Nobel Y học và "điểm huyệt theo giờ" của phái Võ Đang

Trần Quỳnh |

Vận dụng tốt quan điểm về "đồng hồ sinh học" của cả phương Đông và phương Tây sẽ giúp việc dưỡng sinh thu được những kết quả kỳ diệu. Bạn đã bao giờ thử các liệu pháp này chưa?

Mới đây, thế giới đã vinh danh 3 nhà khoa học Mỹ với giải Nobel y học danh giá bao gồm Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young. Họ đã chứng minh sự tồn tại nhịp sinh học của cơ thể, và khẳng định đó là cơ chế giúp cơ thể dự đoán, thích nghi với nhịp sống hằng ngày.

Điều này cho thấy, ngày nay giới khoa học phương Tây đặc biệt quan tâm và dành nhiều công trình khoa học để nghiên cứu về "đồng hồ sinh học". Nhưng ít ai biết rằng, cách đây hàng trăm, nghìn năm, triết học, y học phương Đông đã phát hiện ra những quy luật liên quan tới "đồng hồ sinh học" của con người, ứng dụng nó vào nhiều mặt trong đời sống. 

Một trong số đó phải kể đến việc người Trung Hoa áp dụng hiểu biết về quy luật sinh học của cơ thể người để sáng tạo nên một bí kíp võ công nổi tiếng - điểm huyệt theo giờ.

Nobel Y học và điểm huyệt theo giờ của phái Võ Đang - Ảnh 1.

Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel y học 2017.

Nguồn gốc bí kíp võ công điểm huyệt theo giờ của phái Võ Đang

Cổ nhân của Trung Hoa quan niệm, sự lưu hành của khí huyết phải vận hành theo đúng đường và đúng giờ nhất định. Tức là vào mỗi thời điểm khác nhau, khí huyết đi tới kinh lạc nào đều có trật tự nhất định.

Điều này được khái quát qua quy luật "Tý ngọ lưu chú". Đây được coi là thuyết kinh lạc khái quát về sự tương ứng của các đường kinh lạc bên trong cơ thể với 12 canh giờ trong một ngày.

Ứng với mỗi canh giờ khác nhau, huyệt dịch và nội khí sẽ đi qua những đường kinh khác nhau, khiến các huyệt vị đóng, mở dựa vào các canh giờ khác nhau dựa trên sự tuần hoàn này.

Dựa vào quy luật kinh lạc "Tý ngọ lưu chú", các bậc cao thủ của môn phái Võ Đang đã sáng tạo ra môn võ công mang tên "Đả huyệt thương địch công".

Loại võ công này giúp người luyện có khả năng "điểm huyệt theo giờ", kiểm soát mức độ mạnh - nhẹ của đòn đả thương đối thủ, thậm chí có khả năng hạ thủ hoặc cứu người.

Nguyên lý của bí kíp "Đả huyệt thương địch công" hay còn gọi là "điểm huyệt theo giờ" có thể hình dung thông qua ví dụ dưới đây:

Vào giờ Thìn (7h-9h sáng), khí huyết trong cơ thể chạy theo kinh Túc Dương Minh Vị, các huyệt kinh Vị như Nhũ Trung, Nhân Nghinh sẽ mở ra, còn các huyệt đạo trên những kinh còn lại thì đóng. 

Do đó, trong khoảng giờ Thìn, điểm vào hai huyệt Nhũ Trung và Nhân Nghinh sẽ khiến đối thủ khí huyệt ngưng trệ, toàn thân tê dại.  

Người bị điểm huyệt sau đó sẽ đau đớn, khó chịu, phải tìm đại phu hoặc cao thủ võ thuật am hiểu huyệt đạo mới có thể hóa giải, thậm chí cần uống thuốc men mới bình phục dần dần.

Ngày nay, y học cổ truyền Trung Quốc vẫn sử dụng thuyết kinh lạc "Tý ngọ lưu chú" làm nền tảng cho phương pháp bấm huyệt và dưỡng sinh.

Quy luật này cũng được coi là một trong những phát hiện từ rất sớm của cổ nhân về "đồng hồ sinh học" thuở sơ khai.

Nobel Y học và điểm huyệt theo giờ của phái Võ Đang - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Quan điểm của triết học Trung Hoa về "đồng hồ sinh học"

Bên cạnh quy luật "Tý ngọ lưu chú" từng làm khuynh đảo giới võ lâm, triết học Trung Hoa từ xa xưa cũng đã đưa ra quan điểm về "thiên nhân hợp nhất", có nghĩa là xây dựng những thói quen trong cuộc sống phù hợp với các quy luật tự nhiên.

Qua đó, người ta đã tìm ra sự liên hệ của "Lục phủ", "Ngũ tạng" với từng canh giờ trong một ngày. Cụ thể như sau:

Nobel Y học và điểm huyệt theo giờ của phái Võ Đang - Ảnh 5.

Lý luận của Trung y từ thời xa xưa đã quan niệm, chức năng trong cơ thể con người chia làm "Lục phủ" và "Ngũ tạng". "Ngũ tạng" gồm có: Tâm (tim), Can (gan), Tỳ (lá lách), phế (phổi), Thận.

Trong một ngày, mỗi khung giờ đều có một khí tạng giữ vai trò "chủ trì". Đó chính là lúc khí tạng này hoạt động mạnh nhất. Vào những khung giờ khác, nó sẽ hoạt động yếu hơn. Quy luật này tuần hoàn theo giờ giấc trong ngày.

Muốn cơ thể luôn khỏe mạnh, các tạng phủ trong cơ thể cần được "bảo dưỡng" đúng theo quy luật thời gian. Trung y hiện đại đã đưa ra phương pháp dưỡng sinh "Ngũ tạng" theo từng khung giờ.

Nobel Y học và điểm huyệt theo giờ của phái Võ Đang - Ảnh 6.

Rạng sáng từ 1h – 3h: Dưỡng gan

Đây là lúc gan hoạt động mạnh nhất, cũng là khoảng thời gian chúng ta cần ngủ say để cơ quan này có điều kiện tốt nhất phục vụ cho việc phục hồi.

Gan yếu nhất vào lúc 13h – 15h chiều. Trong khoảng thời gian này, bạn nên tránh làm việc nặng nhọc, tốt nhất nên giải quyết các công việc quan trọng vào trước giờ Ngọ (trước 12h trưa).

Gan kỵ mệt nhọc, quá sức, nên bất kể lúc nào bạn cũng nên chú ý việc nghỉ ngơi, đặc biệt là trong khung giờ gan đang yếu.

Nếu buộc phải làm việc nặng vào khoảng thời gian này, mỗi tiếng bạn nên nhắm mắt dưỡng thần 5 phút, bởi gan thông với mắt, để mắt nghỉ ngơi cũng giống như giúp gan thư giãn.

Những đối tượng có các biểu hiện sau cần chú ý việc dưỡng gan: Choáng váng, dễ kích động, nóng tính, mộng mị về đêm, kinh nguyệt không đều.

Gan trong cơ thể là cơ quan trữ máu. Chỉ khi công năng gan bình thương, tỳ vị mới có thể hoạt động ổn định, nội khí và huyết dịch mới tuần hoàn thông suốt.

Muốn dưỡng gan, tốt nhất nên điều hòa tính tình, hạn chế nóng giận. Chỉ có như vậy thì khí gan mới không quá vượng, công năng gan mới luôn ổn định.

Rạng sáng 5h – 7h: Dưỡng thận

Khoảng thời gian rạng sáng này là lúc thận hoạt động mạnh nhất. Điều này cũng giải thích vì sao các quý ông thường có dấu hiệu hưng phấn về sinh lý vào buổi sáng sớm.

Thận yếu nhất vào khoảng 23h – 1h sáng. Vì vậy bạn nên ngủ sớm, giúp cơ thể được an tĩnh, thoải mái vào khung giờ này.

Những đối tượng có các biểu hiện sau đây nên chú ý dưỡng thận: Choáng váng, ù tai, suy giảm trí nhớ, suy giảm sinh lý, tay chân vô lực, eo và đầu gối bủn rủn, hay mắc phong hàn, cảm mạo, từng sinh non hoặc bị hiếm muộn.

Vai trò của thận đối với cả hai giới đều hết sức trọng yếu. Bởi thận tàng tinh, tinh khí của các tạng phủ đều do thận sản sinh và phân phối. Dưỡng thận cần chú ý giữ ấm, tránh để hàn khí xâm nhập, đặc biệt là vào mùa lạnh.

7h – 9h sáng: Dưỡng phổi

Đây là lúc phổi hoạt động mạnh nhất, cũng là khoảng thời gian thích hợp chơi thể thao nhất trong ngày.

Vận động trong lúc phổi hoạt động mạnh sẽ giúp cơ thể có điều kiện hấp thu nhiều dưỡng khí. Nếu luyện tập đúng cách, bạn còn có thể tăng dung tích phổi, tăng cường sức khỏe cho hệ hô hấp.

Phổi yếu nhất vào lúc 23h – 1h. Vì lúc này buồng phổi hoạt động không mạnh, nên cơ thể dễ xuất hiện một vài cơn ho khan.

Những đối tượng có các biểu hiện sau đây cần chú ý dưỡng phổi: Hô hấp yếu, giọng nói nhỏ, hay ho khan, thở dồn dập, thở dốc.

Phổi là cơ quan điều khiển việc hô hấp, giúp cơ thể hấp thu dưỡng khí và đào thải khí bẩn ra ngoài.

Muốn dưỡng phổi, nhuận phế, bạn có thể sử dụng bách hợp để nấu canh, nấu cháo hoặc thêm vào các món khác. Ngoài ra, lê, mộc nhĩ trắng và hồ đào cũng sở hữu công dụng sinh tân, tốt cho lá phổi.

9h – 11h: Dưỡng dạ dày

Khoảng thời gian từ 9h sáng đến 11h trưa là lúc dạ dày hoạt động mạnh hơn cả. Người có tiền sử mắc các vấn đề về dạ dày tốt nhất nên ăn trưa trước 11h để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi.

Dạ dày yếu nhất vào khoảng 19h – 23h. Để hỗ trợ quá trình tiêu hóa – hấp thu, sau khi ăn tối, bạn nên tráng miệng bằng trái cây có tác dụng "kiện tỳ".

Những đối tượng có các biểu hiện sau đây cần chú ý dưỡng dạ dày: Chướng bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, di tinh, hụt hơi, giãn dây chằng, bắp thịt nhão.

Dạ dày được y học hiện đại ví như "kho lương thực" của cơ thể, bởi nó đóng vai trò chủ chốt trong việc tiêu hóa thức ăn và vận chuyển chất dinh dưỡng.

Để công năng dạ dày luôn ổn định, ngoài việc duy trì chế độ ăn uống khoa học, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp xoa bụng sau khi ăn.

Phương pháp này được tiến hành hết sức đơn giản: Nằm ngửa trên giường, lấy rốn làm trung tâm, hai tay xoay tròn vùng bụng thuận theo chiều kim đồng hồ khoảng 20 lần.

11h – 13h: Dưỡng tim

Tim hoạt động mạnh nhất trong khung giờ từ 11h đến 13h. Đây cũng là lúc thích hợp để giải quyết những công việc nặng nhọc nhất trong ngày.

Tim yếu nhất vào lúc 21h – 1h. Điều đó đồng nghĩa với việc người yếu tim không nên thức đêm.

Những đối tượng có các biểu hiện sau cần chú ý dưỡng tim: Tiền sức mắc bệnh lý về tim, tim đập nhanh, mất ngủ, hay quên, đau tim.

Tim được ví như "chúa tể" của cơ thể, bởi nó phối hợp điều khiển tất cả các hoạt động của những cơ quan khác.

Trước khi đi ngủ, bạn có thể uống một cốc nước cà rốt hoặc cà chua, bởi thức uống màu đỏ có công dụng dưỡng tim.

Nobel Y học và điểm huyệt theo giờ của phái Võ Đang - Ảnh 7.

Lưu ý:

- Dấu hiệu cần dưỡng gan: Choáng váng, dễ kích động, nóng tính, mộng mị về đêm, kinh nguyệt không đều.

- Dấu hiệu cần dưỡng thận: Choáng váng, ù tai, suy giảm trí nhớ, suy giảm sinh lý, tay chân vô lực, eo và đầu gối bủn rủn, hay mắc phong hàn, cảm mạo, từng sinh non hoặc bị hiếm muộn.

- Dấu hiệu cần dưỡng phổi: hô hấp yếu, giọng nói nhỏ, hay ho khan, thở dồn dập, thở dốc.

- Dấu hiệu cần dưỡng dạ dày: Chướng bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, di tinh, hụt hơi, giãn dây chằng, bắp thịt nhão.

- Dấu hiệu cần dưỡng tim: Tiền sức mắc bệnh lý về tim, tim đập nhanh, mất ngủ, hay quên, đau tim.

* Tổng hợp từ nhiều nguồn: Sina.com/Zhzyw.org/Dalian.tcm.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại