Ông Hứa (tên họ đã được thay đổi) 50 tuổi, sống cùng gia đình tại Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc. Sau một trận mưa lớn, nhiều con đường ở khu ông sống ngập lụt và thoát nước rất chậm. Gia đình ông Hứa bán tạp hóa nên việc này ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, ông quyết định tự lội mưa để kiểm tra các cống thoát nước gần nhà.
Hai ngày sau, ông Hứa đột nhiên lên cơn sốt, đau nhức bắp chân, đau đầu. Lúc đầu, cho rằng bị cảm vì cơn mưa lại lội xuống nước sâu nên ông tự mua thuốc về uống. Thế nhưng, uống thuốc ba ngày tình trạng đau chân không những không thuyên giảm mà còn sốt cao tới 40 độ C, đau tức ngực, đỏ mắt. Trước đây ông Hứa từng có tiền sử viêm khớp nên gia đình cho rằng bệnh tái phát, vội vã đưa ông tới Bệnh viện Nhân dân Hải Khẩu (Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc).
Tuy nhiên, ngay sau khi kiểm tra sơ bộ bác sĩ xương khớp lập tức điều chuyển ông Hứa tới Khoa cấp cứu. Tiến sĩ Ngô Bằng, Phó trưởng Khoa cấp cứu kể lại: “Khi tới phòng cấp cứu, bệnh nhân đã ở trạng thái nguy kịch nhưng bản thân bệnh nhân và người nhà lại cho rằng đó là bệnh xương khớp.
Lúc này, bệnh nhân sốt cao trên 40 độ C, cơn đau chân và đau đầu dữ dội, bắt đầu có dấu hiệu lú lẫn, xung huyết kết mạc, ho ra máu. Dựa trên triệu chứng lâm sàng và điều tra bệnh sử từ người nhà cho biết bệnh nhân có tiếp xúc với nước thải khi lội mưa, chúng tôi xét nghiệm chuyên sâu huyết thanh học và kết luận bệnh nhân mắc bệnh Leptospirosis do nhiễm xoắn khuẩn Leptospira cực kỳ nguy hiểm.
Vì bệnh nhân có dấu hiệu suy đa tạng, nhất là phổi và thận (còn gọi là Hội chứng Weil) nên chúng tôi đã thành lập nhóm hội chẩn đa khoa khẩn cấp. Sau một loạt những điều trị từ dùng kháng sinh, truyền máu, điện giải kết hợp truyền dịch, lọc máu, đặt ống nội khí quản và liệu pháp chống hoại tử tế bào gan, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và được chuyển sang phòng chăm sóc tích cực ICU sau 8 tiếng đồng hồ. Ba ngày sau thì được chuyển tới phòng bệnh thường và hồi phục rất tốt”.
Sau khi trải qua cơn “thập tử nhất sinh”, ông Hứa tỏ ra rất bàng hoàng vì không hiểu một lần lội nước mưa tại sao lại khiến mình gặp nguy hiểm đến như vậy. Tiến sĩ Ngô Bằng cho biết, Leptospirosis là một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi xoắn khuẩn vàng da Leptospira. Leptospira có trong nước hoặc đất ẩm ướt đã bị ô nhiễm nước tiểu súc vật sẽ xâm nhập vào cơ thể qua da, đặc biệt là chỗ da bị xước và có thể chui qua lỗ chân lông của da bị ngâm sũng nước hoặc qua niêm mạc ở các hồ bơi bị nhiễm xoắn khuẩn. Với trường hợp của ông Hứa, ông không lội nước quá lâu nhưng ở chân có vài vết xước tạo điều kiện cho xoắn khuẩn xâm nhập.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể bị nhiễm Leptopspira do tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu hoặc mô súc vật bị nhiễm xoắn khuẩn. Đôi khi, mắc bệnh do ăn phải thức ăn bị nhiễm nước tiểu của chuột. Bệnh cũng thường xảy ra trong mùa mưa, nhất là ở vùng lụt lội hoặc người bơi lội trong ao, hồ bị nhiễm Leptospira từ súc vật. Sự lây truyền bệnh Leptospira từ người sang người là rất hiếm. Các triệu chứng điển hình là sốt cao, nhức đầu, sung huyết kết mạc, đau bắp chân, mệt mỏi, vàng da, suy thận… và có xu hướng xuất huyết.
Tiến sĩ Ngô Bằng cũng cảnh báo: “Bất kể có vàng da hay không, xuất huyết phổi được coi là biểu hiện quan trọng của bệnh Leptospirosis nặng. Nam bệnh nhân kể trên cũng gặp phải tình trạng này. Mặc dù tỷ lệ mắc ít phổ biến hơn nhưng tỷ lệ tử vong cao tới 50% - 70%”.
Thông qua ca bệnh này, Tiến sĩ Ngô Bằng cũng nhắc nhở chúng ta đặc biệt cẩn thận khi có nước trên đường sau khi mưa lớn hoặc khu vực có nước thải. Nếu có vết thương ở bàn chân hoặc cẳng chân, hãy tránh lội nước hoặc phải có đồ bảo hộ. Cũng nên cẩn thận khi làm việc trên đồng ruộng, khu chăn nuôi bởi xoắn khuẩn Leptospira cũng có thể dễ dàng ẩn náu trong phân động vật hoặc nước bị ô nhiễm.
Nguồn và ảnh: QQ, Family Doctor