Cuộc chiến tàu chở dầu
Những vụ tấn công bí ẩn vào các tàu chở dầu gần Eo biển chiến lược Hormuz tuần qua đã cho thấy một trong những tuyến hàng hải vận chuyển năng lượng trọng yếu của thế giới dễ dàng bị tổn thương như thế nào.
Các đây 30 năm, Hải quân Mỹ và Iran cũng đã từng vướng vào một cuộc đối đầu tương tự có tên gọi "Cuộc chiến tàu chở dầu" (Tanker War).
Mặc dù những căng thẳng hiện tại chưa thấm gì so với thiệt hại thời điểm đó nhưng rõ ràng tình hình đang diễn biến với nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn và có khả năng bùng phát vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Tanker War liên quan tới các tàu hải quân Mỹ hộ tống các tàu chở dầu treo cờ Kuwait di chuyển qua Vịnh Ba Tư và Eo biển Hormuz sau khi Iran sử dụng thủy lôi để phá hủy các tàu trong khu vực.
Kết cục, giữa Washington và Tehran đã xảy ra cuộc chiến hải quân kéo dài một ngày. Đặc biệt nghiêm trọng hơn là Mỹ đã nhầm lẫn bắn rơi một máy bay chở khách của Iran khiến 290 người thiệt mạng.
Số liệu thống kê của Mỹ ước tính Iran đã tấn công hơn 160 tàu trong cuộc xung đột cuối những năm 1980.
"Chúng ta cần biết rằng khoảng 30% lượng dầu lửa của thế giới được vận chuyển qua các eo biển", Paolo d'Amico, Chủ tịch Hiệp hội tàu chở dầu INTERTANKO nói. "Nếu các vùng biển trở nên mất an toàn, nguồn cung dầu cho toàn bộ thế giới phương Tây sẽ bị ảnh hưởng".
Tới thời điểm hiện tại đã có 6 tàu chở dầu bị tấn công bằng vũ khí nghi ngờ là do thủy lôi gắn vào thân tàu gây nên. Vụ tấn công đầu tiên diễn ra vào ngày 12/5 ở ngoài khơi thành phố cảng Fujairah của UAE khiến 4 tàu bị hư hại. Còn vụ tấn công ngày 13/6 đã làm hư hại 2 tàu chở dầu khác.
Mỹ đổ lỗi cho Iran đứng đằng sau cả hai vụ tấn công này. Ngày 14/6, Washington cho công bố 1 video ghi lại cảnh các lực lượng được cho là của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang gỡ một quả thủy lôi gắn vào thân tàu chở dầu nhưng chưa phát nổ trong vụ tấn công hôm 13/6 trước đó.
Về phần mình, Iran phủ nhận tất cả các cáo buộc nên trên đồng thời gọi những lời vu cáo của Mỹ là một phần của chiến dịch thù địch chống lại Tehran.
Trong khi đó, chủ tàu chở dầu Kokuka Courageous lại nói rằng thủy thủ đoàn của họ đã nhìn thấy "các vật thể bay" trước vụ tấn công. Thông tin này cho thấy, tàu đã không bị hư hại bởi thủy lôi và hoàn toàn đối lập với các cáo buộc của Mỹ.
Dàn khoan dầu Iran bốc cháy sau khi bị tàu chiến Mỹ tấn công ngày 18/4/1988
Thảm kịch tuần dương hạm Mỹ bắn rơi máy bay chở khách Iran
Tanker War nảy sinh từ cuộc chiến 8 năm đẫm máu giữa Iraq và Iran trong những năm 1980 khi nhà lãnh đạo Saddam Hussein xâm lược Iran. Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của 1 triệu người. Nước Mỹ khi đó ủng Saddam Hussein bằng các cung cấp thông tin tình báo, vũ khí cùng nhiều sự trợ giúp khác.
Ban đầu, Iraq nhằm vào tuyến vận tải biển của Iran và đến năm 1984 thì tấn công đảo Kharg, một điểm trung chuyển dầu trọng yếu cho Iran. Không quân Iraq cũng tấn công cả các tàu trên Vịnh Ba Tư. Sau khi đảo Kharg vị tấn công, Iran bắt đầu phát động một chiến dịch đánh phá hoạt động vận tải biển trong khu vực.
Theo Viện Hải quân Mỹ, tổng cộng Iraq đã tấn công hơn 280 tàu so với của Iran chỉ là 168 tàu.
Chiến dịch sử dụng thủy lôi tấn công tàu của Iran thực sự bắt đầu vào năm 1987. Bam đêm, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran sẽ rải thủy lôi từ các tàu cải trang thành thuyền buồm Ả Rập thông thường vẫn dùng để vận chuyển hàng hóa trên khắp Vịnh Ba Tư.
Đến khi các vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu Kuwait thì Mỹ bắt đầu nhảy vào cuộc để ngăn chặn.
Mặc dù thủy lôi chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong các vụ tấn công nhưng tác động về mặt tâm lý của nó là rất lớn. Chúng cũng cho phép Iran tấn công địch thủ mà không phải chịu trách nhiệm trực tiếp.
Thủy lôi được Akbar Hashemi Rafsanjani, người sau này trở thành Tổng thống Iran miêu tả là "những thiên thần của Chúa giáng trần để thực thi sứ mệnh cần thiết".
Ảnh tư liệu ngày 21/9/1987 của AP cho thấy thủy lôi được tìm thấy trên khoang tàu Ajr của Iran
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, việc sử dụng thủy lôi (mìn hải quân) và bom để tấn công tàu chở dầu là một xu thế vẫn tiếp diễn cho tới ngày nay.
Mỹ cáo buộc Iran là nước đã thực hiện chiến thuật này khi Washington bắt giữ được Ajr, một tàu của Iran chất đầy thủy lôi năm 1987. Khi tàu hộ vệ tên lửa USS Samuel B. Roberts trúng thủy lôi và suýt bị chìm vào năm sau đó, Hải quân Mỹ đã đối chiếu nó với các thủy lôi thu giữ được từ tàu Ajr.
Vụ tấn công vào tàu Roberts đã châm ngòi cho một cuộc chiến hải quân kéo dài suốt một ngày giữa Iran và Mỹ mang tên Chiến dịch Con Bọ Ngựa (Operation Praying Mantis). Các lực lượng Mỹ đã tấn công 2 giàn khoan của Iran đồng thời đánh đắm hoặc phá hủy 6 tàu khác.
Vài tháng sau đó, một thảm kịch kinh hoàng đã xảy ra. Tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Vincennes, sau khi truy đuổi các tàu của IRGC tới vùng lãnh hải Iran đã nhầm một máy bay thương mại của hãng hàng không Iran là chiếc F-14 của Không quân nước này nên đã khai hỏa bắn hạ khiến tất cả 290 người trên khoang thiệt mạng.
30 năm sau, các sự kiện trong Cuộc chiến tàu chở dầu vẫn thường xuyên được Iran nhắc tới.
Gần đây, một biển quảng cáo cỡ lớn được dựng lên ngay ở Quảng trường Vali-e-Asr tại Thủ đô Tehran mô tả cảnh các tàu của Mỹ và Israel bốc cháy ngùn ngụt và đang chìm xuống đáy biển cùng với các dòng chú thích bằng cả tiếng Anh, tiếng Ba Tư, tiếng Ả Rập và tiếng Do Thái: "Chúng ta đã đánh chìm tất cả chúng".
Tàu chiến Mỹ USS Vincennes bắn rơi máy bay chở khách Iran trên Vịnh Ba Tư