Nên và không nên ăn uống gì trước khi tiêm?
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, trong quý II, Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 cho khoảng hơn 8 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5-11 tuổi. Hiện nay, một số tỉnh thành đã triển khai tiêm phòng vắc xin cho nhóm trẻ trên. Tính tới ngày 16/4, đã có 12.414 liều (mũi 1) tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị Tiêm chủng (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), cho biết bác sĩ đã thấy rất nhiều bậc phụ huynh băn khoăn về cách chăm sóc cho trẻ trước khi tiêm.
Theo bác sĩ Hiền Minh, trẻ nên ăn nhẹ trước khi đi tiêm. Bồ mẹ lưu ý không cho trẻ nhịn đói nhưng cũng không ép trẻ ăn quá no.
Bên cạnh đó, vào ngày tiêm, trẻ không nên uống các loại đồ uống như nước ngọt, trà sữa, cà phê, nước tăng lực... Cha mẹ cần cho trẻ uống đủ nước, nhất là ở những nơi có thời tiết nắng nóng, trẻ dễ đổ mồ hôi, nhanh mệt trong khi chờ đến lượt được tiêm vắc xin.
Trẻ 5-11 tuổi tiêm phòng vắc xin. Ảnh minh hoạ.
"Cha mẹ có thể cho trẻ uống viên sủi hoặc siro chứa các loại vitamin mà trẻ đang thường sử dụng vào buổi sáng ngày đi tiêm vắc xin. Không tự ý ngừng các loại thuốc uống điều trị bệnh mãn tính mà trẻ đang uống theo toa bác sĩ", bác sĩ Hiền Minh lưu ý.
Về vấn đề có cần kiêng gì sau tiêm vắc xin Covid-19 hay không, bác sĩ Hiền Minh cho rằng trẻ không cần kiêng tắm rửa hay thức ăn, trừ những thức ăn mà đã làm trẻ dị ứng trước đây.
Sau tiêm vắc xin phòng Covid-19, phụ huynh, người lớn trong nhà và nhà trường cần lưu ý dặn dò trẻ nếu có dấu hiệu gì khó chịu phải báo ngay.
Đặc biệt, phụ huynh cần lưu ý, trẻ cần được theo dõi 30 phút sau tiêm tại địa điểm tiêm chủng. Trong 3 ngày đầu sau tiêm, trẻ cần phải có người lớn theo sát và kịp thời thấy những triệu chứng bất thường nếu có.
Bác sĩ Hiền Minh lưu ý những việc bố mẹ cần phải lưu ý trong suốt quá trình theo dõi con:
- Ghi nhận nhiệt độ của con mỗi 4-6 giờ
- Không nên cho con ngủ một mình
- Để ý khi con ở quá lâu trong nhà vệ sinh hay phòng riêng
- Nên cho con ăn uống ở nhà để đề phòng tình trạng ngộ độc thức ăn bên ngoài
- Không tập thể dục hay vận động thể lực nặng.
- Trẻ cần ngủ đủ và uống đủ nước.
Dưới đây, bác sĩ Hiền Minh lưu ý một số triệu chứng cần đưa trẻ đi viện:
- Trẻ kích thích, vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng.
- Đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi.
- Khó thở khi hoạt động bình thường, khi nằm.
- Sốt cao khó hạ nhiệt độ, hoặc kéo dài hơn 24h.
- Vân tím trên da.
- Phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ.
Theo Bộ Y tế, hai loại vắc xin được tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là Pfizer và Moderna. Với 2 vắc xin này, khi triển khai ở một số nước đã gặp một số phản ứng tiêm chủng thường gặp như đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao với liều thứ 2), sưng tại vị trí tiêm.
Các phản ứng thường gặp nhất ở nhóm tuổi tứ 5-11 tuổi là sưng tại vị trí tiêm - 80%, kiệt sức - 50%, đau đầu - 30%, tấy đỏ tại vị trí tiêm - 20%, đau cơ và ớn lạnh - 10%.
Phản ứng ít gặp là nổi hạch, phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù, mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm.
Phản ứng nặng rất hiếm gặp (tỷ lệ 1/10.000) là các phản ứng viêm cơ tim, viêm màng tim. Cha mẹ nếu thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.