Lực lượng lính dù được thành lập vào thập niên 1930 tại Liên Xô. Ban đầu, họ chỉ thực hiện vai trò hỗ trợ nhưng qua quá trình tuyển chọn khắt khe, nhờ công tác huấn luyện chiến đấu và rèn luyện thể lực nâng cao, các đơn vị lính dù nhanh chóng được coi như lực lượng tinh nhuệ và đã lập nên nhiều chiến công hiển hách.
1. Giải cứu Moscow
Nhiều người biết tới hành động dũng cảm của những học viên Podolsk đã kìm chân Phát xít Đức vài ngày vô cùng quý giá vào tháng 10/1941 ở nơi không có bất cứ lực lượng quân đội Liên Xô nào trong suốt chiều dài tới tận thủ đô Moscow.
Quân Phát xít khi đó đã có thể tiến vào Moscow trong vòng 3-4 ngày, làm cho số phận toàn bộ cuộc chiến tranh trở nên khó khăn cho phía Liên Xô. Chính vì thế, công trạng của những học viên này được coi là vô giá.
Nhưng ít người biết rằng gánh nặng chính của phòng tuyến đó lại do các chiến sĩ lính dù thuộc quyền chỉ huy của thiếu tá Ivan Starchak chịu trách nhiệm.
Chính họ, bằng khả năng phòng thủ anh dũng đầy khéo léo của mình đã kìm chân quân Đức trong vòng 3 ngày để Hồng quân Liên Xô hoàn thiện tuyến phòng thủ ở Maloyaroslavetzky và tạo cơ hội cho các học viên Podolsk tiếp chiến kẻ thù ở những vị trí đã được chuẩn bị kỹ càng, chứ không phải chiến đấu trực diện với quân Phát xít đầy kinh nghiệm và thiện chiến.
Ngày 5/10/1941, trinh sát không quân phát hiện một đoàn xe cơ giới gồm 200 chiếc xe tăng và 20.000 lính Đức di chuyển dọc theo đại lộ Varshavskoe đi về hướng Yukhnovo. Nhưng trong suốt chiều dài 200 km còn lại cho tới thủ đô Moscow không có bóng dáng các đơn vị của Hồng quân Liên Xô. Chỉ có các học viện bộ binh và pháo binh đặt ở thành phố Podolsk.
Gần như trong tuyệt vọng, bộ chỉ huy quân đội Liên Xô đã tìm thấy tiểu đoàn lính dù gồm 430 người dưới sự chỉ huy của thiếu tá Starchak. Họ đã đổ bộ xuống bờ sông Ugra, triển khai "phòng tuyến tấn công" điển hình của lực lượng lính dù – đặt mìn, bố trí các ổ phục kích, tổ chức các nhóm cơ động.
Nhưng vẻn vẹn 430 người không vũ khí hạng nặng chống lại 20.000 quân Đức với xe tăng và pháo binh cùng sự yểm trợ của không quân – đó là nỗ lực tự sát theo đúng nghĩa. Nhưng không còn lối thoát nào khác – cần phải giải cứu Moscow bằng mọi giá.Và họ đã giải cứu thành công.
Thậm chí họ còn chiếm được sân bay của Đức, lấy đi một chiếc máy bay để bay về Moscow. Họ đã kìm chân quân Đức trong 3 ngày. Không pháo binh và thậm chí không đủ số lượng súng máy và súng trung liên cần thiết.
Đúng ở vị trí của tiểu đoàn Starchak với diện tích 600 m chiều rộng và 400 m chiều sâu, quân Đức không thể xuyên thủng, chúng phải đi vòng bằng cách vượt sông Ugra ở khu vực trên và dưới khu phòng tuyến. Chỉ có 29 trong số 430 lính dù còn sống trong trận tử chiến này.
Sau đó các học viên Podolsk đã tới tiếp viện, một ngày sau là đại đội xe tăng. Tình hình đã được cải thiện. Và thậm chí các tướng lĩnh của Đức sau này còn nhắc lại rằng các lính dù của Starchak chính là "tiểu đoàn cuối cùng giành được thắng lợi trong trận đánh ở ngoại ô Moscow".
Giành được thắng lợi trong trận chiến ở ngoại ô Moscow, như tất cả đều biết, là tiền đề giúp Liên Xô giành được thắng lợi trong toàn bộ cuộc Chiến tranh giữ nước Vĩ đại.
Đài tưởng niệm các học viên Podolsk. Ảnh: Goballookpress
2. Chiến công ở ngoại ô Vyazma
Khi quân đội Liên Xô chuyển sang phản công ở ngoại ô Moscow, dù nhiều chiến sĩ ít có kinh nghiệm tham gia vào các chiến dịch quy mô kiểu này, họ vẫn chiếm được tình thế có lợi về mặt chiến thuật.
Từ phía bắc và phía nam là hai gọng kìm kẹp chặt quân Phát xít Đức ở giữa. Nếu họ có thể kết nối với nhau ở khu vực thành phố Vyazma thì quân Phát xít sẽ nằm trong thế bị bao vậy. Và khi đó kết cục của chiến tranh có lẽ đã khác.
Nhưng không có cách nào để khóa chặt hai gọng kìm: lính dự bị không có kinh nghiệm chiến đấu và trình độ của các sĩ quan chỉ huy không cho phép họ thực hiện các chiến dịch thọc sâu. Họ thường đụng độ trực tiếp với tuyến phòng thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng của quân Đức và chịu nhiều tổn thất.
Và khi đó quân đội Liên Xô đã quyết định đưa Binh chủng lính dù Số 4 đổ bộ vào hậu phương của quân Đức. Chiến dịch đột kích, bắt đầu vào ngày 27/1/1942, theo kế hoạch tính toán sẽ được Tập đoàn quân Số 50 thực hiện, nhưng bất thành. Kết quả, thậm chí một số đơn vị của Hồng Quân rơi vào vòng vây của quân Đức.
Nhưng chưa có gì kết thúc, cơ hội xuyên thủng phòng tuyến của quân Phát xít bằng những nỗ lực chung vẫn còn. Bởi thế, các đơn vị của Binh chủng lính dù Số 4 vẫn tiếp tục đổ bộ xuống khu vực phía tây Yukhnovo để đánh sang phía tây nhằm kết nối với các đơn vị tấn công sang hướng tây của Tập đoàn quân Số 50.
Và họ đã gần như đạt được điều đó. Dù quân Đức phản kháng yếu ớt nhưng chúng vẫn còn khá mạnh. Không thể xuyên thủng phòng tuyến từ phía trước, nhưng các lực lượng lính dù vẫn tiếp tục chiến đấu ở phía sau lưng quân Đức cho tới ngày 28/6. 5 tháng trời!
Rất nhiều các tài liệu về giai đoạn này của cuộc chiến tranh đã trích lời từ cuốn sách của sĩ quan Đức A.Gove: "Chú ý, có lính dù!".
Sĩ quan này tuyên bố: Các lính dù Nga trong vòng nhiều ngày bảo vệ khu rừng, nằm dưới nhiệt độ -38 trên những tấm thảm làm bằng cành cây và đánh bật mọi đợt tấn công của quân Đức. Phải nhờ tới sự yểm trợ của các pháo tự hành và máy bay ném bom, quân Đức mới có thể giải phóng tuyến đường khỏi người Nga.
Ảnh minh họa: Globallookpress
3. Thảm kịch Demyan
Khác với Binh chủng Số 4 cuối cùng vẫn nhập được lực lượng chủ lực của mình, các lính dù tham gia những chiến dịch tương tự ở ngoại ô Demansk gần như không còn một ai sống sót. Nhưng họ đã chứng tỏ được tấm gương của sự kiên cường trong những điều kiện khắc nghiệt khiến kẻ thù cũng phải kinh ngạc!
Trong lúc diễn ra chiến dịch phản công ở ngoại ô Moscow, quân đội Nga đã thiết lập được vòng vây một lực lượng khá lớn quân Phát xít ở khu vực thành phố Demyansk trên tuyến mặt trận Tây Bắc.
Có 6 sư đoàn của Đức với quân số từ 70 đến 105 nghìn rơi vào gọng kìm của quân Nga, bao gồm cả sư đoàn tinh nhuệ của SS "Totenkopf" nổi danh với việc chưa bao giờ, khác so với những đơn vị thông thường của quân đội Đức, "ngán" chạm trán trực tiếp với quân đội Liên Xô.
Bộ chỉ huy quân đội Liên Xô đã tính toán hoàn toàn chính xác: Khi các đơn vị tiền phương không đủ lực, để giải quyết dứt điểm "gọng kìm" nên tung vào lực lượng lính dù để tấn công các cứ điểm chỉ huy, sân bay, tuyến đường cung ứng, đập tan hệ thống phòng thủ thống nhất của địch. Nhưng việc cụ thể hóa toan tính đó lại được lên kế hoạch không tốt chút nào.
Từ việc trinh sát, quân đội Đức đã phát hiện đúng lúc nhóm lính dù Nga bí mật đổ bộ xuống hậu phương của mình. Ngay lập tức, hỏa lực mạnh đã được tập trung vào đó.
Điều thứ hai – lực lượng lính dù đã không được vũ trang đầy đủ - gần như toàn vũ khí hạng nhẹ. Có lẽ, nếu họ chiếm được sân bay ở hậu phương của địch như kế hoạch đề ra để chuyển pháo binh tới đây thì có thể mọi thứ đã diễn ra theo chiều hướng khác.
Nhưng địch đã không cho các lính dù Nga cơ hội như thế, bởi vậy tất cả các căn cứ quan trọng được lính SS bảo vệ, yểm trợ thêm bằng không quân, tập trung các nhóm cơ động để săn lùng và tiêu diệt lính dù Nga.
Kết quả là phải mất 1 tháng trời (từ ngày 15/2 đến 16/3/1941) Hồng quân Liên Xô mới có thể tập trung được 3 trung đoàn vì thường xuyên chịu áp lực tấn công từ phía địch.
Bởi vậy, chỉ duy nhất Tiểu đoàn Số 4 thuộc Trung đoàn 204 gồm những chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm nhất của toàn bộ lực lượng Hồng quân Liên Xô có mặt ở đây hoàn thành các nhiệm vụ được giao: nổ mìn, phóng hoả, phá hủy hạ tầng phòng thủ của địch.
Và sư đoàn "Totenkopf" nổi danh không thể làm được gì để ngăn cản. Nhưng tiểu đoàn trên một mình có thể làm được gì khi các đơn vị còn lại vô hại vì quân Đức luôn kịp thời triển khai phản công mạnh mẽ ở khắp mọi nơi.
Ảnh minh họa: Globallookpress
Tuy nhiên, cả trong hoàn cảnh đó, các lính dù Nga đã thể hiện được lòng can đảm và tinh thần anh dũng của mình.
Ban đầu, trong điều kiện giá lạnh -42 độ, sau này lúc tuyết tan, trong những đầm lầy, không thể nổi lửa để không quân Đức không thể phát hiện, các lính dù đói khát, mình đầy thương tích, đau ốm và nhiễm lạnh nhưng họ vẫn không ngừng tấn công các doanh trại và tuyến đường cung ứng của quân đội Đức trong gần 2 tháng ròng rã!
Chỉ đến ngày 14 tháng 4, hơn 200 lính dù còn sống, chủ yếu là bị thương, đã gặp được các đơn vị tiếp viện. Đây xứng đáng là hành động anh hùng dù nó lấy đi mạng sống của nhiều người. Nó đã chứng tỏ một điều rằng kể cả khi không thể chiến đấu thì lính dù vẫn dũng cảm chiến đấu; kể cả khi không thể giành được chiến thắng thì lính dù vẫn chiến đấu đến cùng.
Truyền thống này được các lính dù Nga một lần nữa khẳng định trong chiến dịch quân sự quy mô lớn – Afganistan.
Trong cuộc chiến này có nhiều hành động anh hùng, hi sinh quên mình và quả cảm, nhưng trong số này phải kể đến hai trận đánh lớn. Một trận đánh kết thúc bằng chiến thắng, trận còn lại thất bại, nhưng trong cả hai trận lính dù Nga đã chứng tỏ được những phẩm chất tốt nhất của mình.
4. Trận đánh Argun đẫm máu và bất tử
Trận đánh tại hẻm núi Argun ở Chechnya ngày 29/2 và 1/3/2000 đã vĩnh viễn đi vào lịch sử của tất cả các cuộc chiến tranh và chứng tỏ được phẩm chất của lực lượng lính dù Nga. Ở đó, chỉ với 90 người, các chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn lính dù Số 103 thuộc Sư đoàn lính dù Pskov đã chiến đấu chống lại gần 2,5 nghìn quân khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Trong số 90 lính dù, 84 người đã hi sinh anh dũng. Chỉ với 6 người nhưng họ vẫn không để cho nhóm khủng bố trốn sang Dagestan.
Ảnh minh họa: Globallookpress
Những công trạng của họ sánh ngang các công trạng vẻ vang của bậc cha anh trong Chiến tranh Vệ quốc. Những lính dù dù bị thương nhưng vẫn chiến đấu tới cùng và khiến kẻ địch phải thiệt hại tối đa.
Khi không còn đạn, lính dù Nga lao vào giáp lá cà, kiểu chiến đấu khiến kẻ địch phải hoảng sợ. Và khi không còn cơ hội nào để tiêu diệt địch, họ cho nổ lựu đạn giữa vòng vây để hi sinh anh dũng. 21 trong số 22 lính dù của Đại đội 6 được truy tặng huân chương Anh hùng Nga.
Còn nhiều những câu chuyện về lòng dũng cảm trong lịch sử lực lượng lính dù Nga. Họ đã có đóng góp vô cùng quan trọng trong cuộc tấn công đập tan quân đội Quan Đông của Nhật Bản vào tháng 8 năm 1945 – các lính dù Nga đã đánh chiếm được nhiều cứ điểm trọng yếu trong hậu phương địch, hỗ trợ bẻ gãy tuyến phòng thủ của người Nhật.
Các lính dù Nga từng tham gia vào trận đánh chiếm các căn cứ quan trọng ở Séc và Slovakia năm 1968, giúp giữ toàn vẹn tuyến phòng thủ Hiệp ước Warsaw.
Không thể không nhắc tới cuộc hành quân thần tốc của lính dù Nga mùa hè năm 1999 khi họ vượt qua 600 km và chiếm sân bay Slatin, cách không xa thành phố Prishtina, không cho quân đội NATO trở tay và chứng tỏ rằng lưỡi lê Nga vẫn chưa hề hoen gỉ.
Tại Nam Osetia vào năm 2008, chỉ một lần xuất hiện trên chiến trường, lính dù Nga đã khiến cho quân đội Gruzia vội vàng tháo chạy. Chính vì thế không có gì cường điệu khi nói rằng ở đâu có lính dù Nga, ở đó luôn luôn có những hành động dũng cảm.
Cận cảnh Thủy quân lục chiến Nga luyện tập tác chiến