Theo đánh giá của các cơ quan tình báo Israel và phương Tây, Iran có thể sẽ sớm leo thang xung đột với Mỹ và nhiều khả năng nước này sẽ chọn biên giới Israel làm mục tiêu tấn công.
Tehran hiện đang tỏ ra thất vọng khi không ép được Mỹ xem xét lại các biện pháp trừng phạt cứng rắn áp đặt lên nước này cũng như các công ty dầu lửa đang làm ăn với Iran.
Vì vậy, các cơ quan tình báo Israel nhận định, không loại trừ khả năng Iran sẽ chọn cách tiến hành hoạt động khiêu khích dọc biên giới Israel nhằm làm cho cuộc khủng hoảng trong khu vực càng trở nên tồi tệ hơn, qua đó buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump phải xem xét lại các chính sách của mình.
Theo đánh giá tình báo của Israel và phương Tây, Iran đang muốn kéo dài thời gian với hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, khi đó chính sách của Washington đối với chương trình hạt nhân của Tehran có khả năng bớt hung hăng hơn.
Từ đầu tháng 5/2019, Iran đã bắt đầu triển khai các hành động trên Vịnh Ba Tư để đáp trả những biện pháp trừng phạt cứng rắn của Mỹ. Iran bị cáo buộc đứng đằng sau các vụ tấn công vào các tàu chở dầu ở đây và động thái này cho thấy sự thay đổi trong chiến thuật tiếp cận của Tehran: Tăng cường hành động buộc Mỹ phải quay trở lại bàn đàm phán.
Tuy nhiên, người Mỹ đã tỏ ra không nao núng và Tổng thống Trump đã không bị kéo vào cuộc chiến đe dọa với Iran. Phản ứng duy nhất được Mỹ thực hiện cho tới nay là quyết định triển khai thêm 1.000 binh lính tới Trung Đông.
Hệ thống S-300 VM tại triển lãm hàng không MAKS ở Zhukovsky ngoại ô Moscow năm 2013. Ảnh: AP
Do cuộc khủng hoảng diễn ra chậm chạp nên Iran có thể sẽ hành động để mọi việc tiến triển tồi tệ hơn. Để thực hiện toan tính này, Iran có nhiều khả năng sẽ kéo Israel vào cuộc xung đột.
Kịch bản sẽ là kích động sự can dự của các tổ chức vũ trang do Iran chỉ huy, chẳng hạn như lực lượng bán quân sự theo dòng Shi’ite ở miền Nam Syria hoặc Hezbollah ở phía Nam Lebanon.
"Chúng ta không muốn can dự vào cuộc chiến nhưng Quân đội Israel luôn sẵn sàng đáp trả bất cứ mối đe dọa nào và trong bất cứ tình huống nào", Tổng thống Reuven Rivlin phát biểu ngày 18/6 khi tham dự một buổi lễ tưởng niệm tại nghĩa trang Nahalat Yitzhak ở Tel Aviv.
"Nhà nước Israel sẽ không đứng yên. Chúng ta sẽ làm mọi việc cần thiết để người dân Israel tiếp tục được hưởng những giấc ngủ yên tĩnh".
Ngay trong tuần này, Quân đội Israel đã tiến hành hai cuộc tập trận quy mô lớn nhằm đối phó với kịch bản xảy ra cuộc chiến tranh toàn diện trên nhiều mặt trận, gồm cả khả năng diễn ra các cuộc tấn công chớp nhoáng.
Theo trang tin Haaretz, Không quân Israel cũng đang gấp rút luyện tập chống trả các hệ thống phòng không tiên tiến, trong đó có cả tổ hợp phòng thủ tên lửa S-300 và S-400 cùng nhiều loại vũ khí khác mà đồng minh của Iran là Hezbollah và Quân đội Syria chưa được vũ trang.
Công tác chuẩn bị này của Israel cũng phù hợp với nhận định được tờ Military Times đưa ra trước đây khi đánh giá về các hệ thống phòng không của Iran.
Theo Military Times, ngày nay bất cứ chiến dịch không kích nào nhằm vào Iran cũng sẽ rất khác so với các chiến dịch của Không quân Mỹ trước đây bởi Tehran hiện đang sở hữu những hệ thống phòng không tiên tiến hơn các đối thủ mà Washington phải đối diện trong quá khứ.
Để đánh bom được Iran, Mỹ nhất thiết phải tiêu diệt được các hệ thống phòng không S-300 so Nga chế tạo cũng như các tên lửa đất đối không Bavar 373 mà Tehran tự sản xuất nội địa.
Những tổ hợp vũ khí này luôn là một thách thức lớn nên trong trường hợp xảy ra xung đột, các máy bay tàng hình F-22 và F-35 nhiều khả năng sẽ được Mỹ huy động tới. Israel hiện cũng đang là một trong số ít đồng minh thân cận được Mỹ bán cho các tiêm kích tiên tiến F-35.
Iran triển khai các hệ thống tên lửa S-300 tới gần Vịnh Ba Tư