PGS Nguyễn Tiến Dũng: Sai lầm nguy hiểm của cha mẹ về dinh dưỡng cho con, người Nhật không như VN!

Hiền Nguyễn |

Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy, mất nước trầm trọng mà lại sử dụng loại thực phẩm chức năng này, thì trẻ sẽ mất nước và nguy hiểm đến tính mạng.

Theo định nghĩa của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thực phẩm chức năng là thực phẩm (hay sản phẩm) có tác dụng hỗ trợ (phục hồi, duy trì hoặc tăng cường) chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có hoặc không có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt mệt mỏi của cơ thể.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, có thể hiểu đơn giản thực phẩm chức năng là thực phẩm được bổ sung thêm một số chất vi lượng, vitamin... nhất định, làm cho cơ thể phát triển tốt hơn hoặc phòng chống được một số bệnh (ví dụ cho vitamin D vào để phòng chống còi xương cho trẻ em).

Thực phẩm chức năng không hoàn toàn thay thế được thực phẩm thông thường dùng hàng ngày, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

PGS Nguyễn Tiến Dũng: Sai lầm nguy hiểm của cha mẹ về dinh dưỡng cho con, người Nhật không như VN! - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

Dùng bừa cho trẻ là có hại, đôi khi nguy hiểm tính mạng

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, ở nước ta đang tồn tại tình trạng có quá nhiều thực phẩm chức năng được cấp phép lưu hành. Thực phẩm chức năng nhập khẩu về đã rất nhiều loại, chưa kể số lượng thực phẩm chức năng sản xuất trong nước.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, nơi phát minh ra thực phẩm chức năng cũng chỉ cấp phép lưu hành khoảng 100 loại. Quá nhiều thực phẩm chức năng dẫn đến tình trạng ngay cả bác sĩ cũng không nắm được loại nào tốt chứ đừng nói người dân! Vì thế người tiêu dùng càng khó khi lựa chọn và sử dụng thực phẩm chức năng. 

Sử dụng thực phẩm chức năng không đúng có thể gây nên những tác hại, ví dụ như dị ứng. Quá lạm dụng hoặc dựa dẫm vào thực phẩm chức năng có thể khiến cha mẹ quên đi việc bổ sung dinh dưỡng thông thường cho trẻ.

Khi trẻ bị bệnh, nếu bắt trẻ uống thêm thực phẩm chức năng kèm thuốc có thể khiến trẻ phải uống một lượng quá nhiều, khiến cho trẻ sợ thuốc.

Hoặc cũng có thể do nhầm lẫn hoặc thiếu hiểu biết, cha mẹ bỏ quên việc cho con uống thuốc đầy đủ theo đơn chỉ định của bác sĩ, mà chỉ chăm chăm cho con uống thực phẩm chức năng sẽ không có giá trị điều trị bệnh cho trẻ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng còn cảnh báo, việc người dân nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng và thuốc có thể dẫn đến những tác hại nghiêm trọng. 

Ông nêu ví dụ:  Trên thị trường có 1 loại thực phẩm chức năng công thức y như Oresol. Trong khi Oresol là một loại thuốc bù nước dành cho trẻ em bị tiêu chảy, loại này thường được đóng gói pha với 1 lít, 500ml hoặc 200ml để phù hợp với lứa tuổi. Đã đến lúc phải uống Oresol là phải uống hàng trăm ml trở lên mới cung cấp đủ lượng nước cần bù.

Vậy mà có loại thực phẩm chức năng có công thức giống Oresol chỉ pha với 10ml! Trong trường hợp có trẻ em bị tiêu chảy, mất nước trầm trọng mà lại sử dụng loại thực phẩm chức năng này, thì trẻ sẽ mất nước và nguy hiểm đến tính mạng.

PGS Nguyễn Tiến Dũng: Sai lầm nguy hiểm của cha mẹ về dinh dưỡng cho con, người Nhật không như VN! - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

PGS Dũng cho biết, cho dù đến nay chưa gặp trường hợp nhầm lẫn nào dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy, nhưng đây vẫn là điều cần cảnh báo trước vì không loại trừ trường hợp cha mẹ nhầm lẫn loại thực phẩm chức năng có công thức giống Oresol kia thành Oresol dùng để uống bù nước khi trẻ bị tiêu chảy.

Nếu dùng để uống hàng ngày khi không bị tiêu chảy thì không có tác dụng gì, nhưng nếu nhầm vào việc điều trị thì rất nguy hiểm. Chính vì thế, PGS Dũng kiến nghị, loại thực phẩm chức năng như vậy không nên cho lưu hành trên thị trường!

Hiện nay, Bộ Y tế quy định không được phép kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, đây là một quy định rất tốt, giúp người dân phân biệt đâu là thực phẩm chức năng và biết cách sử dụng đúng.

Có rất nhiều loại thực phẩm chức năng tốt, nhưng nếu lạm dụng và sử dụng không hiểu biết, thì sẽ gây hại cho người sử dụng.

Trẻ nào cần bổ sung thực phẩm chức năng?

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, dinh dưỡng thông thường với trẻ em cực kỳ quan trọng. Nhi khoa luôn đề cao nguyên tắc "cái bếp đi trước, tủ thuốc theo sau". Vì vậy, cha mẹ cần chú trọng đến vấn đề dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm hàng ngày cho trẻ, chứ không phải chú trọng đến việc bố sung thực phẩm chức năng.

Theo ông, trẻ đầy đủ dinh dưỡng, không bệnh tật gì thì không nên bổ sung thực phẩm chức năng. 

Chỉ những trường hợp sau, cha mẹ mới nên cân nhắc việc sử dụng thực phẩm chức năng cho con:

- Trẻ em mắc bệnh mãn tính (ung thư, những bệnh phải chữa dài ngày...)

- Trẻ em thiếu dinh dưỡng trầm trọng, ăn bằng đường tiêu hoá không đủ.

- Trẻ sống trong những hoàn cảnh đặc biệt.

PGS Nguyễn Tiến Dũng: Sai lầm nguy hiểm của cha mẹ về dinh dưỡng cho con, người Nhật không như VN! - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

PGS Nguyễn Tiến Dũng đưa ra lời khuyên đối với cha mẹ, khi dùng thực phẩm chức năng cho trẻ lần đầu tiên nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Bằng nghiệp vụ và các xét nghiệm hỗ trợ, bác sĩ có thể xác định được trẻ sống trong hoàn cảnh nào, mắc bệnh gì, đang thiếu hất gì, từ đó mới tìm ra loại thực phẩm chức năng đáp ứng tình trạng bệnh lý cũng như dinh dưỡng của trẻ. Nếu cứ tự ý dùng bừa, rất tốn tiền mà nhiều khi có hại.

Nhiều người khi sử dụng thực phẩm chức năng không xem xét kỹ xuất xứ. Việc bỏ qua những chi tiết này có thể khiến người tiêu dùng mua phải thực phẩm chức năng giả hoặc nhái gây tác hại không nhỏ cho sức khoẻ của trẻ em.

Những tác hại này, có khi không biểu hiện ngay tức thì mà phải qua một thời gian rất dài mới biết được. 

Ví dụ khi sản xuất thực phẩm chức năng mà quy trình không tốt gây nhiễm chì, nếu nồng độ ít thì không thể biết ngay, 5 - 10 năm sau mới biết. Vì vậy, việc truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ cũng rất quan trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại