Ngày 17/5/2017
Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết hai tiêm kích Su-30 của quân đội Trung Quốc đã chặn máy bay do thám của Mỹ trên bầu trời khu vực Biển Hoa Đông.
Khi đó, hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã tiến sát chỉ cách máy bay Mỹ 45 m. Trước cáo buộc của Mỹ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định 2 tiêm kích Su-30 đã hoạt động hợp pháp và an toàn.
Ngày 19/5/2016
Hai tiêm kích J-11 của Trung Quốc đã bay cách máy bay trinh sát điện tử EP-3 Aries thuộc quân đội Mỹ chỉ 15 m.
Các quan chức Lầu Năm Góc khẳng định phi công Mỹ đã buộc phải hạ độ cao đột ngột để tránh va chạm.
Máy bay J-11 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định chiếc EP-3 Aries khi đó đang thực hiện nhiệm vụ trên không phận quốc tế và động thái của Trung Quốc là không an toàn.
Về phần mình, Trung Quốc khẳng định tiêm kích J-11 đã giữ khoảng cách "chấp nhận được" với máy bay quân sự Mỹ.
Ngày 5/12/2013
Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết một tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ hoạt động trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông đã buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm với chiến hạm Trung Quốc "lởn vởn" gần sát.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố chiếm hạm của quốc gia này đang trong nhiệm vụ tuần tra bình thường khi "gặp gỡ" tàu tuần dương của Mỹ.
Ngày 19/8/2014
Quan chức Lầu Năm Góc cho biết một chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay sát trên đầu chiếc máy bay săn ngầm P-8 Poseidon của Mỹ trên Biển Đông, có thời điểm chỉ cách 9m. Mỹ cho biết chiến đấu cơ Trung Quốc thậm chí còn thực hiện kỹ thuật nhào lộn.
Trung Quốc sau đó bác bỏ cáo buộc và khẳng định phi công của quân đội nước này đã duy trì khoảng cách an toàn.
Ngày 1/4/2001
Trong một nhiệm vụ thực hiện gần bờ biển Trung Quốc, máy bay EP-3E Aries II của Hải quân Mỹ đã va chạm với chiến đấu cơ F-8.
Vụ va chạm xảy ra ở vị trí cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 80km về phía Đông Nam. Mỹ gọi đây là không phận quốc tế.
Chiếc EP-3E Aries II của Hải quân Mỹ. Ảnh: Airliners.net
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết máy bay Mỹ đã hạ cánh khẩn cấp tại đảo Hải Nam, phi hành đoàn không bị thương tích nào. Phía Trung Quốc đã bắt giữ và thẩm tra các thành viên phi hành đoàn chiếc EP-3E Aries II.
Trong khi đó, chiếc F-8 đâm xuống biển khiến phi công thiệt mạng. Vụ việc khiến mối quan hệ Trung-Mỹ xấu đi và Bắc Kinh còn yêu cầu Washington phải xin lỗi.
Đến ngày 11/4, Trung Quốc thả các thành viên phi hành đoàn Mỹ sau khi chính quyền Tổng thống George W Bush chuyển hai lá thư xin lỗi.
https://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-lan-chien-ham-may-bay-quan-su-mytrung-cham-tran-cang-thang-20181004141920275.htm