"Bộ thiết bị ma thuật"
Hệ thống tác chiến điện tử (EW) trên không đang trở thành một cấu phần ngày càng quan trọng của các tổ hợp điện tử trang bị trên máy bay chiến đấu. Chức năng của rất nhiều tổ hợp EW trên không hiện nay không chỉ giới hạn ở vai trò là một hệ thống tự vệ.
Một trong những chức năng thứ cấp nhưng lại có vai trò ngày càng quan trọng của các hệ thống EW trên không là chúng có khả năng ghi nhận tất cả các tín hiệu và sóng điện từ phát đi hướng tới máy bay hoặc nằm trong phạm vi hoạt động của máy bay.
Các nhà thiết kế của Nga gọi chức năng thu của hệ thống EW (hay REB - tác chiến vô tuyến điện tử, viết tắt theo tiếng Nga) là radarnaya razvedka, hay "tình báo tín hiệu radar".
Hiện tại, các công ty thiết kế và sản xuất hệ thống EW chính Nga đều nằm dưới sự quản lý của Tập đoàn Công nghệ Vô tuyến - Điện tử (KRET). Một trong những công ty con nổi tiếng nhất của KRET chịu trách nhiệm thiết kế nhiều hệ thống EW trên không hiện nay của Nga là Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Vô tuyến Kaluga (KNIRTI).
KNIRTI sản xuất toàn bộ hệ thống EW có nguồn gốc từ một thiết kế cơ bản nhưng được phát triển theo nhiều biến thể, phù hợp với từng dòng máy bay. Mẫu thiết kế cơ bản này được Nga đặt tên là L-175 và có biệt danh là Khibiny.
Các chuyên gia Nga gọi đó là "bộ thiết bị ma thuật" và lịch sử phát triển của nó có nguồn gốc từ thời Xô Viết.
"Hệ thống được nghiên cứu từ 1977 - 1990", theo một trong những cơ sử dữ liệu quân sự nổi tiếng nhất của Nga. "Đợt thử nghiệm đầu tiên được tiến hành vào năm 1995 và sau đó là một loạt vòng thử nghiệm khác năm 1997. Tuy nhiên, phải tới 2014, hệ thống mới chính thức được chấp nhận đưa vào biên chế cho Sukhoi Su-34 và đây cũng là nền tảng cơ sở của hệ thống".
Hiện nay, Nga đã phát triển các biến thể khác nhau cho từng dòng máy bay cụ thể:
- KC418E cho biến thể xuất khẩu Sukhoi Su-24MK/MK2;
- L-175М10-35 cho Sukhoi Su-35;
- L-175V Khibiny-10V cho Sukhoi Su-34
- L-265 Khibiny-10M/L-26510M cho Sukhoi Su-35S;
- Khibiny-U cho Sukhoi Su-30SM
Su-34 trang bị hệ thống chế áp điện tử Khibiny trên mũi cánh
Theo miêu tả của một trong những tài liệu kỹ thuật của Nga thì L175 có khả năng hoạt động độc lập trên một máy bay riêng lẻ hoặc theo đội hình, chống lại các tín hiệu thù địch phát hiện được bằng cách phát ra xung gây nhiễu radar chủ động trên nhiều băng tần khác nhau và cùng lúc có thể đối phó với 4 mục tiêu riêng rẽ.
Bên cạnh đó, hệ thống cũng có khả năng truyền tín hiệu gây nhiễu thụ động bằng cách tạo ra các ảnh nhiệt giả và phản xạ lưỡng cực.
Các nhà quan sát ở Ukraine và Belarus cho rằng hệ thống EW của Nga là những bộ gây nhiễu rất mạnh và có đủ khả năng can thiệp chọc mù radar cũng như các cảm biến khác của đối phương.
"Mục tiêu tổng thể trong các hệ thống của Nga là chúng được thiết kế để làm cho đối thủ mất khả năng nhận biết tình huống, ở mức đủ lâu để cho các máy bay Nga có thể thực thi nhiệm vụ của chúng", một kỹ sư thiết kế EW người Ukraine cho biết.
Các máy bay Nga sẽ trở thành "những miếng mồi ngon"?
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia thiết kế EW của Ukraine và Belarus thì phương pháp luận của Nga hiện đang tồn tại nhiều hạn chế và sẽ ngày càng trở nên rõ ràng hơn theo thời gian.
Một trong những hạn chế này nằm ở việc Nga vẫn đang phải phụ thuộc vào các bộ nhớ tần số vô tuyến kỹ thuật số (DRFM) để phát đi các tín hiệu gây nhiễu.
DRFM hoạt động theo cách lưu giữ các tín hiệu mà nó thu được vào bộ nhớ để đến khi thu được tín hiệu radar địch thủ thì nó sẽ phát lại chính xác tín hiệu đó làm cho đối phương không thể phân biệt được đâu là tín hiệu phản xạ thật, đâu là tín hiệu do máy bay chủ động phát ra.
Thế nhưng, biện pháp này lại phục thuộc vào các xung điện từ phát ra từ radar đối phương theo tần số không đổi và lặp lại theo một chu trình tiêu chuẩn.
"Điều này sẽ không diễn ra với các hệ thống radar hiện đại hơn", chuyên gia thiết kế người Ukraine bình luận. "Các radar ngày nay thường nhảy tần, độ rộng xung cũng khác nhau và không lặp lại theo quy luật. Do đó, rất nhiều thiết bị gây nhiễu không thể bắt chước được tín hiệu radar phát ra theo cách đủ để che giấu sự hiện diện của máy bay".
Máy bay trinh sát điện tử Ilyushin Il-20 của Nga từng bị bắn rơi tại Syria. Ảnh: AP
Vấn đề thứ hai là các hệ thống gây nhiễu của Nga phát ra sóng quá mạnh. Theo các chuyên gia tác chiến điện tử Ukraine, tín hiệu từ các thiết bị gây nhiễu của Nga nhiều khi mạnh tới mức biến nó thành đèn hiệu. Vì vậy, bất cứ vũ khí chống phản xạ nào của đối phương bật chế độ định vị nguồn nhiễu thì các máy bay Nga lập tức biến thành mục tiêu.
Thứ ba, cả các kỹ sư Ukraine và Belarus đều cho rằng, các hệ thống EW nhỏ hơn, công suất thấp hơn và tĩnh lặng hơn có thể được chế tạo từ các thiết bị thương mại có sẵn, không dựa vào công nghệ DRFM và chẳng cần tới quá nhiều giờ để thu thập và phân tích tín hiệu để xây dựng cơ sở dữ liệu về mối đe dọa.
Thay vào đó, chúng tạo ra các mục tiêu giả thay đổi vị trí thường xuyên khiến cho tên lửa hoặc hệ thống định vị của một loại vũ khí nào đó bị đánh lạc hướng ra khỏi mục tiêu thực nhưng lại không phát ra những tín hiệu mạnh bộc lộ vị trí của máy bay.
Các mẫu thiết kế của loại hệ thống này có trong hàng loạt công nghệ bán ngoài thị trường giúp nhiều quốc gia có thể phát triển các hệ thống EW hiệu quả.
Theo các nhà thiết kế người Ukraine và một số chuyên gia không phải người Nga, EW cũng giống như một số chủng loại vũ khí hiện đại khác.
Một thời chúng từng độc quyền trong tay vài quốc gia có trình độ công nghệ phát triển và tiềm lực công nghiệp quốc phòng hùng mạnh nhưng những nước cách đây một thập kỷ tưởng chừng như không thể thì ngày nay cũng có khả năng chế tạo các hệ thống gây nhiễu và nhiều tổ hợp EW cho riêng mình.
Video giới thiệu hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-S4 của Nga