Hybrid Warfare - Cái bẫy của Tổng thống Putin
Hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 của Nga đã lấy đi không biết bao nhiêu giấy mực của giới truyền thông kể từ khi nó được triển khai ở cả bên trong và bên ngoài biên giới Nga.
S-400 nổi bật với khả năng có thể tiêu diệt hàng loạt mục tiêu trên không, từ máy bay, tên lửa hành trình cho tới tên lửa đạn đạo. Đặc biệt, nó đã mang về cho Nga một doanh số bán hàng quốc tế đầy ấn tượng tuy cũng gây không ít tranh cãi.
Mặc dù nổi danh đến như vậy nhưng S-400 vẫn chưa hề trải qua thực chiến. Hệ thống đã được Nga triển khai ở Syria, nước có đường biên giới liên tục bị các đối thủ xâm nhập từ trên không, thế nhưng S-400, cho tới nay vẫn chưa bắn đi một quả tên lửa nào.
Tuy nhiên, bất chấp khả năng chiến đấu chưa từng được kiểm chứng trên thực tế, S-400 vẫn thu hút được một danh sách dài các khách hàng đã mua hoặc có tiềm năng sẽ mua, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar.
Việc sử dụng S-400 như một công cụ chiến tranh kinh tế do đó không thể bị đánh giá thấp và nó được xem là một ví dụ điển hình cho cách Nga phát động nghệ thuật chiến tranh hỗn hợp (Hybrid Warfare) để đối phó với Mỹ và các đồng minh NATO.
Hybrid Warfare - Nghệ thuật chiến tranh hỗn hợp độc đáo của Nga
Mỹ - NATO bị hạ đo ván
Lợi ích chiến lược đầu tiên của kiểu chiến tranh hỗn hợp này là nó đã tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho Moscow từ việc bán vũ khí. Kinh tế Nga đã phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề từ sau vụ việc nước này sáp nhập Bán đảo Crimea, chiến tranh với Ukraine, bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 và giá dầu sụt giảm trên toàn cầu.
Do đó, hoạt động bán vũ khí công nghệ cao đã góp phần làm đa dạng hóa nền kinh tế Nga và giúp Moscow thoát dần khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Những nguồn thu này sẽ hỗ trợ Nga vượt qua các tác động tiêu cực đến nền kinh tế và tiếp thêm vốn cho các chương trình hiện đại hóa quân sự đắt đỏ.
Lợi ích chiến lược thứ hai mà việc bán các hệ thống phòng thủ S-400 mang lại cho Nga chính là việc nó đã tạo ra uy tín và vị thế quốc tế rằng Nga vẫn là một thế lực nên dựa vào và Moscow có khả năng phát triển các hệ thống vũ khí tấn công và phòng thủ tiên tiến.
Các hệ thống tên lửa không đối đất do Liên Xô chế tạo trước đây đã được xuất khẩu ra toàn thế giới trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và hiện diện ở khắp nơi, chẳng hạn như súng trường tấn công AK-47.
Hiện nay, Nga đang chứng minh rằng, mặc dù không còn là một siêu cường nhưng họ vẫn có thể chế tạo được các hệ thống vũ khí có khả năng đe dọa tới các máy bay chiến đấu tiên tiến của Mỹ và các đồng minh.
S-400 được đánh giá là một khoản đầu tư kinh tế rất đáng kể với bất kỳ quốc gia nào
Lợi ích chiến lược thứ ba đó là S-400 đã giúp Nga xây dựng và củng cố mối quan hệ với các quốc gia như Trung Quốc, nước hiện đang hợp tác chặt chẽ với Moscow trên một số lĩnh vực nhất định, đó là chưa kể tới việc cạnh tranh vị thế siêu cường với Mỹ.
Mặc dù quan hệ Nga và Trung Quốc trong quá khứ tồn tại những khác biệt nghiêm trọng, thậm chí nghi ngờ lẫn nhau nhưng việc Bắc Kinh mua hệ thống S-400 của Moscow sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ quân sự giữa hai nước vì thương vụ này luôn đi kèm với các chương trình đào tạo nhân sự cũng như hoạt động bảo trì, thay thế các bộ phận sau này.
S-400 do vậy là một khoản đầu tư kinh tế đáng kể cho bất kỳ quốc gia nào và nó sẽ đòi hỏi tới sự hợp tác liên tục để đảm bảo các chức năng của hệ thống hoạt động hiệu quả.
Lợi ích chiến lược thứ tư cần đề cập đến đó là việc sử dụng hệ thống S-400 như một cấu phần của nghệ thuật chiến tranh hỗn hợp của Nga.
Bằng cách bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO, Nga đang tận dụng lợi thế của nghệ thuật chiến tranh hỗn hợp mà không cần bắn một phát đạn nào. Mặc dù chưa được chuyển giao nhưng thương vụ này đã góp phần tạo ra sự rạn nứt lớn trong liên minh NATO.
Một hệ thống do Nga chế tạo cùng với các radar mạnh mẽ được triển khai ngay bên trong lãnh thổ NATO sẽ là một chiến thắng quan trọng đối với Tổng thống Vladimir Putin.
Mỹ đã cực kỳ tức giận trước thương vụ này khi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan gửi thư cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt Ankara cũng như loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình chế tạo máy bay tàng hình thế hệ 5 F-35.
Việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 một lần nữa lại mang đến những lợi ích to lớn cho chính người Nga bởi Ankara đã từng mong muốn mua 100 máy bay F-35 từ Mỹ.
Quyết định của Washington sẽ giảm bớt nguy cơ tiềm ẩn đối với các hệ thống của Nga từ phía NATO do F-35 tạo ra. Đó là chưa kể tới việc Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng lấp chỗ trống bằng cách mua các chiến đấu cơ của Nga, khiến so sánh lợi thế chiến lược tiếp tục nghiêng về phía Nga.
Ông Putin quyết tâm phá vỡ và làm rạn nứt mối gắn kết trong NATO. Nhờ vị trí địa lý và khả năng quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác chiến lược quan trọng của liên minh này.
Vì vậy, đây sẽ là một chiến thắng tuyệt vời cho Nga nếu nước này có thể kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra xa hơn nữa khỏi các đồng minh NATO. Việc bán S-400 nhằm mục đích thực hiện điều này và nó đang thành công.
Mỹ đã đúng khi đe dọa trừng phạt và loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 nếu Ankara tiếp tục xúc tiến thương vụ S-400. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận một thực tế rằng hành động đó đã rơi vào cái bẫy mà ông Putin giăng ra trong chiến lược chiến tranh hỗn hợp của mình.
Nga thử nghiệm tên lửa S-400 tại trường bắn Kamchatka