Ung thư gan là gì?
Gan có chức năng liên tục lọc máu tuần hoàn trong cơ thể, chuyển đổi các chất dinh dưỡng và thuốc hấp thu vào cơ thể. Gan còn thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như loại bỏ các độc tố và các chất thải khác trong máu.
Bởi vì tất cả máu trong cơ thể đều phải đi qua gan nên gan thường xuyên tiếp xúc với các tế bào ung thư trong máu.
Gan có thể bị ảnh hưởng bởi ung thư gan nguyên phát, tức là ung thư bắt nguồn từ gan hoặc ung thư gan thứ phát, nghĩa là bệnh ung thư di căn đến gan từ một bộ phận khác của cơ thể. Nhiều loại ung thư có thể di căn đến gan, trong đó thường gặp nhất là ung thư ruột, tụy, dạ dày, phổi hoặc ung thư vú.
Ung thư gan nguyên phát bắt đầu từ gan chiếm khoảng 2% trong số trường hợp mắc ung thư tại Mỹ, nhưng lại chiếm tới 50% trong số các căn bệnh ung thư tại các nước đang phát triển. Nguyên nhân là do tỷ lệ cao mắc bệnh viêm gan, gây ra bởi các virus truyền nhiễm, là nguyên nhân phát triển thành bệnh ung thư gan.
Ngoài ra, rượu bia và các thực phẩm nhiễm độc tố aflatoxin cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra ung thư gan.
Bởi vì gan được hình thành từ nhiều loại tế bào khác nhau, cho nên một số khối u có thể hình thành từ đây. Một số khối u có thể là lành tính (không phải ung thư) và một số là ung thư và có thể lây lan tới các bộ phận khác trong cơ thể (di căn).
Những khối u này hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau nên cách thức điều trị cũng khác nhau. Triển vọng về sức khỏe và khả năng phục hồi sẽ phụ thuộc vào loại khối u mà bạn gặp phải.
Các khối u gan lành tính bao gồm:
- U máu trong gan
- Khối u adenoma trong gan
- U tăng sản dạng khối lành tính
- U mỡ trong gan
- U xơ trong gan
- U cơ trơn trong gan
Không có khối u nào vừa được kể trên cần được điều trị như ung thư gan. Tuy nhiên, chúng có thể cần phải được phẫu thuật cắt bỏ nếu như gây ra các cơn đau hoặc chảy máu.
Ung thư gan bao gồm:
- Ung thư tế bào gan (HCC: hepatocellular carcinoma): Đây là loại ung thư gan phổ biến nhất và thường gặp nhất trong các loại ung thư gan, chiếm 85-90% trong tổng số các trường hợp ung thư gan.
- Ung thư đường mật (CCC: cholangiocarcinoma): Ung thư đường mật có thể thể gặp ở ngoài gan - ở rốn gan và ở trong gan, trong đó tỷ lệ ở trong gan rất thấp. Ung thư đường mật có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều lần so với ung thư tế bào gan.
Để có thể tầm soát được bệnh ung thư gan sớm, điều quan trọng là bạn phải nhận biết được có thể đang có loại khối u nào. Hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ.
Những nguyên nhân gây ung thư gan
Ung thư gan nguyên phát (ung thư biểu mô tế bào gan) có xu hướng xuất hiện ở các lá gan bị tổn thương do khuyết tật bẩm sinh, uống nhiều uống có cồn hoặc bị nhiễm trùng mãn tính với các bệnh như viêm gan siêu vi B và C, bệnh thừa chất sắt (một loại bệnh di truyền có liên quan đến hiện tượng thừa chất sắt trong người, dẫn đến sự hủy hoại gan và lá lách) và bệnh xơ gan.
Hơn một nửa các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan nguyên phát đều bị xơ gan, phần lớn nguyên nhân là do lạm dụng rượu.
Viêm gan siêu vi B và C và bệnh thừa chất sắt có thể gây tổn thương vĩnh viễn và suy gan. Ung thư gan cũng liên quan với bệnh béo phì và viêm gan nhiễm mỡ.
Các chất gây ung thư khác có liên quan với ung thư gan nguyên phát bao gồm: Thuốc diệt cỏ và các hóa chất như nhựa vinyl clorua và thạch tín. Thuốc lá, đặc biệt là khi bạn uống nhiều rượu, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Aflatoxin, chất gây ung thư hình thành các loại thực phẩm bị nấm mốc cũng là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư gan. Aflatoxin có thể được tìm thấy ở lúa mì, lạc, gạo, ngô, đậu nành.... Các chất gây ung thư này lại hiếm khi xuất hiện ở các nước phát triển hàng đầu như Mỹ.
Các nguyên nhân khác bao gồm các hormone kích thích tố nam và kích thích tố nữ và chất thorotrast (chất cản quang dùng để chụp x quang đường mật).
Các yếu tố gây bệnh ung thư gan khác bao gồm:
- Giới tính: Đàn ông có nhiều khả năng bị ung thư gan hơn phụ nữ.
- Cân nặng: Béo phì có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư tế bào gan.
- Chủng tộc: Ở Mỹ, ung thư gan xảy ra nhiều nhất ở những người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương.
- Sử dụng thuốc anabolic steroids: Các vận động viên sử dụng thuốc tăng cơ bắp trong một thời gian dài có thể đối mặt với nguy cơ bị ung thư gan.
- Tiền sử bệnh tiểu đường: Các nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa bệnh tiểu đường và ung thư gan. Điều này có thể là do sự liên kết giữa bệnh tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ.
- Bệnh trao đổi chất di truyền: Các căn bệnh gây rối loạn sự trao đổi chất của cơ thể đã được chứng minh làm tăng nguy cơ ung thư gan.
- Các bệnh hiếm: Các nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa ung thư gan và một số bệnh hiếm gặp như thiếu alpha-1- antitrypsin, tyrosinemia và bệnh Wilson.
* Theo WebMD