Quân đội Trung Quốc “mệt mỏi” vì quá tham vọng

“TQ như 1 người viết các tờ séc khổng lồ trong khi không có khả năng thanh toán. Riêng nhiệm vụ giám sát, chưa kể tới việc hành động bảo vệ lãnh thổ khổng lồ đã là quá sức với TQ".

Việc Bắc Kinh mở rộng tham vọng an ninh quốc gia, bao gồm cả lời đe dọa “các biện pháp phòng vệ” đối với máy bay nước ngoài tiến vào “Vùng phòng không” mà nước này mới lập trên biển Hoa Đông, đang đẩy quân đội Trung Quốc vào thế “căng như dây đàn”.

Theo Susan Shirk, một cựu quan chức chính quyền Clinton và là người đã từng gặp các đại diện Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc, cho hay lực lượng này mặc dù đang mở rộng nhưng vẫn chưa xây dựng được một cơ cấu chỉ huy thống nhất.

Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Ian Easton ở Virginia, Mỹ, các phi công lái máy bay chiến đấu của Trung Quốc được đào tạo kém hơn đồng nghiệp của họ ở các quốc gia khác trong khu vực.

Trong nhiều tháng qua, tàu hải giám Trung Quốc thường xuyên có mặt tại vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006 và nước này vẫn tiếp tục hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình trong bối cảnh Mỹ cam kết điều động thêm các nguồn lực quân sự tới châu Á – Thái Bình Dương còn Nhật Bản đã chủ động mở rộng năng lực hải quân.

Trung Quốc giống như một người đang viết các tờ séc khổng lồ trong khi không có khả năng thanh toán. Thực tế thì riêng nhiệm vụ giám sát, chưa kể tới việc hành động để bảo vệ diện tích lãnh thổ khổng lồ, đã là quá sức đối với Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Richard Bitzinger thuộc Đại học nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam nhận xét.

Tham vọng mở rộng ảnh hưởng

Những tiến bộ về công nghệ tàng hình, hệ thống phòng thủ tên lửa và đóng tàu của Trung Quốc đều hướng tới phục vụ tăng cường sức mạnh của một quân đội với mục tiêu trải rất rộng, từ phòng vệ và chiếm lại Đài Loan cho tới các mục tiêu quân sự ở xa nước này. Theo một báo cáo năm 2013 của Bộ Quốc phòng Mỹ, tham vọng quân sự của Trung Quốc ngày càng lớn, bao gồm mục tiêu “mở rộng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và tăng tầm ảnh ảnh hưởng với các quốc gia khác”.

Nhà nghiên cứu Easton cho rằng, công cuộc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đang che đậy các vấn đề như tình trạng tham nhũng trong các hàng ngũ quân đội và công tác huấn luyện phi công thiếu hiệu quả, cứng nhắc.

Hồi tháng Hai, Thiếu tướng quân đội đã nghỉ hưu Luo Yuan viết trên tờ Hoàn Cầu rằng tình trạng tham nhũng, với việc các sĩ quan sở hữu xe hơi sang trọng và dùng công quĩ chi tiêu cho các kì nghỉ, sẽ làm giảm sức mạnh của quân đội nước này.

Quân đội luôn trong tư thế “gồng mình”

Susan Shirk cho rằng ngay cả việc tăng cường tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng đang khiến quân đội Trung Quốc luôn ở trong tư thế “gồng mình”.

Sau khi nói chuyện với các đại diện của Lực lượng canh gác bờ biển Trung Quốc, tôi nhận thấy họ đang phải căng mình thực hiện các chuyến tuần tra quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Họ điều động các con tàu đó, sơn dòng chữ Lực lượng canh gác bờ biển, nhưng còn lâu nữa họ mới có thể đưa những con tàu này vào một hệ thống chỉ huy thống nhất”, bà Susan nhận xét.

Trong một cuốn sách viết về những cải cách theo Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung uơng ĐCS Trung Quốc lần thứ , Xu Qiliang, phó chủ tịch Hội đồng quân ủy trung ương, cho rằng mức độ hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc chưa thể so sánh với các lực lượng vũ trang tiên tiến trên thế giới.

Ông Xu cho rằng vẫn có “khoảng cách lớn” giữa quân đội Trung Quốc và những đòi hỏi về an ninh quốc gia của nước này.

Mỹ chỉ trích “Vùng phòng không”

Việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập “Vùng phòng không” bị các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, chỉ trích mạnh mẽ.

Ông Biden, vừa có chuyến công du châu Á tuần qua, cho rằng động thái trên của Trung Quốc đã trở thành “quan ngại lớn trong khu vực”. Trong bài phát biểu tại Bắc Kinh, ông Biden cho rằng Trung Quốc sẽ “ngày càng chịu trách nhiệm cao hơn trong việc đóng góp tích cực cho nền hòa bình và an ninh. Điều đó có nghĩa (Trung Quốc) phải thực hiện các bước đi nhằm làm giảm nguy cơ xảy ra biến cố hay tính toán sai lầm ngoài ý muốn”.

Khi Trung Quốc tập hợp sức mạnh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nước này sẽ phải cạnh tranh với một quân đội Mỹ có sức mạnh lớn hơn nhiều. Ví dụ, riêng Không quân Mỹ đang sở hữu hơn 400 máy bay trinh thám trong khi toàn bộ các lực lượng vũ trang Trung Quốc chỉ có 100 máy bay.

Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Leon Panetta cho biết một trong các mục tiêu của chiến lược “Trục châu Á” của Mỹ là tới năm 2020 sẽ điều động khoảng 60% tàu chiến Mỹ tới châu Á – Thái Bình Dương so với 50% như hiện nay. Các quan chức Lầu Năm Góc đã đạt được thỏa thuận với Australia đề Mỹ dịch chuyển 2.500 lính thủy đánh bộ từ Okinawa, Nhật Bản tới nước này.

Nhật Bản tăng cường quốc phòng

Nhật Bản cũng đang củng cố các lực lượng phòng vệ của nước này. Lần đầu tiên sau 11 năm, Thủ tướng Shinzo Abe đã tăng ngân sách dành cho quốc phòng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng muốn tăng ngân sách quốc phòng cho năm sau, khi đó chi tiêu quân sự của Nhật Bản sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 2005. Ông Abe cũng vận động để sửa đổi Hiến pháp về quốc gia hòa bình, giúp Nhật Bản “tự do” hơn trong việc tăng cường sức mạnh quân sự, thậm chí có thể có quyền tấn công phủ đầu.

Trong số các hạng mục chi tiêu mà Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất có khoản 1,5 tỷ yên (14,7 triệu USD) chi cho các phương tiện huấn luyện đổ bộ và 1,6 tỷ yên để xây dựng một cơ sở quân đội trên hòn đảo Yonaguni nằm sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc.

Theo nhà nghiên cứu Easton, đã từ lâu Không quân Trung Quốc gặp thách thức về công tác huấn luyện. Theo Tân Hoa Xã, năm 2011, quân đội Trung Quốc đẩy mạnh việc huấn luyện phi công, tập trung vào các kĩ năng chiến đấu trên không cũng như các kĩ năng cơ bản.

Phi công tập luyện quá ít

Mỗi tháng, các phi công của không quân Trung Quốc chỉ thực hiện chưa tới 10 giờ bay, ít hơn mức tiêu chuẩn. Các nội dung huấn luyện của họ chủ yếu là những kĩ năng sơ đẳng và họ thường tránh bay vào ban đêm hoặc bay trên vùng biển bởi việc đó rất nguy hiểm và các quan chức chính trị có nhiệm vụ kiểm soát họ lại rất ngại rủi ro”, nhà nghiên cứu Easton nói.

Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc không đứng yên. Chi tiêu quân sự cho năm 2013 dự kiến sẽ tăng tới mức 740,6 tỷ nhân dân tệ (121,6 tỷ USD), tăng 10,7% so với năm ngoái. Tuy nhiên, mức chi tiêu quân sự của Trung Quốc vẫn chưa bằng 1/5 chi tiêu quân sự của Mỹ.

Trung Quốc cũng tìm cách thu hẹp sự khoảng cách với quân đội Mỹ. Hải quân Trung Quốc đã cam kết sẽ chế tạo thêm tàu sân bay, bổ sung cho tàu Liêu Ninh được đưa vào hoạt động hồi năm ngoái. Quân đội Trung Quốc cũng đã điều động các hệ thống tên lửa có khả năng tiêu diệt tàu sân bay giống loại tàu mà Mỹ đang điều động ở châu Á.

Máy bay chiến đấu Trung Quốc hạ cánh xuống tàu Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của nước này.

Năng lực giám sát “Vùng phòng không

Với những bước tiến như vậy, Trung Quốc sẽ có khả năng giám sát “Vùng phòng không” mà nước này thiết lập trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, theo giáo sư Huang Jing thuộc Đại học quốc gia Singapore, dư luận thấy khó lí giải chiến lược của giới lãnh đạo Trung Quốc với thời điểm và cách thức thông báo của Bắc Kinh về “Vùng phòng không”.

“Tôi tin rằng khi đưa ra tuyên bố thành lập “Vùng phòng không”, Trung Quốc đã có năng lực giám sát, nhưng thời điểm đưa ra tuyên bố này là rất, rất tệ và cách Bắc Kinh giải thích về hành động của mình thật buồn cười”, ông Huang nhận định.

Theo nhà nghiên cứu Sameer Patil, nạn tham nhũng cũng không thể ảnh hưởng quá lớn tới sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc dù cho các vị tướng quân đội nước này đã cảnh báo.

“Tham nhũng có thể bào mòn bất kỳ thể chế nào, đặc biệt đối với năng lực kĩ thuật của các lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa người Trung Quốc không thể sở hữu một lực lượng không quân mạnh hay có đủ năng lực quân sự để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của nước này”.

Mục tiêu quá dàn trải

Dư luận lo ngại rằng các lực lượng vũ trang Trung Quốc, trong lúc trải sức mạnh của mình ra nhiều khu vực khác nhau, có thể vô tình gây ra biến cố dẫn tới một cuộc khủng hoảng. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố không loại trừ khả năng trong tương lai thiết lập một vùng phòng không nữa.

Câu hỏi ở đây là liệu các anh có muốn dành toàn bộ lượng thời gian, nỗ lực và tiền bạc như trên chỉ để chứng minh một điều gì đó?”, Bitzinger nói.

Và điều cần chứng minh thực ra lại không phải quan trọng lắm. Họ sẽ phải ra quyết định hành động có chọn lựa. Họ không có đủ năng lực để có mặt ở mọi nơi và chứng minh bản thân ở khắp nơi”, ông nhận xét.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại