Anh Trương năm nay 42 tuổi, là chủ một cửa hàng tạp hóa lớn ở Hắc Long Giang, Trung Quốc. Anh rất hiếm khi uống rượu bia, buổi chiều nào cũng chạy bộ quanh khu phố nên khi biết anh đột ngột nhập viện, hàng xóm ai nấy đều bất ngờ.
Vợ anh Trương kể lại, tối hôm đó ăn cơm xong thì anh xuống cửa hàng tạp hóa ở tầng 1 làm việc tiếp như bình thường. Gần một giờ đồng hồ sau, nhân viên làm thêm của cửa hàng hớt hải chạy lên lầu báo anh Trương đau bụng dữ dội, buồn nôn và mệt mỏi tới mức không thể tự đứng dậy. Cho rằng chồng bị ngộ độc thực phẩm, chị vợ lập tức lái xe đưa chồng tới thẳng phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất.
Điều khiến chị bất ngờ là anh Trương không hề bị ngộ độc thực phẩm hay gặp vấn đề dạ dày. Bác sĩ Xie Xinhui thuộc Bệnh viện Jixi Jikuang (Hắc Long Giang, Trung Quốc) cho biết, anh Trương bị tăng mỡ máu quá cao, chỉ số chất béo trung tính triglyceride trong máu vào thời điểm nhập viện đạt gần 80 mmol/L, có dấu hiệu viêm tụy cấp.
Bà nói thêm: “Tăng mỡ máu mất kiểm soát là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới viêm tụy cấp. Trên thực tế, viêm tụy cấp do tăng mỡ máu gặp khoảng 30 - 35% trong tổng số bệnh nhân viêm tụy cấp nhập viện. Điều đáng lưu ý là viêm tụy cấp do mỡ máu cao thường nặng hơn và đe dọa tính mạng bệnh nhân hơn so với các nguyên nhân khác”.
Điều tra bệnh sử chỉ ra anh Trương đã được bác sĩ cảnh báo về tình trạng tăng mỡ máu từ 1 năm trước, khi khám sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, chỉ số mỡ máu lúc này chưa đạt mức bệnh lý, chưa phải điều trị nên anh vẫn rất chủ quan. Dù bác sĩ nhắc nhở thay đổi lối sống, nhất là ăn uống để kiểm soát mỡ máu nhưng anh Trương không những không làm theo mà còn mắc một sai lầm nghiêm trọng. Điều này khiến bác sĩ Xie Xinhui khi điều trị cho anh sau này phải thốt lên: nấu ăn kiểu này như đổ dầu vào máu!
Cụ thể, anh Trương rất thích ăn mỡ lợn và cho rằng mỡ lợn là tự nhiên sẽ tốt cho sức khỏe hơn các loại dầu ăn đóng chai. Anh và vợ ít khi ăn cùng nhau, ai thích ăn gì thì tự nấu bởi giờ giấc làm việc, sinh hoạt khác nhau mà vợ anh lại thường ăn kiêng giữ dáng.
Anh Trương mê đồ chiên rán và các món xào, nhưng phải nấu bằng mỡ lợn, phải cho thật nhiều mới cảm thấy dậy mùi và béo ngậy. Đặc biệt, mỗi khi cửa hàng đông khách hoặc vào buổi sáng vội vã, anh Trương sẽ làm nóng mỡ lợn rồi thêm vào một chút nước mắm, dưới lên cơm nóng để ăn. Theo chia sẻ của anh, đây là món ăn nhanh gọn, rất “đưa cơm” và làm anh hồi tưởng về tuổi thơ ở quê. Vợ anh Trương cho biết, buổi tối hôm anh nhập viện, anh cũng ăn liền lúc 3 bát cơm chan mỡ lợn cùng một đĩa tóp mỡ.
Bác sĩ Xie Xinhui giải thích: “Mỡ lợn không xấu, thậm chí còn mang lại một số lợi ích sức khỏe nhưng phải biết ăn điều độ. Bởi vì dù là mỡ lợn hay dầu thực vật, tiêu thụ quá nhiều đều có hại cho sức khỏe, nhất là tim mạch. Hướng dẫn chế độ ăn uống của Trung Quốc khuyến nghị, người lớn không nên tiêu thụ quá 25 - 30g dầu/mỡ lợn mỗi ngày nhưng lượng ăn của bệnh nhân vượt xa con số này. Hơn nữa, bệnh nhân chỉ ăn mỗi mỡ lợn dẫn tới mất cân bằng.
Trong khi đó, bản thân bệnh nhân đã có chỉ số mỡ máu khá cao mà so với dầu thực vật thì mỡ lợn có hại hơn với người gặp vấn đề tim mạch. Bởi axit béo bão hòa của nó chiếm hơn 40%, ăn quá nhiều axit béo bão hòa có thể dẫn đến tăng cholesterol mật độ thấp và làm tăng cũng như tiến triển nặng bệnh về tim mạch, đột quỵ.
Người mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não, tốt nhất nên ăn ít hoặc không ăn thực phẩm có chứa mỡ lợn. Còn nếu bạn là người khỏe mạnh thì việc tiêu thụ mỡ lợn một cách hợp lý sẽ không có nhiều rủi ro. Nhưng khi chế biến các món thịt hoặc rau củ nhiều đường, nhiều protein hãy ưu tiên dầu thực vật có axit béo bão hòa thấp”.
Với trường hợp của anh Trương, may mắn là anh vốn có thể lực tốt, tập thể dục thể thao hàng ngày và tới bệnh viện kịp thời nên điều trị có hiệu quả khi viêm tụy cấp mới chớm. Sau một tuần nằm viện điều trị tích cực, anh đã hết đau bụng, mức độ mỡ máu về giới hạn cho phép và được xuất viện. Tuy nhiên, sau đó vẫn phải dùng thuốc kiểm soát mỡ máu đều đặn và đương nhiên là cần thay đổi thói quen ăn uống xấu của mình.
Nguồn và ảnh: Sohu, Health News