Vùng quê thanh bình đã tạm yên ắng sau tội ác chấn động của Lê Văn Luỵện khi chưa đầy 18 tuổi. Song những ký ức và hình ảnh về hung thủ đang dần trở thành bài học thấm thía để những người dân nơi đây răn dạy con cháu mình.
Nỗi buồn của vị trưởng thôn
Cách tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn) chừng hơn chục km, ngôi nhà của gia đình Lê Văn Luyện cũng khép cửa im ắng. Sau hành vi tàn độc, Luyện không những huỷ hoại hạnh phúc một gia đình trẻ mà còn tự tay làm tan nát mái ấm của gia đình mình.
Nằm tại trung tâm xã, đối diện UBND xã Thanh Lâm, ngôi nhà hai tầng khang trang của gia đình Luyện giờ đây phủ đầy rêu mốc, hàng rào sắt hoen rỉ như lâu lắm đã không có người mở cửa. Thấy chúng tôi tiến đến gần ngôi nhà, những người hàng xóm nhìn chúng tôi với ánh mắt có phần ái ngại, không muốn tiếp chuyện rồi rút lui vào trong nhà.
Nhận thấy không thể thu thập được thông tin gì từ họ, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Hộ (sinh năm 1957), trưởng thôn Sơn Đình 2. Câu chuyện về hành vi phạm tội của một nhân khẩu trong thôn cũng là người cháu trong nội tộc khiến ông Hộ luôn day dứt và ám ảnh trong suốt hơn 10 năm đảm nhận vị trí trưởng thôn.
Ông Hộ vẫn nhớ như in những ngày tháng cả thôn Sơn Đình 2 rúng động về tin cướp vàng, giết ba mạng người ở phố Sàn. Ngày đó, suốt hàng tuần liền, ông liên tục phải tiếp chuyện với các phóng viên, nhà báo. Ngoài ra, ông còn cùng các cán bộ xã phối hợp với lực lượng công an để điều tra manh mối của vụ án. Ông không thể tin nổi thằng Luyện ngày nào lại có thể gây ra tội ác tày trời như thế.
Ông Hộ cho hay, Luyện sinh ra trong một gia đình bình thường như bao gia đình khác, thường ngày cũng chẳng có hiềm khích gì với anh em trong nội tộc, hàng xóm. Bố mẹ Luyện làm nghề giết mổ lợn, cũng được coi là hộ có kinh tế khá giả. Ngày nhỏ, Luyện cũng chưa bị tai tiếng ở làng. Ngoài giờ đi học, Luyện còn tham gia các hoạt động thể thao của xóm như bóng chuyền, cầu lông... "Chỉ có điều, đến giai đoạn học hết cấp 3, không đỗ đại học nên nó đi làm thợ xây thì...", ông Hộ nói nhỏ dần.
Bố mẹ tập trung buôn bán, không có thời gian quán xuyến nên mới bất ngờ xảy ra chuyện đau lòng ấy. Đến bà nội của Luyện khi biết sự vụ còn nói rằng: “Đứa nào nó lại to gan thế nhỉ? Nếu bắt được thì đem mà chém sống đi chứ ai lại làm thế...? Hoá ra không ngờ là cháu mình... Quả là chua xót và đau lòng ", ông Hộ nhớ lại.
Cũng theo lời vị trưởng thôn, sau gần hai năm, gia đình Luyện phân ly mỗi người một ngả. Cha con Luyện đi tù, còn cô Thơm - mẹ Luyện phát bệnh thần kinh không thể lao động nặng nhọc nên cùng con gái út 4 tuổi về nhà mẹ đẻ ở thôn Giàng (xã Thanh Lâm) sinh sống.
Trước đó, cô Thơm là người phụ nữ rất khoẻ mạnh, tháo vát, hàng ngày cùng chồng làm nghề giết mổ. Sau khi nghe tin cậu con trai gây tội ác, phải suy nghĩ, lo lắng quá nhiều nên cô ấy sinh ra ức chế thần kinh, tính cách không còn được như trước.
Còn ông bà nội của Luyện thì đã già, đang sống cùng cô con gái tên là Nam trong ngôi nhà rách nát ở đầu làng. Tuy nhiên, chồng cô Nam đã qua đời, một mình cô nuôi con nhỏ nên dường như chẳng thể đỡ đần gì cho cha mẹ. Hai ông bà già yếu chỉ biết trông chờ vào số tiền ít ỏi hỗ trợ hộ nghèo và người già hàng tháng để sinh sống.
Trong nhà cô Nam chẳng có tài sản gì giá trị ngoài mấy con lợn con và ít gà nuôi trong chuồng. Còn em trai của Luyện thì đi làm ăn xa để kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi em nhỏ. Ngôi nhà hai tầng trống trải suốt gần hai năm qua. Nhiều người còn đồn thổi, có lẽ phong thuỷ của ngôi nhà ấy không tốt nên gia đình mới phát sinh những tội ác rợn người như vậy. Lời đồn là vô căn cứ nhưng cũng khiến căn nhà thêm phần lạnh lẽo và khiến người đời xa lánh nhiều hơn.
Cứ lo xa để không phải buồn gần...
Về phản ứng và tình cảm hàng xóm láng giềng sau khi xảy ra sự việc đáng tiếc với gia đình ông Lê Văn Ngà (ông nội tên Luyện), theo ông Hộ, đa phần người dân trong thôn cũng rất thông cảm và sẻ chia. Vị trưởng thôn lý giải: "Ai cũng hiểu đó là sự việc không mong muốn và cũng không phải do cha mẹ hay ông bà xúi giục con cháu họ làm. Ông bà của Luyện cũng rất ân hận, day dứt vì không thể ngờ con cháu mình lại hung tàn như thế. Thời gian mới xảy ra vụ án, ra đường họ chẳng dám nhìn ai.
Thời gian đầu, các thành viên trong đại gia đình Luyện sống khép kín, chẳng dám giao du, tiếp chuyện với hàng xóm láng giềng. Vẫn biết rằng gia đình phải có trách nhiệm lớn nhất trong vụ việc này nhưng đúng là nhiều trường hợp không thể kiểm soát được. Họ cũng đau khổ vì không thể thay đổi được gì. Dạy con cháu thì cũng chỉ dạy điều tốt, nhưng ở đời ai biết được chữ ngờ. Biết vậy nên anh em trong làng xóm, họ hàng nội tộc cũng động viên, thăm hỏi gia đình cho tư tưởng của họ ổn định lại".
Theo ghi nhận của PV, thôn Sơn Đình 2, xã Thanh Lâm là địa bàn tập trung rất nhiều trường học, gồm cả cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Sau khi Lê Văn Luyện gây ra án mạng, nhiều gia đình đã thận trọng hơn và coi đó như một bài học để răn dạy con cháu mình.
Tiếp chuyện với PV, chị Lê Thị M. (45 tuổi, thôn Sơn Đình 2, sống gần nhà ông Lê Văn Ngà) chia sẻ: “Từ trước tới nay, tôi chỉ mới nghe chuyện giết người cướp qua thông tin đại chúng, chứ không khi nào nghĩ rằng nó lại xảy ra với những người xung quanh mình. Câu chuyện của gia đình ông Ngà quả thực đau lòng và khiến nhiều người choáng váng.
Âu cũng là cái dại của con cái, làm ông bà, cha mẹ, ai chẳng mong con mình lớn khôn, học hành thành người, có công ăn việc làm ổn định. Ở đây có nhiều nhà cho con theo học cấp 3 ngoài thị trấn Đồi Ngô nên rất lo lắng.
Phố xá có nhiều thứ thu hút khiến chúng tò mò khám phá rồi lại chẳng để ý đến học hành, sinh thói ăn chơi, đua đòi. Rút kinh nghiệm từ sự việc ấy, tôi cũng như nhiều bậc phụ huynh khác trong làng coi đó là bài học để dạy dỗ con em mình.
Dù chỉ là nông dân, chẳng biết hiểu nhiều về chữ nghĩa nhưng thi thoảng tôi cũng dành thời gian ra để ngó qua sách vở của con, hoặc thường xuyên liên hệ với giáo viên để nắm bắt được tình hình học tập cũng như sinh hoạt của nó ở lớp".
Trao đổi với PV, trưởng thôn Sơn Đình 2 cũng cho hay: “Từ ngày đó đến nay, an ninh trật tự trong thôn tốt hẳn lên. Tình hình trộm cắp vặt cũng giảm mạnh, một phần có thể do dân trí đã cao hơn nhưng cũng có lẽ do các gia đình đã chú ý quản lý, giáo dục con cái hơn. Con em các gia đình ở đây cũng có truyền thống hiếu học và ngoan ngoãn nên các cháu cũng lắng nghe lời răn dạy của cha mẹ. Hy vọng sẽ không còn vụ việc đáng tiếc nào xảy ra với chốn quê thanh bình này nữa”...
Không có chuyện mẹ Lê Văn Luyện giả tâm thần để trốn tội
Trưởng thôn Lê Văn Hộ khẳng định: "Tôi được biết có nhiều người cho rằng, mẹ của Lê Văn Luyện giả tâm thần để trốn tội. Nhưng tiếp xúc thực tế và từ những suy luận của bản thân, tôi thấy những lời đồn trên là vô căn cứ. Chúng ta nên nhìn nhận sự việc từ góc độ nhân văn và chia sẻ.
Không ai mong muốn con mình làm chuyện ác. Vì tư tưởng không thể đấu tranh nổi nên cô ấy sinh bệnh tật, thần kinh không được ổn định. Không thể làm được việc nặng nhọc nhưng cô Thơm cũng vẫn phải đi làm đan lát, hàng mã để kiếm tiền nuôi con nhỏ và trang trải cuộc sống của mình".