Lực lượng Pakistan bắt đầu chuyển thiết bị quân sự tới căn cứ của mình ở gần Ladakh khi căng thẳng gia tăng với Pakistan về việc bác bỏ điều khoản 370. Cơ quan tình báo Ấn Độ đang lo ngại và quan sát sát sao từng động thái của Pakistan dọc khu vực biên giới.
Theo Times of India, khi căng thẳng gia tăng với Pakistan về việc bác bỏ điều khoản 370 (một điều khoản trong hiến pháp cho phép trao quyền tự trị cho Kashmir và Jammu), lực lượng Pakistan bắt đầu chuyển thiết bị quân sự tới căn cứ của mình ở gần Ladakh.
"3 máy bay vận tải C-130 của không quân Pakistan hôm thứ Bảy đã được dùng để chuyển thiết bị tới căn cứ không quân Skardu. Cơ quan tình báo Ấn Độ đang lo ngại và quan sát sát sao từng động thái của Pakistan dọc khu vực biên giới", nguồn tin chính phủ cho hay với ANI.
Pakistan dường như chuẩn bị chuyển máy bay chiến đấu JF-17 tới căn cứ không quân Skardu, nguồn tin cho hay.
Theo nguồn tin, các thiết bị quân sự này được chuyển tới căn cứ đang hoạt động có thể nhằm hỗ trợ cho các thiết bị không quân để triển khai các cuộc không kích.
Trong khi đó, trong một tuyên bố vào hôm qua (11/8), Thủ tướng Pakistan Imran Khan thông báo sẽ đệ trình kiến nghị lên án Ấn Độ lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với sự ủng hộ của thành viên thường trực Trung Quốc.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho biết, Pakistan sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ 2 thành viên không thường trực là Indonesia và Ba Lan để lên án quyết định tước quyền tự trị khu vực Kashmir của phía Ấn Độ.
"Tôi đang liên hệ với một số Ngoại trưởng trong đó có Ngoại trưởng Indonesia. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Indonesia hiện không ở trong nước mà đang ở Singapore.
Tôi sẽ liên hệ với Ngoại trưởng Indonesia khi bà ấy về nước. Indonesia là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Tôi cũng sẽ liên hệ với Ngoại trưởng Ba Lan vào ngày 12/8".
Ông Qureshi cũng khẳng định, Pakistan chưa có kế hoạch dùng vũ lực để giải quyết tình trạng căng thẳng tại Kashmir nhưng quân đội đã nhận lệnh từ Thủ tướng xtan Imran Khan, sẵn sàng đẩy lui "bất kỳ hành vi khiêu khích nào".
Bên cạnh đó, Cơ quan Phát triển du lịch Pakistan thông báo tuyến xe buýt hữu nghị nối liền thành phố Lahore của nước này và New Delhi từ năm 1999 đã ngưng hoạt động.
Trước đây, bất chấp những lần xung đột leo thang ở biên giới hai nước, dịch vụ xe buýt vẫn chưa từng gián đoạn. Như vậy, tuyến giao thông cuối cùng giữa hai nước đã bị cắt đứt sau khi đường sắt và hàng không bị phong tỏa.