LTS. Là phụ nữ ai cũng muốn mình xinh đẹp, đặc biệt ngày nay khi mà “công nghệ thẩm mỹ” được nâng lên tầm cao với việc ứng dụng nhiều kỹ thuật mới. Thế nhưng, không phải cứ có tiền là được đẹp.
Nhiều chị em đã “mù quáng” tin vào những lời quảng cáo có cánh như làm đẹp không đau, không để lại sẹo, giá cả hợp lý phải chăng… mà trót “trao thân” vào những cơ sở thẩm mỹ với những người không có hiểu biết gì về thẩm mỹ, về phẫu thuật thẩm mỹ cũng như chuyên môn y tế để rồi “tiền mất tật mang”, sống trong dằn vặt đau khổ, hối hận…
Mặc dù các chuyên gia y tế, các chuyên gia trong lĩnh thẩm mỹ đã cảnh báo rất nhiều về những hậu quả, những hệ luỵ của việc làm này vậy mà dường như vẫn chỉ là nói “cho vui tai”.
Có những sai lầm có thể khắc phục được phần nào, nhưng cũng có những sai lầm không bao giờ có cơ hội được sửa sai.
Mới đây, ngày 19/7 chị N.T.C.D 30 tuổi đi nâng mũi làm đẹp ở một cơ sở thẩm mỹ tại quận 4, TP.HCM có nguy cơ bị múc bỏ mắt vì tiêm chất làm đầy filler để làm đẹp mũi.
Kỳ 1:
Với những lời mời gọi đầy sức thuyết phục như “làm đẹp không đau”, “thay đổi sau 15 phút”, “đảm bảo 100% về chất lượng” hay ”sắc đẹp của phụ nữ là lời hứa hẹn của hạnh phúc”…. các thẩm mỹ viện, trung tâm làm đẹp mọc lên “như nấm sau mưa” đang “hút” một lượng lớn những khách hàng có mong muốn sở hữu một vẻ ngoài hoàn mỹ.
Cắt mí, nâng mũi ở các cơ sở …. “gội đầu”
Làm đẹp là một nhu cầu chính đáng, có thật của không chỉ chị em phụ nữ mà cả của những đấng mày râu.
Muốn có chiếc cằm vline, cặp má lúm đồng tiền, chiếc mũi thẳng, môi trái tim… hay bất cứ dịch vụ thẩm mỹ nào cũng có thể dễ dàng tìm thấy địa chỉ trên mạng chỉ sau vài cái click chuột.
Các loại dịch vụ thẩm mỹ luôn có sẵn từ A đến Z, từ ít xâm lấn như nhấn mí, cắt mí, phun môi, tạo hình môi, phun mày, nối mi …. đến những thủ thuật xâm lấn như nâng mũi, gọt cằm, tiêm botox, tiêm filler…. đều sẵn có.
Tuy nhiên dịch vụ muôn hình vạn trạng mà chất lượng sản phẩm người tiêu dùng nhận được không phải ở đâu cũng giống nhau.
Bên cạnh những ca “dao kéo” thành công, có không ít các trường hợp phẫu thuật hỏng, bệnh nhân gặp biến chứng khó lường, thậm chí “tiền mất tật mang”.
Thẩm mỹ nâng mũi bị hỏng - nạn nhân chỉ biết kêu trời...
Vụ việc được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội gần đây là một nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ tố cáo thẩm mỹ viện có tên PA , ở Việt Yên, Bắc Giang làm hỏng mũi.
Theo chia sẻ, cô gái này được người quen giới thiệu đi nâng mũi với giá 7 triệu đồng.
Đáng chú ý là chủ cơ sở thẩm mỹ, người trực tiếp nâng mũi cho nạn nhân mới chỉ sinh năm 2001 và đây còn là “Trung tâm đào tạo thẩm mỹ”, theo chia sẻ của chủ tài khoản.
Sau ca “phẫu thuật”, mũi nạn nhân bị sưng, tụ máu, lộ sụn nhìn rất khủng khiếp. Nhìn những hình ảnh của nạn nhân đăng lên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi xót xa, phẫn nộ với cả chủ cơ sở thẩm mỹ và cả nạn nhân.
Nhiều người trách nạn nhân không tìm hiểu kỹ, giao tính mạng của mình cho cô chủ thẩm mỹ viện trẻ tuổi, không có chuyên môn. Phóng viên đã liên lạc với chủ cơ sở nhưng không thể liên lạc được.
Hay vụ việc xảy ra cuối năm 2017, bệnh nhân Trần Thị Lan Anh ở Hoàng Mai tố cáo cơ sở spa thẩm mỹ Kelly Trần, phố Nguyễn Đức Cảnh, Hà Nội cắt mí gây biến chứng sau phẫu thuật khiến Sở Y tế Hà Nội phải vào cuộc xác minh.
Sau cắt mí, nạn nhân bị sưng nhiều, sẹo lớn, đường khâu gồ ghề, vết khâu cắt mí bị chảy mủ nặng.
Sau khi Sở Y tế Hà Nội vào cuộc và khẳng định trên các phương tiện truyền thông rằng, cơ sở spa cắt mí Kelly Trần này hoạt động không có giấy phép hành nghề y dược, quán chỉ là điểm gội đầu và sau đó cơ sở này đã đóng cửa và gỡ biển hiệu.
Nạn nhân bị biến chứng sau cắt mí tại một cơ sở ... gội đầu
Những vụ việc này đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng các cơ sở làm đẹp đua nhau thực hiện các thủ thuật xâm lấn “chui”, bởi những cơ sở spa thẩm mỹ thông thường không được phép thực hiện các dịch vụ gây chảy máu như xăm mắt, xăm môi, cắt mí….
Những thủ thuật này phải được thực hiện tại những cơ sở được Sở Y tế cấp phép hành nghề.
Cơ sở tiến hành cắt mí thẩm mỹ là quán cắt tóc gội đầu
Biến chứng tràn lan sau phẫu thuật thẩm mỹ ở nhiều cơ sở Hà Nội
TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Giảng viên Bộ môn Phẫu thuật tạo hình- Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ- Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, mỗi tuần Khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Xanh Pôn thường đón tiếp từ 1-3 bệnh nhân đến khám và điều trị các biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ.
Phần lớn trong số đó là cắt mí hỏng, nhiễm trùng, tòi chất liệu mũi, thủng đầu mũi sau đặt chất liệu, nhiễm trùng, hoại tử, biến dạng mặt do tiêm filler...
Hầu hết các trường hợp này được thực hiện phẫu thuật, thủ thuật tại các spa, thậm chí tiệm cắt tóc gội đầu, tại nhà, nhà nghỉ, khách sạn bởi những người không phải nhân viên y tế hay những bác sĩ không được cấp phép hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Đáng buồn là tình trạng này càng ngày càng tăng và càng ngày càng trong tình trạng mất kiểm soát.
TS.BS Nguyễn Quang Đức, Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện 108 chia sẻ, gần như ngày nào khi khám bệnh, ông cũng gặp các trường hợp biến chứng hoặc phẫu thuật thẩm mỹ hỏng.
Họ là những người trẻ tuổi, thường đi phẫu thuật thẩm mỹ theo sự giới thiệu của người quen, chủ yếu là truyền miệng nhau.
Theo TS. Nguyễn Quang Đức, số tai nạn thẩm mỹ viện ông gặp nhiều nhất chủ yếu là các thủ thuật nhấn mí, tiêm filler hỏng, nâng mũi hỏng, hay tạo má lúm đồng tiền lỗi…. Nhiều cơ sở tiến hành các thủ thuật chỉ là những tiệm cắt tóc, gội đầu…. .
Biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ rất nhiều, có những trường hợp sau cắt mí, mắt không thể mở bình thường, sau phẫu thuật tạo má lúm đồng tiền khiến bệnh nhân đau nhức, bỗng đâu gắn thêm 2 cục sẹo ở má mà đẹp chả thấy đâu.
Sau phẫu thuật tiêm filler độn mông, có bệnh nhân bỗng không thể đi lại, chân bị tê bì do tổn thương thần kinh.
TS.BS Nguyễn Quang Đức từng cảm thán rằng: “Bác sĩ đâu phải thánh thần!”, nhiều người lại mách nhau cứ sai, cứ lỗi thì lúc đó mới tìm đến bác sĩ, hậu quả để lại thật tai hại….
(Còn nữa...)