Nghiên cứu mới: Muốn giảm cân mà chỉ ăn ít đi là sai lầm, đây mới là cách giảm cân đúng

Thanh Tùng |

Bất cứ ai đã từng ăn kiêng đều biết rằng cách tiêu chuẩn nhất để giảm cân là giảm lượng calo tiêu thụ mỗi ngày.

Công bố nghiên cứu mới về giảm cân

Một nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí JAMA, có thể thay đổi quan niệm về giảm cân vốn đã tồn tại từ lâu.

Các nhà khoa học phát hiện ở những người kiêng đường, tinh bột và các thực phẩm chế biến sẵn trong khi ăn nhiều rau và thực phẩm nguyên chất - mà không cần lo lắng về lượng calo trong thức ăn hoặc hạn chế khẩu phần, sẽ giảm được một lượng cân nặng đáng kể trong vòng một năm.

Nghiên cứu mới: Muốn giảm cân mà chỉ ăn ít đi là sai lầm, đây mới là cách giảm cân đúng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Phương pháp này có hiệu quả đối với tất cả mọi người dù họ tuân theo chế độ ăn kiêng chứa lượng chất béo thấp hoặc ít carbohydrate. Và hiệu quả của chúng dường như không bị ảnh hưởng bởi gen hoặc khả năng đáp ứng insulin khi ăn carbohydrate ở từng người.

Phát hiện này đặt một dấu hỏi về ý tưởng đang ngày càng trở nên phổ biến cho rằng việc áp dụng chế độ ăn trên từng người cần phải dựa trên đặc điểm gen hoặc khả năng dung nạp carbohydrate hoặc chất béo ở mỗi người.

Kết quả nghiên cứu cũng ủng hộ mạnh mẽ quan điểm cho rằng, chất lượng chứ không phải số lượng trong mỗi khẩu phần ăn mới là yếu tố giúp giảm cân và kiểm soát cân nặng một cách dễ dàng về lâu dài.

Các nhà khoa học cho rằng các cơ quan y tế nên thay đổi cách nói với công chúng để khuyến khích họ tránh các thực phẩm chế biến được làm từ tinh bột, có nhiều đường, như bánh mì, cơm, và các đồ ăn nhanh cũng như các loại đồ uống có ga.

Tiến sĩ Dariush Mozaffarian, một chuyên gia về tim mạch và hiệu trưởng trường Friedman về Khoa học và Chính sách Dinh dưỡng tại Đại học Tufts (the Friedman School of Nutrition Science and Policy at Tufts University), cho rằng: "Đây là con đường đúng đắn để giảm vấn nạn béo phì ở Mỹ".

Nghiên cứu mới được công bố trong tạp chí JAMA, dưới sự dẫn dắt của tiến sĩ Christopher D. Gardner, giám đốc nghiên cứu dinh dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu Phòng chống Dịch bệnh Stanford (the Stanford Prevention Research Center).

Đây là một thử nghiệm lớn và tốn kém, được thực hiện trên hơn 600 người với 8 triệu đô la được tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (the National Institutes of Health), Sáng kiến Khoa học Dinh dưỡng (the Nutrition Science Initiative) và các nhóm khác.

Tiến sĩ Gardner và các cộng sự thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích để so sánh những người thừa cân và béo phì đang dùng chế độ ăn ít carbohydrate và chất béo thấp. Nhưng họ cũng muốn kiểm tra giả thuyết cho rằng một số người có xu hướng ăn kiêng tốt hơn người khác tùy thuộc vào gen và khả năng chuyển hóa carbohydrate và chất béo.

Qua đó xuất hiện ngày càng nhiều các dịch vụ ăn kiêng dựa trên quan điểm này, cung cấp cho khách hàng những lời khuyên dinh dưỡng được thiết kế phù hợp với kiểu gen của họ.

Các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn những người trưởng thành từ Vùng Vịnh và phân chia thành hai nhóm ăn kiêng, được gọi là nhóm "ít carbohydrate" và nhóm "ít chất béo".

Các thành viên của cả hai nhóm đã tham dự các lớp học với chuyên gia dinh dưỡng, nơi họ đã được hướng dẫn ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng, ít thức ăn chế biến sẵn, có thể nấu nướng ở nhà bất cứ khi nào.

Các loại nước giải khát, nước trái cây, cơm gạo và bánh mì đều có hàm lượng chất béo thấp, nhưng những người thuộc nhóm "ít chất béo" đều được hướng dẫn để không ăn các loại thức ăn này.

Thay vào đó, họ ăn những thực phẩm như gạo nâu, lúa mạch, yến mạch, đậu lăng, thịt nạc, các sản phẩm sữa ít chất béo, trái cây tươi và các loại đậu.

Bên cạnh đó, nhóm "ít carbohydrate" được hướng dẫn để lựa chọn các loại thực phẩm bổ dưỡng như dầu ô liu, cá hồi, bơ, pho mát cứng, rau, các loại hạt, đậu.

"Những người tham gia nghiên cứu được khuyến khích để tuân theo những hướng dẫn quốc gia về hoạt động thể chất cơ bản. Nhưng nhìn chung không tăng mức độ tập thể dục của họ", tiến sĩ Gardner cho biết.

Trong các lớp học với các chuyên gia dinh dưỡng, hầu hết thời gian là dành cho việc thảo luận về cách lựa chọn thực phẩm cho mỗi bữa ăn và những hành vi nhằm hỗ trợ thay đổi chế độ ăn uống của họ.

Nghiên cứu mới này khác với nhiều thử nghiệm giảm cân trước đó vì nó không đặt mức carbohydrate, chất béo hoặc calo giới hạn ở mỗi người.

Đặc biệt các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng họ tập trung toàn bộ vào các thực phẩm trong mỗi bữa ăn - đủ để đáp ứng nhu cầu mỗi ngày để tránh cảm giác đói ở những người đang mong muốn giảm cân.

Tiến sĩ Gardner chia sẻ: "Điều đặc biệt là chúng tôi không bao giờ đặt ra những con số để bắt họ phải tuân theo".

Tất nhiên, nhiều người ăn kiêng có thể sẽ quay trở lại chế độ ăn cũ, và nghiên cứu này không thể xác định được liệu những người tham gia nghiên cứu có thể duy trì các thói quen mới của họ trong thời gian dài hay không.

Một người tham gia nghiên cứu trung bình có thể giảm đi một khối lượng đáng kể, con số này cũng có sự khác biệt rất lớn ở cả hai nhóm. Một số người lại tăng cân, một số thì giảm đi khoảng 50 đến 60 pounds.

Tiến sĩ Gardner nói rằng những người giảm cân được nhiều nhất phản hồi rằng nghiên cứu đã "thay đổi quan điểm của họ với thực phẩm." Họ không còn ăn trong xe hơi hoặc trước màn hình vô tuyến. Trái lại, họ đã bắt đầu nấu ăn ở nhà nhiều hơn và cùng ăn bữa tối với gia đình.

Tiến sĩ Gardner nói: "Chúng tôi thực sự đã nhấn mạnh rất nhiều với cả hai nhóm rằng chúng tôi muốn họ ăn các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng hợp lý. Chúng tôi muốn họ giảm thiểu đường, ngũ cốc và ăn nhiều rau hơn."

Tiến sĩ Gardner cho biết nhiều người trong nghiên cứu đã rất ngạc nhiên rằng họ không phải hạn chế hoặc thậm chí không cần phải nghĩ đến lượng calo trong mỗi bữa ăn.

"Một vài tuần sau nghiên cứu, mọi người hỏi khi nào chúng tôi sẽ nói cho họ biết rằng họ phải cắt giảm bao nhiêu lượng calo?", Tiến sĩ Gardner cho biết. "Sau vài tháng, họ cám ơn chúng tôi và nói rằng đáng lẽ họ phải làm những việc này từ rất lâu rồi mới phải."

Việc đếm calorie từ lâu đã ăn sâu vào những lời khuyên về dinh dưỡng và giảm cân. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (The Centers for Disease Control and Prevention) khuyên những người đang giảm cân:

"Cố gắng ghi lại các loại thực phẩm bạn ăn và đồ uống cùng với lượng calo trong mỗi ngày", trong khi cố gắng hạn chế lượng calo ăn vào và tăng cường đốt cháy càng nhiều calo càng tốt thông qua các hoạt động thể chất.

"Kiểm soát tốt cân nặng là đảm bảo việc cân bằng lượng calo mà bạn ăn vào với lượng calo được đốt cháy thông qua các hoạt động của cơ thể". Đại diện cơ quan này cho biết.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy rằng sau một năm tập trung vào giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, chứ không phải lượng calo, hai nhóm nghiên cứu này đã giảm đi một lượng cân nặng đáng kể.

Nghiên cứu mới: Muốn giảm cân mà chỉ ăn ít đi là sai lầm, đây mới là cách giảm cân đúng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trung bình, các thành viên của nhóm "ít carbohydrate" giảm đi 13 pound, trong khi những người trong nhóm "ít chất béo" giảm đi khoảng 11,7 pound. Cả hai nhóm đều có những cải thiện về các chỉ số sức khoẻ như giảm kích thước vòng eo, mỡ cơ thể, lượng đường trong máu và huyết áp.

Các nhà nghiên cứu cũng đã lấy mẫu DNA từ mỗi người tham gia nghiên cứu và phân tích các nhóm các biến thể di truyền, cũng như tìm hiểu về ảnh hưởng của gen đến sự trao đổi chất béo và carbohydrate. Kết quả cuối cùng cho thấy rằng các kiểu gen ở mỗi người dường như không ảnh hưởng đến sự thay đổi tích cực của họ khi điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý.

Các nhà nghiên cứu cũng cân nhắc liệu những người tiết ra lượng insulin cao hơn trong phản ứng dung nạp carbohydrate của cơ thể - tùy theo mức độ đề kháng insulin (càng đề kháng thì cơ thể càng tiết ra nhiều insulin hơn, cơ chế gặp ở những người bị đái tháo đường type 2) - có kết quả tích cực hơn khi áp dụng chế độ ăn chứa carbohydrate thấp hay không?

Kết quả thật đáng kinh ngạc, hầu hết những người này đều không có kết quả tốt hơn những người bình thường khác, Tiến sĩ Gardner nói.

Ông nói thêm: "Thật là tuyệt vời khi nói rằng chúng tôi có một thử nghiệm lâm sàng đơn giản để chỉ ra liệu bạn có bị đề kháng insulin hay không và liệu bạn nên ăn nhiều hay ít carbohydrate."

Tiến sĩ Walter Willett, Chủ nhiệm khoa dinh dưỡng thuộc Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan (the nutrition department at the Harvard T. H. Chan School of Public Health), cho biết nghiên cứu này có thể không có những phương pháp "y học chính xác" nhằm hỗ trợ trong việc tiếp cận và quản lý dinh dưỡng.

Chúng ta còn cần thêm một số nghiên cứu trong tương lai để xem xét về nhiều mặt yếu tố di truyền khác có thể có vai trò đáng kể. Ông nói rằng thông điệp quan trọng nhất của nghiên cứu là "chế độ ăn uống có dinh dưỡng hợp lý" đóng vai trò rất quan trong trong việc giảm cân hiệu quả.

Nghiên cứu mới: Muốn giảm cân mà chỉ ăn ít đi là sai lầm, đây mới là cách giảm cân đúng - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Đặc biệt là còn bổ sung cho các nghiên cứu khác, trong đó có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng ăn các loại chất béo lành mạnh và carbohydrate có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim, tiểu đường và các bệnh khác.

"Điểm mấu chốt là chất lượng chế độ ăn kiêng rất quan trọng cho việc kiểm soát cân nặng và lâu dài", ông nói.

Tiến sĩ Gardner cho rằng không phải lượng calo ăn vào không quan trọng. Thật ra, cả hai nhóm nghiên cứu đều đã tiêu thụ một calo ít hơn mức trung bình, mặc dù họ có thể đã không ý thức về việc đó.

Vấn đề là họ đã làm được điều này bằng cách tập trung vào các thực phẩm chứa các thành phần dinh dưỡng hợp lý, và không cần thiết phải nhịn ăn một cách cực khổ như lẽ thông thường.

Ông nói: "Tôi nghĩ rằng sai lầm ở các quan điểm cũ là bắt buộc những người muốn giảm cân tính toán bao nhiêu calo họ ăn vào và sau đó yêu cầu họ cắt giảm 500 calo hoặc hơn, điều này khiến họ trở nên rất khó khăn trong việc giảm cân."

"Chúng ta chỉ cần thực sự tập trung vào chất lượng chế độ ăn kiêng cơ bản, bao gồm rau xanh, ít đường và ngũ cốc."

*Theo Nytimes

Xem thêm:

Bài tập giảm cân sau Tết

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại