Kỳ án vườn mít: Kiểm sát viên “thực địa” hiện trường

Qua 8 lần xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm từ tháng 3/2005 đến nay cho thấy lời khai các nhân chứng Thị Hằng không khớp với các nhân chứng khác.

Sau khi hoãn xét xử phiên phúc thẩm lần thứ 3 vụ án “Giết người và hiếp dâm trẻ em” đối với bị cáo Lê Bá Mai (SN 1982, ngụ xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) ngày 20-5 không thông báo lý do, một tổ công tác gồm nhiều thành phần đã tới trang trại của ông Dương Bá Tuân tại xã An Khương để kiểm tra lại và tìm thêm chứng cứ.  

Sáng 23-5, tổ công tác do kiểm sát viên Võ Văn Thêm thuộc VKSND Tối cao - người giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm lần 3 do TAND Tối cao tại TPHCM xét xử (ngày 6-5 và 20-5 đều bị hoãn) - đã cùng khoảng 30 cán bộ của VKSND, Công an tỉnh tỉnh Bình Phước, Công an huyện Hớn Quản và xã An Khương tới khu vực vườn mít thuộc trang trại của ông Dương Bá Tuân (SN 1960), nơi Lê Bá Mai làm thuê để… tiếp tục kiểm tra, thu thập chứng cứ!

Kỳ án vườn mít: Kiểm sát viên “thực địa” hiện trường
Tổ công tác tới trang trại của ông Dương Bá Tuân (X. An Khương, H. Hớn Quản, Bình Phước) kiểm tra hiện trường

Tổ công tác cho biết nội dung làm việc là thu thập thêm chứng cứ, ngoài ra, gia chủ không được báo trước, không được biết thành phần của đoàn do ông Thêm cho rằng không có nghĩa vụ phải cung cấp giấy tờ công việc.

Dù vậy, ông Tuân cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để đoàn tới khu đất năm 2004 còn là vườn mít và là nơi phát hiện xác nạn nhân Thị Út (SN 1993) để chụp ảnh, ghi hình, kiểm chứng. Tuy nhiên, thực tế, khu vực này hiện đã được trồng cao su cao lút đầu người.

Kỳ án vườn mít: Kiểm sát viên “thực địa” hiện trường
Vườn mít năm 2004, nay đã trở thành vườn cao su

Sơ đồ hiện trường nơi phát hiện thi thể nạn nhân Thị Út (SN 1993) thể hiện hai hướng đi từ chòi của Lê Bá Mai Mai đến khu vực vườn mít. Thế nhưng ông Dương Bá Tuân - chủ trang trại nơi Lê Bá Mai làm thuê - cho biết tại buổi “thực địa”, tổ công tác lại đi không theo đúng sơ đồ do điều tra viên Nguyễn Hữu Huấn vẽ ngày 17-11-2004, cũng như bản vẽ của bị cáo Lê Bá Mai trong trại giam, mà theo sự chỉ dẫn của… ông Trần Văn Sinh (nguyên công an viên, người đầu tiên lập biên bản lấy lời khai nhân chứng Thị Hằng ngày 16-11-2004).

Kỳ án vườn mít: Kiểm sát viên “thực địa” hiện trường
Rất nhiều người dân địa phương bỏ việc nhà để xem tổ công tác kiểm tra hiện trường.

Luật sư Huỳnh Thế Tân (Trưởng Văn phòng Luật sư Tân và Đồng sự, Đoàn Luật sư TPHCM), người tới hiện trường độc lập điều tra những tình tiết mâu thuẫn của vụ án nhằm bào chữa cho bị cáo Lê Bá Mai, cho biết khi thấy tổ công tác tới thực địa kiểm tra lại hiện trường mà không báo trước, ông Dương Bá Tuân có đề nghị ghi lại nội dung trao đổi giữa ông Thêm và ông Tuân vào lúc 9 giờ 30 phút cùng ngày.

Theo nội dung làm việc, ông Thêm cho biết ông làm theo chỉ đạo của cấp trên xuống hiện trường kiểm tra lại, ngoài ra không làm thêm việc gì khác.

Kỳ án vườn mít: Kiểm sát viên “thực địa” hiện trường
Biên bản ghi nội dung làm việc giữ ông Thêm và ông Tuân vào sáng 23-5.

Theo cáo trạng của VKSND, Lê Bá Mai (SN 1982) làm thuê cho trang trại của ông Dương Bá Tuân ở xã An Khương, huyện Bình Long (cũ), nay là huyện Hớn Quản - Bình Phước.

Sáng 12-11-2004, trong lúc đang rải phân cho cây trồng, Mai thấy Thị Út (SN 1993) và Thị Hằng (SN 1995) đang mót củ sắn đó nên nảy sinh ý định giao cấu. Mai lấy xe máy chở Út đến khu vườn mít gần đó rồi hãm hiếp nạn nhân. Sau đó, thấy Út còn thở, Mai lấy quần của Út siết cổ em đến chết rồi mang xác vùi gần một cây mít gần đó.

Đến ngày 16-11-2004, người thân của Thị Út đi tìm và phát hiện thi thể của Út trong vườn mít (thuộc trang trại của ông Tuân) trong tình trạng không mặc quần, xác đã phân hủy. Ngay sau đó Mai bị bắt và giam tại công an xã, đến ngày 17-11-2004 được dẫn giải về Công an huyện Bình Long (cũ).

Tại cơ quan điều tra, nhân chứng Thị Hằng (SN 1995) khai nhìn thấy một thanh niên mặc áo xanh, đội nón lá, đi xe máy màu xanh có chở theo bình đá màu đỏ. Tuy nhiên, sau đó Hằng khai rõ người thanh niên là Lê Bá Mai.

Kỳ án vườn mít: Kiểm sát viên “thực địa” hiện trường
Bị cáo Lê Bá Mai trong một phiên tòa

Qua nhiều lần xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm từ tháng 3-2005, bị cáo Mai hai lần bị tuyên tử hình, một lần được tuyên vô tội trả tự do tại tòa, một lần bị tuyên chung thân vào tháng 1-2003. Ngày 16-1, VKSND tỉnh Bình Phước ra quyết định kháng nghị Tòa Phúc thẩm hình sự TAND Tối cao tại TPHCM đưa ra xét xử phúc thẩm theo hướng tử hình đối với bị cáo Lê Bá Mai, đồng thời bị cáo này cũng có đơn kháng án.

Tuy nhiên đến nay, vụ án vẫn chưa thể kết thúc vì lời khai các nhân chứng Thị Hằng, Trần Văn Sinh và cả bị cáo Lê Bá Mai không khớp với các nhân chứng khác, hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn, lời khai bị cáo bất nhất, cho rằng mình bị ép cung, vụ án còn nhiều điều cần làm rõ.

Kỳ án vườn mít: Kiểm sát viên “thực địa” hiện trường
Lời khai của nhân chứng Thị Hằng cho rằng Mai chở theo chiếc bình nước đá màu đỏ nhưng sau đó chiếc bình này biến thành can nhựa!

Vì vậy ngày 6-5, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tạm hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm (lần 3) đối với Lê Bá Mai theo đề nghị của luật sư Huỳnh Thế Tân (Trưởng Văn phòng Luật sư Tân & Đồng sự, Đoàn Luật sư TPHCM) và dời ngày xử vào 20-5 để luật sư Tân có thời gian nghiên cứu hồ sơ và HĐXX triệu tập đầy đủ các nhân chứng vụ án.

Kỳ án vườn mít: Kiểm sát viên “thực địa” hiện trường
Con suối này, vào tháng 11-2004 (mùa mưa) xe máy không thể đi qua nên theo luật sư Tân, không có chuyện Lê Bá Mai phạm tội.

Đến ngày 20-5, phiên tòa phúc thẩm lần 3 tiếp tục hoãn và ngày 23-5, tổ công tác do kiểm sát viên Võ Văn Thêm đã tới hiện trường để kiểm tra lại. Luật sư Bùi Quang Nghiêm nhận định đây là vụ án phức tạp, tồn tại việc mớm cung, ép cung.

Trước khi tổ công tác do kiểm sát viên Võ Văn Thêm đi thực địa thì vào ngày 13-5, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên UVBCHTW Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân nguyện, nguyên Chủ nhiệm Các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) của Quốc hội đã thực địa hiện trường theo bản vẽ sơ đồ hiện trường.

Sau khi thực địa, bà Hoài Thu cho biết vụ án Lê Bá Mai đã kéo dài nhiều năm gây lãng phí tiền của cho xã hội, trong vụ án có nhiều vi phạm tố tụng, cần làm rõ, nếu oan sai thì phải giải oan và phải chấp nhận sự thật.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại