Nhiều người không dám dùng WC công cộng vì sợ bệnh lây qua đường tình dục: Bác sĩ nói gì?

Ngọc Minh |

Rất nhiều người lo lắng không dám sử dụng nhà vệ sinh công cộng vì sợ lây bệnh qua đường tình dục. Bác sĩ nói sao về điều này?

Nhà vệ sinh công cộng, ảnh minh hoạ.

Nhà vệ sinh công cộng, ảnh minh hoạ.

Dân văn phòng lo lắng lây bệnh khi dùng nhà vệ sinh chung

Thời gian gần đây trên mạng xã hội, mọi người chia sẻ thông tin cảnh báo nhau về việc sử dụng nhà vệ sinh công cộng dễ mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Thông tin này khiến cho rất nhiều người lo lắng, đặc biệt các chị em làm việc tại văn phòng thường xuyên phải dùng nhà vệ sinh công cộng.

Ths. BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản TW) cho hay đây là vấn đề bác sĩ nhận được khá nhiều câu hỏi thú vị.

"Hầu hết các bệnh lây qua đường tình dục phức tạp như HIV, viêm gan, giang mai, lậu, có con đường lây truyền chính là qua sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan sinh dục và các dịch tiết sinh dục như tinh dịch và dịch tiết âm đạo trong quá trình sinh hoạt tình dục, do đó việc tiếp xúc đơn thuần ngoài da tại các nhà vệ sinh công cộng thì không làm tăng nguy cơ mắc các bệnh này.

Do đó những lý giải như lây truyền hoặc mang thai ngoài ý muốn do sử dụng bể bơi công cộng hay vệ sinh công cộng không an toàn là điều không hợp lý", bác sĩ Thành nói.

Thực hư chuyện nhiễm bệnh lây qua đường tình dục khi dùng nhà vệ sinh công cộng?  - Ảnh 1.

HPV gây mụn cóc trên da, ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, khi nói đến các bệnh xã hội thì bệnh sùi mào gà do virus HPV lại là 1 ngoại lệ. Ngoài nguyên nhân thông thường là lây truyền thông qua các tiếp xúc sinh hoạt tình dục, thì hiện nay có nhiều bằng chứng y học chứng minh virus HPV có thể lây truyền qua tiếp xúc da đơn thuần.

Bác sĩ Thành phân tích: "Virus HPV có thể tồn tại nhiều ngày ở các kẽ ngón tay, móng tay, hay các bề mặt tiếp xúc công cộng khác. Do đó virus HPV có thể  lây qua tiếp xúc ví dụ qua da tay, chân, tay nắm cửa nhà vệ sinh.

Mặt khác dù có áp dụng các biện pháp tình dục an toàn như bao cao su, thì vẫn không đảm bảo phòng tránh được hoàn toàn lây nhiễm HPV.  Bởi bao cao su cũng chỉ che được duy nhất dương vật. Các bạn nam vẫn có thể bị tổn thương sùi mào gà tại các vị trí khác như bìu bẹn, quanh lỗ hậu môn.

Do đó các tiếp xúc ngoài giao hợp khác như quan hệ tay, miệng cũng tiềm ẩn nguy cơ lây truyền HPV. Trong thực tế khám chữa bệnh chúng tôi vẫn gặp các bạn trẻ bị sùi mào gà ở thanh quản và cổ họng do lây truyền HPV qua sinh hoạt đường miệng.

Nhưng có điểm mừng là 90% các trường hợp nhiễm HPV đều tự đào thải được virus sau này".

Virus HPV có thể lây cho người khác ngay khi không có triệu chứng

Virus HPV có thể lây cho người khác ngay cả khi người nhiễm virus này không có biểu hiện dấu hiệu hay triệu chứng gì. Đa phần các trường hợp nhiễm HPV sẽ tự khỏi. Các trường hợp không tự khỏi được sẽ gây ra một số vấn đề về sức khỏe như mụn cóc ở cơ quan sinh dục, mụn cóc trên da, một số trường hợp có thể gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và ung thư dương vật ở nam giới.

Theo bác sĩ Thành, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm HPV, tiêm vắc xin HPV là biện pháp phòng ngừa  an toàn và hiệu quả nhất, vắc xin HPV có thể tiêm phòng cho cả nam và nữ. Vắc xin tiêm phòng hiệu quả nhất khi các bạn trẻ chưa quan hệ tình dục. Bởi tiêm phòng sau khi đã quan hệ tình dục thì hiệu quả của vắc xin giảm đi khá nhiều.

Độ tuổi lý tưởng nhất để tiêm phòng là các trẻ từ 9-16 tuổi. Khi đó chỉ cần tiêm 2 mũi vắc xin cách nhau 6 tháng là cho hiệu quả miễn dịch tối đa. Các bạn trẻ từ 16-26 tuổi sẽ cần tiêm 3 mũi tương ứng với thời điểm mũi 1, mũi 2 sau 2 tháng và mũi 3 nhắc lại sau 6 tháng.

Sau 26 tuổi mà chưa quan hệ tình dục thì vẫn có thể cân nhắc tiêm vắc xin. 1 số trường hợp tổn thương HPV tái phát nhiều lần thì có thể cân nhắc tiêm phòng vắc xin như 1 biện pháp miễn dịch điều trị.

Tuy nhiên dù có tiêm vaccine thì lối sống tình dục an toàn, chung thủy, dùng các biện pháp bảo vệ như bao cao su vẫn vô cùng quan trọng. Quan hệ chung thủy với một bạn tình, một vợ một chồng cũng giúp hạn chế nguy cơ lây lan HPV.

Mặt khác, việc khám sàng lọc định kỳ các bệnh lây truyền qua đường tình dục là vô cùng quan trọng. Đối với virus HPV thì áp dụng biện pháp sàng lọc kép cả virus HPV và sàng lọc tế bào K cổ tử cung có thể giúp phát hiện sớm và loại trừ hoàn toàn các trường hợp K cổ tử cung ở phụ nữ.

Thực hư chuyện nhiễm bệnh lây qua đường tình dục khi dùng nhà vệ sinh công cộng?  - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại