Ví dụ về một ca nối bàn tay bị đứt rời tại Bệnh viện 198 mới đây: Bệnh nhân L.T.N. (25 tuổi) bị tai nạn lao động đứt lìa bàn tay , được người nhà sơ cứu và đưa đến Bệnh viện 19-8 (Hà Nội). Các bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 đã hội chẩn nhanh chóng với các phẫu thuật viên chỉnh hình của Khoa Chấn thương B1 quyết định đưa thẳng bệnh nhân lên phòng mổ, thực hiện mổ cấp cứu nối lại bàn tay đứt lìa cho bệnh nhân bằng kỹ thuật vi phẫu.
Qua 6 giờ tập trung phẫu thuật, bàn tay của bệnh nhân đã được nối liền. Bệnh nhân đã được chuyển về Khoa Chấn thương chỉnh hình theo dõi. Sau 10 ngày sử dụng thuốc và thay băng bởi các bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong vi phẫu thuật, bệnh nhân đã được ra viện về nhà.
Bàn tay bệnh nhân sau 1 tháng kể từ ngày phẫu thuật
Sau 1 tháng kể từ ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã tái khám với bàn tay hồng hào; co duỗi, cầm nắm tốt. Như vậy, nếu được nối thành công, mất không quá nhiều thời gian để chi đứt rời phục hồi khả năng vận động. Tuy nhiên, để có được thành công này, người bị nạn cần được hỗ trợ, chăm sóc tốt và kịp thời.
TS.BS Vũ Hải Nam, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện 19-8, cho biết: "Bệnh nhân bị đứt rời chi thể thường do tai nạn lao động khi bị tai nạn cần bình tĩnh sơ cứu, bảo quản đúng cách phần chi thể đứt lìa và chuyển ngay tới các cơ sở y tế có khả năng thực hiện kỹ thuật vi phẫu càng sớm càng tốt".
Một số lưu ý quan trọng trong việc sơ cứu và bảo quản chi đứt rời:
- Các bộ phận cơ thể bị đứt lìa cần được giữ gìn và bảo quản cẩn thận, đảm bảo chắc chắn không để quên hay bỏ sót phần chi thể bị đứt lìa. Loại bỏ các vết bẩn, dị vật có thể gây ô nhiễm vết thương như đất, sỏi đá. Nhẹ nhàng rửa sạch phần chi thể bị đứt lìa nếu như vết cắt bẩn và có nguy cơ ô nhiễm.
- Gói phần chi thể bị cắt đứt trong một chiếc khăn ướt sạch hoặc một miếng vải ẩm, sạch sẽ, đặt vào trong một túi ni lon hoặc túi nhựa được đóng kín, sau đó đặt túi ni lon vào trong nước đá lạnh.
- Không được đặt trực tiếp phần chi thể trong nước đá mà không sử dụng túi nhựa bao bọc bên ngoài. Không được đặt trực tiếp chi thể lên đá lạnh, đá khô vì điều này sẽ gây ra sự tê cóng và tổn thương cho các mô của chi thể.
- Trong trường hợp không có sẵn nước lạnh, hãy để phần chi thể đứt rời tránh xa các nguồn nhiệt, càng xa càng tốt. Chi thể bị cắt rời nếu được bảo quản và làm mát đúng cách có thể được sử dụng cho phẫu thuật trong vòng khoảng 18 giờ, trong khi nếu không được bảo quản và làm mát chỉ có thể sử dụng trong vòng 4 đến 6 giờ.
- Chuyển viện thật nhanh để việc khâu nối có cơ hội thành công.