- Thưa bà, bà là người đầu tiên mở “đường sống” với tử tù Lê Bá Mai. Những phân tích công bằng, đầy tình người của bà đã thuyết phục được Chủ tịch nước chỉ đạo VKSND Tối cao dừng thi hành án tử hình, đưa ra quyết định kháng nghị hủy cả 2 bản án tử hình trước đó. Cũng từ đó đến nay, bà luôn theo dõi vụ án này. Điều gì thôi thúc bà làm vậy?
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu
Tôi luôn có một niềm tin tâm lý Lê Bá Mai có thể bị oan, vô tội. Chứng minh cho những hoài nghi của mình, tôi đã đọc nhiều tài liệu về vụ án giết người, hiếp dâm để rồi nhận ra cáo trạng không diễn đạt gì về tinh dịch của hung thủ có hay không có và có đúng là của Mai hay không.
Hơn nữa, CQĐT không đưa ra nhiều giả thuyết nếu không phải Mai thì là ai? Cứ chăm chăm là Mai có tội trong khi có thể không phải Mai, như vậy thủ phạm cao chạy xa bay mất rồi. Nói là Mai đã khai nhận, vấn đề là khai nhận có khách quan, vô tư, không có ai hướng dẫn, mớm cung, dụ cung hay không? Vì sao lời khai tiền hậu bất nhất?...
- Suy nghĩ của bà khi mà vụ án có những chứng cứ không vững chắc nhưng VKSND tỉnh Bình Phước vẫn nhiều lần đề nghị tử hình Lê Bá Mai? TAND tỉnh Bình Phước lúc tuyên tử hình, lúc phán vô tội rồi lại tuyên tù chung thân trong khi không bổ sung chứng cứ gì mới?
- Vụ án không phức tạp nếu ngay từ đầu CQĐT tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ đầy đủ. Còn bây giờ không đủ chứng cứ, một nguyên tắc mà tất cả các nền pháp luật tiến bộ đều phải tuân thủ là không chứng minh được tội phạm thì phải tuyên vô tội, để tìm hiểu, xem xét, truy tìm thủ phạm thực sự.
Năm 2011, TAND tỉnh Bình Phước tuyên trả tự do cho Mai, tôi cứ nghĩ vụ án đã chấm dứt, công lý đã được thực thi. Nào ngờ vụ án bị kháng nghị, rồi bắt giam, xét xử lại trong khi các cơ quan tố tụng không tìm ra được chứng cứ mới nào.
Nay TAND tỉnh Bình Phước lại tuyên án tù chung thân với Mai, theo tôi, là biện pháp an toàn cho cả hai bên. Mai không phải chết. Cơ quan pháp luật không bị truy cứu trách nhiệm và bồi thường. Thế nhưng, vấn đề không phải là mức án ra sao, quan trọng nhất pháp luật phải mang lại công bằng cho tất cả mọi người. Tôi không bảo vệ cá nhân Mai, hơn tất cả tôi muốn bảo vệ pháp luật.
- Vì sao bà quyết định đi thực địa ngày 13-5? Qua chuyến đi đó, bà suy nghĩ gì về cách làm việc của CQĐT, VKSND cũng như số phận người bị cáo buộc, nạn nhân và gia đình họ?
- Tôi đọc báo thấy nói phiên tòa phúc thẩm ngày 6-5 hoãn xử theo đề nghị của luật sư Huỳnh Thế Tân nên bức xúc gọi điện thoại cho luật sư. Sau khi nghe luật sư trình bày, tôi rủ luật sư cùng đi thực địa.
Mười năm nay, tôi bị thoái hóa khớp, đi lại rất khó khăn nhưng tôi nghĩ cái đau này không bằng cái đau của người bị cùm trong tù. Đau hơn cả là Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh nhưng để cho một người có thể bị oan.
Đi rồi mới thấy, với con đường nhấp nhô, lỗ chỗ như thế lại có con suối chắn ngang, làm sao xe máy, xe đạp đi được như cáo trạng đã mô tả. Điều tôi hết sức bất ngờ là vừa tới nơi, cha mẹ Mai đã quỳ xuống cám ơn tôi. Tấm lòng người làm cha mẹ khiến tôi xúc động lắm.
Tôi không đánh giá thấp CQĐT, VKSND, tòa án. Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, những cơ quan này đã làm được nhiều việc tốt, mang lại công bằng cho xã hội. Nhưng trong vụ án này, trình độ CQĐT rõ ràng là hạn chế và không loại trừ cố tình làm sai lệch, oan cho người khác.
Tôi luôn đau đáu về cái chết của nạn nhân cũng như nỗi đau khổ, mất mát của gia đình em. Nhưng không tìm đúng thủ phạm là lỗi của CQĐT, không thể không đủ chứng cứ buộc tội mà vẫn buộc tội.
- Nếu tòa phúc thẩm vẫn quyết buộc tội Mai...?
- Bước cuối cùng là kêu đến Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Có thể cấp phúc thẩm sẽ y án để bảo vệ uy tín cơ quan tố tụng. Trong trường hợp này, uy tín của phiên tòa tha bổng Mai ra sao, phải xem xét lại phiên tòa này. Bởi phải có người đúng, người sai. Đằng nào cơ quan pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm.
Con người không ai hoàn thiện, ăn cơm còn rơi vãi nữa là. Tôi vẫn hy vọng vào lương tâm những người tham gia vào việc này, từ người điều tra, làm cáo trạng đến người làm chứng. Hãy làm đúng sự thật, đừng vì một điều gì khác. Tôi cũng mong xã hội hãy giúp đỡ cha mẹ nạn nhân có cuộc sống tốt hơn.
Phải tâm phục, khẩu phục
Thực sự đáng buồn, ngay khi xem những bản ảnh đầu tiên, tôi đã phát hiện ra rất nhiều sai sót, không thể hiểu nổi công tác điều tra, đặc biệt lại là việc điều tra lại, sau khi chánh án TAND Tối cao hủy án sơ, phúc thẩm năm 2005.
Tôi không biết, phiên tòa sắp tới sẽ diễn ra như thế nào nhưng tôi chỉ mong các luật sư chúng tôi sẽ được giành thời gian như pháp luật đã quy định, để việc thẩm vấn, tranh luận được thực hiện cho tới cùng, khi một trong hai bên - buộc tội và gỡ tội - thực sự tâm phục, khẩu phục.
Luật sư Huỳnh Thế Tân, Trưởng Văn phòng Luật sư Tân & Đồng sự (Đoàn Luật sư TPHCM)