Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân T.M. (68 tuổi, trú tại Lâm Thao, Phú Thọ), cách đây khoảng 3-4 tháng bị đau cột sống thắt lưng, đau tăng dần nên đã mua thuốc nam để uống. Sau thời gian dài lạm dụng thuốc nam, bệnh không giảm, bệnh nhân thấy người cứ mệt hơn, ăn kém dần, da vàng tăng lên.
Tại bệnh viện, kết quả khám và xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy gan cấp, chỉ số men gan cao gấp 23 lần bình thường, chỉ số Bilirubin tăng cao tăng gấp 17 lần bình thường; ngoài ra có dấu hiệu của suy thận, suy tim, có nguy cơ phải lọc máu.
Bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị. Sau 18 ngày chăm sóc đặc biệt, các chỉ số về chức năng gan, thận đã trở về bình thường. Bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt và chưa phải lọc máu.
Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định và đủ điều kiện xuất viện.
BSCKII. Đỗ Đức Dũng, Phó Trưởng Đơn vị Hồi sức tích cực - Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao cho biết: Đây là một trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm gan, suy gan cấp, suy đa tạng do lạm dụng thuốc nam. Một số bệnh nhân chưa hiểu rõ mối nguy hại của việc điều trị bệnh theo truyền miệng, theo các bài thuốc nam không rõ nguồn gốc nên đã lạm dụng thuốc nam để điều trị bệnh thay vì đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Điều này là rất nguy hiểm.
Bác sĩ Dũng cho biết thêm: Gan được ví như nhà máy thải độc khổng lồ của cơ thể. Nhiều loại thuốc nam không rõ nguồn gốc có thể có độc tính cao, khi sử dụng trong thời gian dài, gan không thể thải độc hết nên bị tổn thương khiến các độc tố tích tụ trong cơ thể ngày càng nhiều, làm cho tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, gan có thể bị tổn thương nặng nề và không thể phục hồi.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên tự ý điều trị theo truyền miệng, đặc biệt là sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh, mà cần đi khám tại bệnh viện để được đánh giá rõ về tình trạng bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp.