Thế nhưng, cách đây 2 năm (năm 2022), khi đi khám sức khỏe sinh sản tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chị được bác sĩ thông báo chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) của chị đã về mức 0,01. Bác sĩ có giải thích, với chỉ số AMH thấp như vậy cơ hội làm mẹ của chị chỉ còn 1%. Lúc đó, chị Tuyết Anh không ngờ rằng mình mới có 32 tuổi mà dự trữ buồng trứng đã gần như cạn kiệt.
Theo chị Tuyết Anh, chị là giáo viên tiểu học. Chị lấy chồng ở độ tuổi ngoài 20. Nghĩ cứ "thả", con đến lúc nào thì vui lúc đó và tuổi còn trẻ nên vợ chồng chị cũng chưa gánh nặng việc sinh con. Tuy nhiên, sau vài năm không có con, chị Tuyết Anh cùng chồng đưa nhau đi khám. Kết quả khám cho thấy sức khỏe sinh sản của chồng chị Tuyết Anh bình thường, nhưng chị có chỉ số AMH thấp.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho hay: "AMH giảm vẫn hoàn toàn có thể có thai tự nhiên được. Tuy nhiên, chỉ số này cảnh báo bạn nên có thai sớm. Để càng lâu, chỉ số AMH giảm, dự trữ buồng trứng giảm thì cơ hội có con sẽ khó khăn hơn. Nếu giảm đến mức độ chẩn đoán suy buồng trứng thì cơ hội có thai tự nhiên rất thấp".
Với trường hợp của bệnh nhân Tuyết Anh, chỉ số dự trữ buồng trứng AMH đã về mức 0,01. Với chỉ số này, nếu muốn có con, bệnh nhân phải gom trứng, gom phôi mới có cơ hội làm mẹ. Nếu như chỉ số AHM về 0, muốn mang thai chị Tuyết Anh sẽ buộc phải xin trứng.
Trong suốt một năm từ năm 2022 – 2023, chị Tuyết Anh đã gom từng quả trứng quý giá để tạo phôi. Sau một năm kiên trì gom trứng, vợ chồng chị Tuyết Anh cũng có đủ số phôi khỏe mạnh để chuyển phôi. Rất may mắn trong lần chuyển phôi đầu tiên, chị Tuyết Anh cũng nhận được tin vui mang song thai.
Niềm hân hoan chưa kịp kéo dài, tại tuần thứ 19 của thai kỳ, chị gặp tình trạng rỉ ối, thai doạ sảy. Khi này, cổ tử cung mở trước khi thai đủ tháng, cổ tử cung bị suy yếu và khó có thể giữ được thai. Do vậy, bác sĩ chỉ định thực hiện khâu eo cấp cứu.
Vào tuần thứ 24 của thai kỳ, chị Tuyết Anh tiếp tục gặp tình huống dọa sinh non phải khâu eo cổ tử cung thêm một lần nữa. Do đã từng thực hiện thủ thuật chỉ hơn một tháng trước đó, kết hợp với việc mang thai đôi nên lần khâu eo này trở nên khó khăn hơn bội phần.
Ths.BS Hoàng Văn Khanh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, người trực tiếp thực hiện khâu eo cổ tử cung cho chị Tuyết Anh, cho biết: "Trường hợp của bệnh nhân Tuyết Anh rất khó thực hiện kỹ thuật khâu cổ tử cung và khi khâu sẽ có nguy cơ vỡ ối rất cao, thậm chí gây tổn thương cổ tử cung. May mắn là sau lần khâu eo tử cung thứ 2, mọi thứ đều êm xuôi. Sau đó, bệnh nhân đã sinh 2 em bé kháu khỉnh".
Vào đầu tháng 1/2024, sau hơn 1 thập kỷ chờ đợi, gia đình chị Tuyết Anh cũng chào đón 2 thành viên mới, khép lại một hành trình đầy vất vả.
Chi sẻ thêm về trường hợp của chị Tuyết Anh, bác sĩ đã xúc động thốt lên: "Đúng là kỳ tích vượt ngoài mong đợi".