phụ thuộc vào Nga, hiện đã ngang bằng nếu không muốn nói là vượt trên Nga.

Trung Quốc xem chừng rõ ràng đã vượt mặt Nga về lĩnh vực UAV sau khi tiếp cận được những công nghệ phương Tây. Trong khi dư luận quốc tế lại chú tâm nhiều hơn vào xu thế hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc trong mối quan hệ đối nghịch với Mỹ, thì có ít ai chú ý tới tác động của sự phát triển nói trên của Trung Quốc đối với Nga. Khi công nghệ quân sự của Trung Quốc ngày càng phát triển, một số nhà phân tích người Nga đã dự đoán rằng trong tương lại không xa, Nga có thể là quốc gia phải vác tiền đi mua vũ khí Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại