Ung thư dạ dày là một căn bệnh nguy hiểm và được xếp vào hàng thứ 5 trong số các loại ung thư hay gặp ở Việt Nam. Qua những nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân gây ung thư dạ dày phần nhiều là liên quan đến thói quen ăn uống và lịch sinh hoạt hàng ngày.
Tuy không chắc chắn hoàn toàn nhưng ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa được chỉ bằng những điều hết sức đơn giản dưới đây.
1. Chế độ dinh dưỡng, trọng lượng cơ thể, hoạt động thể chất
Trên thế giới, trong vài thập kỷ qua, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư dạ dày đã giảm xuống rõ rệt, một phần là do người dân đã biết cách giảm những nguy cơ gây ra bệnh xuất phát từ chế độ dinh dưỡng.
Điều này bao gồm mọi người sử dụng tủ lạnh để cất trữ đồ ăn tươi sống thay vì bảo quản bằng cách muối mặn, ngâm dấm hoặc hun khói. Nhiều nghiên cứu cho thấy thói quen ăn các loại thực phẩm ướp muối sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn nên tránh một chế độ ăn uống có nhiều sản phẩm thực phẩm đóng hộp sẵn như đồ hộp, thực phẩm ướp sẵn gia vị, mì ăn liền, bánh quy mặn, lạc rang mặn, lạp xưởng, cá thịt khô muối, các loại mắm, các loại gia vị bột ngọt, các món ăn chế biến từ muối.
Dĩ nhiên, một thực đơn nhiều hoa quả và rau tươi sẽ giúp giảm rủi ro bị ung thư dạ dày. Các loại quả có múi như cam, chanh, bưởi... nên có sẵn trong trên mâm cơm. Tuy nhiên, bưởi và nước ép bưởi có thể ảnh hưởng tới một số loại thuốc nên bạn cần hỏi bác sĩ trước khi tiêu thụ trái cây này.
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo rằng mọi người nên có chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên thực phẩm từ thực vật nhiều hơn. Đó là mỗi ngày nên ăn tối thiểu 2,5 chén rau và quả.
Những thực phẩm này là nguồn cung cấp các chất xơ và vitamin hết sức dồi dào. Ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin A,B,E, tăng cường sự hấp thu protein hợp lý, có thể bảo vệ cơ thể, phòng tránh ung thư dạ dày.
AI cũng có thể phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư dạ dày từ việc làm hàng ngày.
Chọn các loại bánh mì, bột mì và ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế, và ăn cá, gia cầm, hoặc đậu thay vì thịt chế biến và thịt đỏ. Đây cũng là cách giúp giảm nguy cơ ung thư.
Nhiều nghiên cứu cũng đã tập trung vào thực phẩm bổ sung hàng ngày để giảm rủi ro mắc bệnh. Và các nhà khoa học phát hiện sự kết hợp các chất bổ sung chống oxy hoá (vitamin A, C, và khoáng chất selenium) có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày ở người có chế độ dinh dưỡng kém.
Thế nhưng, những người có chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ không nhận được bất kỳ lợi ích sức khỏe nào nếu bổ sung các chất vừa kể trên.
Mặc dù một số nghiên cứu ở quy mô nhỏ cho rằng uống trà, đặc biệt là trà xanh có thể giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày nhưng những nghiên cứu ở quy mô lớn chưa tìm ra mối liên hệ này.
Béo phì cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngược lại, hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp cơ thể tránh xa được căn bệnh nguy hiểm này.
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo ngoài việc phòng ngừa ung thư dạ dày, cân nặng hợp lý và tập thể dục nhiều sẽ giảm nguy cơ mắc một số căn bệnh ung thư khác cũng như các vấn đề sức khỏe khác.
2. Tránh xa thuốc lá
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh ung thư, trong đó có ung thư dạ dày. Đây cũng là "thủ phạm" gây ra cho 1/3 người tử vong vì ung thư ở Mỹ.
Tất nhiên, bạn cũng nên tránh xa khói thuốc lá. Trong khói thuốc có chứa nhiều chất gây ung thư hoặc thúc đẩy tế bào ung thư phát triển như Benzopyrene, hydrocacbon thơm đa vòng, là một trọng những nguyên nhân gây bệnh ung thư thực quản và ung thư dạ dày.
3. Điều trị nhiễm Helicobacter pylori
Vi khuẩn H pylori.
Hiện chưa rõ vấn đề nếu một người có phần lót dạ dày bị viêm mãn tính với vi khuẩn H pylori nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào có nên điều trị bằng kháng sinh hay không. Đây là một nội dung đang được nghiên cứu.
Nhưng một vài nghiên cứu trước đây cho rằng điều trị kháng sinh cho những người bị nhiễm vi khuẩn H pylori có thể làm giảm số tổn thương tiền ung thư ở dạ dày và giảm nguy cơ phát triển ung thư dạ dày.
Nhưng vẫn cần các nghiên cứu kết luận rằng đây là một cách để ngăn ngừa ung thư dạ dày ở những người nhiễm H pylori.
Cách kiểm tra để xem cơ thể cơ bị nhiễm H pylori
- Kiểm tra máu để tìm kháng thể đối với H pylori.
- Thủ thuật nội soi để lấy mẫu sinh thiết của lớp lót dạ dày.
- Xét nghiệm kiểm tra vi khuẩn H pylori qua hơi thở.
4. Sử dụng aspirin
Sử dụng aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen hoặc naproxen dường như làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Những loại thuốc này cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển polyps đại tràng và ung thư đại tràng.
Nhưng chúng cũng có thể gây ra tình trạng chảy máu nội bộ nghiêm trọng (và thậm chí đe dọa đến tính mạng) và các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khác ở một số người.
Hầu hết các bác sĩ cân nhắc mỗi khi sử dụng loại thuốc này để điều trị cho các bệnh nhân viêm khớp. Và họ không khuyến cáo bệnh nhân sử dụng NSAIDs với mục đích ngăn ngừa ung thư dạ dày.
5. Cẩn trọng với Hội chứng Ung thư dạ dày khuếch tán di truyền
Chỉ một tỷ lệ nhỏ những người bị ung thư dạ dày có nguyên nhân xuất phát từ Hội chứng Ung thư dạ dày khuếch tán di truyền (HDGC), tức là nguy cơ ung thư có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình.
Phẫu thuật cắt bỏ 3/4 dạ dày.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, hàng năm, có khoảng 900.000 người mắc bệnh ung thư dạ dày và HDGC chiếm ít hơn 1% trong số đó.
Không phải ai thừa hưởng một đột biến gen cho HDGC sẽ bị ung thư nhưng những người có kết quả dương tính đối mặt với nguy cơ mặc bệnh ung thư lên đến 83% ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ.
Vì thế, nếu kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân có đột biến (thay đổi bất thường) trong gen CDH1, nhiều bác sĩ khuyên bệnh nhân nên phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày trước khi nó phát triển thành ung thư.
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, những người mang đột biến di truyền của gen CDH1 có 20% cơ hội sống sót. Còn ở giai đoạn muộn, tức là khi các tế bào ung thư ẩn giấu trong lớp lót dạ dày, tỷ lệ sống sót của họ chỉ là 4%.
Vì vậy, rất quan trọng để phát hiện ra loại ung thư không có khối u rắn này. Thay vào đó, các tế bào ung thư ẩn trong lớp lót dạ dày nhân rộng, dễ lây lan sang các cơ quan khác và xương xung quanh. Chính vì vậy rất khó tự chẩn đoán bệnh.
* Theo Cancer.org