Hoãn có con để đi du học, nữ tiến sĩ gục ngã khi biết không thể làm mẹ vì điều này

Ngọc Minh |

Đứng trước cơ hội học lên tiến sĩ với học bổng toàn phần tại Pháp và ở nhà sinh con, người phụ nữ đã lựa chọn theo đuổi sự nghiệp.

TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang khám cho một bệnh nhân (Ảnh: ST)

TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang khám cho một bệnh nhân (Ảnh: ST)

Khi 38 tuổi, chị Hà (*) tại Hà Nội mới lập gia đình. Kết hôn muộn nên vợ chồng chị Hà cũng muốn sinh em bé luôn. Tuy nhiên, ngay sau ngày cưới, chị Hà nhận được học bổng đi học tiến sĩ tại Pháp.

Trước cơ hội phát triển sự nghiệp, chị Hà đã quyết định đi Pháp 4 năm thay cho ý định ở nhà sinh con.

Sau 4 năm học tiến sĩ tại Pháp, 42 tuổi chị Hà về nước với những công việc rộng mở. Lúc này, chị Hà cũng bắt đầu khởi động lại kế hoạch sinh con.

Tuy nhiên, dù 2 vợ chồng quan hệ đều đặn và có nhiều phương án hỗ trợ, gia đình chị Hà vẫn chưa thể đón tin vui. Chị Hà quyết định đi khám và nếu có thể sẽ làm thụ tinh ống nghiệm (IVF). Kết quả khám cho thấy chị Hà không còn trứng.

TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, khi bệnh nhân Hà tới kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân không còn quả trứng nào. Điều này đồng nghĩa với giải pháp duy nhất để người phụ nữ có con là đi xin trứng. Đây là một điều rất đáng tiếc cho bệnh nhân. Nếu như trước khi đi du học, bệnh nhân đi kiểm tra và có phương án dự trữ trứng thì sẽ không rơi vào tình huống này.

Hoãn có con để đi du học, nữ tiến sĩ gục ngã khi biết không thể làm mẹ vì điều này- Ảnh 1.

TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang siêu âm cho một trường hợp bệnh nhân.

Theo bác sĩ Thành, buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của nữ giới, vừa sản xuất hormone sinh dục vừa sản xuất trứng phục vụ quá trình sinh sản.

Thông thường, một phụ nữ ở tuổi dậy thì sẽ có 300.000-400.000 trứng. Qua chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, số trứng và nang trứng dự trữ sẽ giảm dần và thường cạn kiệt ở độ tuổi 45-50. Khi đó phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.

Theo bác sĩ Thành, ở phụ nữ từ 20 đến 35 tuổi là giai đoạn buồng trứng chín muồi và hoạt động tốt nhất nên tỷ lệ cho ra nang trứng tốt sẽ cao hơn. Cho nên chị em cũng nên sinh con trong độ tuổi 20-35 để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.

"Chị em cần lưu ý là mỗi người phụ nữ sẽ có một số lượng trứng nhất định ngay từ khi sinh ra. Kho dự trữ trứng sẽ cạn dần theo thời gian. Khi kết hôn quá muộn cũng đồng nghĩa với việc độ tuổi sinh sản của chị em rút ngắn lại. Không chỉ số lượng trứng giảm mà cả chất lượng trứng cũng kém đi", bác sĩ Thành nói.

Suy buồng trứng - gánh nặng thời 4.0

Vị chuyên gia sản khoa cho biết, suy buồng trứng sớm trở thành gánh nặng thứ hai đối với tài sản sinh sản của phụ nữ trong thời đại 4.0. Khi bị suy buồng trứng sớm, có người sau 1-2 năm đã mãn kinh, có người may mắn kéo dài được vài năm.

Tại Việt Nam vẫn chưa có số liệu thống kê, song số lượng bệnh nhân trẻ tuổi đến khám và phát hiện bị suy buồng trứng ngày càng nhiều.

Bác sĩ Thành cho hay, trước đây, các bệnh nhân suy giảm dự trữ buồng trứng mà bác sĩ tiếp nhận có độ tuổi trung bình là 30-35 tuổi. Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, số lượng bệnh nhân ở độ tuổi 25-30 tuổi tăng lên đáng kể.

Qua trường hợp của bệnh nhân Hà, bác sĩ khuyến cáo em phụ nữ cần có kế hoạch kiểm tra tài sản sinh sản, đặc biệt là tuổi của buồng trứng. Biết được tình trạng sức khỏe của buồng trứng, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về kế hoạch mang thai phù hợp hoặc khuyến cáo phương án trữ trứng. Việc quá mải mê chạy theo công việc, khi muốn sinh con lại không thể, là điều rất đáng tiếc.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi!

Hoãn có con để đi du học, nữ tiến sĩ gục ngã khi biết không thể làm mẹ vì điều này- Ảnh 2.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại