Thời gian ngủ có liên quan tới nguy cơ đột quỵ. (Nguồn ảnh: Shutterstock)
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo mọi người nên ngủ tối thiểu 7 tiếng/ đêm. Thế nhưng theo một nghiên cứu mới đây, ngủ quá nhiều cũng có thể gây hại.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Galway, Ireland, đã phân tích dữ liệu từ 5.000 người và một nửa số này đã từng bị đột quỵ. Qua đó, các nhà khoa học thấy rằng những người ngủ nhiều hơn 9 tiếng/ đêm có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với những người ngủ đủ 7 tiếng/ đêm.
Kết quả cũng cho thấy những người ngủ ít hơn 5 tiếng/ đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần.
Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Neurology, trong đó các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 5.000 người đến từ 32 quốc gia khác nhau trên thế giới và có độ tuổi trung bình là 62. Đặc biệt, ⅔ số này là nam giới.
Mối liên hệ giữa thời gian ngủ và nguy cơ đột quỵ
Dữ liệu của CDC cho thấy ⅓ dân số Mỹ không ngủ đủ 7 tiếng/ đêm, trong khi đó cứ 20 người thì có 1 người ngủ hơn 9 tiếng/ đêm.
Ngủ quá nhiều có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe bao gồm bệnh tim, tiểu đường và béo phì.
Tiến sĩ Christine McCarthy, một chuyên gia về giấc ngủ, người đứng đầu nghiên cứu trên, cho biết: "Kết quả của chúng tôi cho thấy các vấn đề về giấc ngủ là một yếu tố quan trọng cần lưu tâm để phòng ngừa đột quỵ".
"Những người đang gặp các vấn đề về giấc ngủ nên xin tư vấn của bác sĩ thật sớm."
Các nhà khoa học chưa biết được chính xác nguyên nhân vì sao ngủ quá nhiều lại có thể tăng nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, theo họ đó có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác gồm lối sống ít vận động, thiếu máu hoặc trầm cảm. Tất cả các yếu tố này đều đã được chứng minh là có thể tăng nguy cơ đột quỵ hoặc béo phì.
Mặt khác, ngủ quá ít cũng được cho là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ do huyết áp cao, các tình trạng viêm, béo phì và tiểu đường loại 2.
5 yếu tố xuất hiện lúc ngủ làm tăng nguy cơ đột quỵ
Những người tham gia nghiên cứu trên được yêu cầu hoàn thành 1 bản khảo sát về giấc ngủ bao gồm 5 yếu tố: số thời gian ngủ, chất lượng giấc ngủ, có hay không các dấu hiệu hay bị tỉnh giấc khi ngủ, ngáy, khịt mũi hoặc các triệu chứng về hô hấp khi ngủ.
Ngủ quá ít hay quá nhiều đều có thể dẫn tới đột quỵ. (Nguồn ảnh: Shutterstock)
Kết quả cho thấy trong nhóm từng bị đột quỵ, có 151 người ngủ nhiều hơn 9 tiếng/ đêm. Trong khi đó, ở nhóm không bị đột quỵ, chỉ có 84 người có giấc ngủ dài như vậy.
Dữ liệu cũng cho thấy trong nhóm bị đột quỵ, 162 người ngủ ít hơn 5 tiếng/ đêm, trong khi ở nhóm không bị đột quỵ, con số này chỉ là 43 người.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng những có dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần so với những người không mắc chứng này.
Dữ liệu cũng cho thấy những người ngáy khi ngủ có khả năng bị đột quỵ cao hơn 91%.
Tiến sĩ McCarthy cho biết thêm những người có hơn 5 yếu tố kể trên xuất hiện khi ngủ sẽ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với những người không có bất cứ yếu tố nào.
Tuy nhiên, đây là một nghiên cứu quan sát và hạn chế của nghiên cứu là tất cả các dữ liệu về giấc ngủ đều do người tham gia tự báo cáo. Không có các thiết bị theo dõi giấc ngủ trên thực tế của những người tham gia, cũng như không có những đoạn ghi âm là bằng chứng cho thấy những người tham gia có khịt mũi, ngáy khi ngủ và không có các xác nhận của bác sĩ về chứng ngưng thở khi ngủ của họ.
Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Nghiên cứu Sức khỏe Canada.
(Nguồn: Daily Mail)