Nga nâng cấp bộ ba hạt nhân chiến lược

TUẤN SƠN |

Việc Mỹ rút khỏi INF hay NATO mở rộng triển khai thành phần lá chắn tên lửa tại Đông Âu đang đe dọa tới an ninh chiến lược của Nga. Chính vì điều này, dù sẵn sàng đàm phán với Mỹ về khả năng mở rộng hoặc ký mới Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới, Moscow cũng đang tăng cường tiềm lực răn đe chiến lược với kế hoạch tái sắp xếp và nâng cấp bộ ba hạt nhân hiện có.

Dự kiến, việc tái trang bị bộ ba hạt nhân của Nga sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2020. Khả năng răn đe hạt nhân của Nga sẽ có bước tiến mới để đảm bảo nhiệm vụ phòng thủ đất nước và bảo vệ đồng minh trước các mối đe dọa tiềm tàng mới trong tương lai.

"Thay máu" lực lượng hạt nhân trên bộ

Là lực lượng vũ khí chiến lược đầu tiên trong bộ ba hạt nhân của Nga được hiện đại hóa từ đầu những năm 2000 để đảm bảo cân bằng chiến lược, khi Washington bắt đầu chiến dịch chống khủng bố toàn cầu và triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu.

Dù Mỹ và NATO tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhằm vào Iran và Triều Tiên, nhưng Moscow đã nhận rõ sự ảnh hưởng của hệ thống này tới an ninh quốc gia và tái khởi động hàng loạt chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mới.

Nga nâng cấp bộ ba hạt nhân chiến lược - Ảnh 1.

Được tái trang bị hàng loạt dòng ICBM thế hệ mới đã giúp năng lực răn đe hạt nhân trên bộ của Nga được đảm bảo dù số lượng và quy mô các đơn vị được cắt giảm theo START.

Những nỗ lực của Nga sớm có kết quả vào năm 2010 với sự ra mắt của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ mới RS-24 Yars. Với khả năng mang theo 6 đầu đạn có sức công phá 300 Kilotone, tự cơ động quỹ đạo, RS-24 Yars đã khiến chiến lược phát triển lá chắn tên lửa của Mỹ trở nên tốn kém vô ích.

Tương tự như Topol-M, RS-24 Yars có tầm bắn tới 12.000km (tương đương đường kính Trái Đất), đã được triển khai cho nhiều Trung đoàn Tên lửa chiến lược Nga trên khắp lãnh thổ. Giới chuyên gia đánh giá, trong nhiều thập niên tới, Topol-M và RS-24 Yars sẽ là xương sống của hệ thống răn đe hạt nhân trên bộ của Nga.

Cùng với ICBM mới, Lực lượng Tên lửa chiến lược (SMF) của Nga cũng tăng cường khả năng chống phá hoại và đột kích nhằm vào các đơn vị tên lửa chiến lược với các đơn vị bảo vệ đặc biệt được trang bị đặc chủng.

Sự xuất hiện của các đơn vị xe chiến đấu đặc biệt Typhoon-M và robot chiến đấu chính là dành cho nhiệm vụ này. Chúng được thiết kế để phát hiện các mục tiêu cỡ người lính ở khoảng cách 3km và phương tiện chiến đấu ở cách xa 6km để lên phương án bảo vệ tốt nhất cho các phương tiện phóng chiến lược.

Cùng với các ICBM nhiên liệu rắn tấn công phủ đầu, nắm đấm chủ lực của SMF cũng được nâng cấp với thế hệ ICBM nhiên liệu lỏng RS-28 Sarmat. Dòng ICBM giếng phóng này với tầm bắn 11.000km có thể mang theo 10 đầu đạn tự cơ động quỹ đạo 350 Kilotone hoặc ít đầu đạn hơn, nhưng kết hợp với số lượng lớn mồi bẫy để làm hệ thống phòng thủ đối phương quá tải.

Giới chuyên gia đánh giá, RS-28 Sarmat chính là câu trả lời của Nga với hệ thống phòng thủ tên lửa và chiến lược Tấn công nhanh toàn cầu của Mỹ. Tới năm 2021, RS-28 Sarmat sẽ được triển khai để thay thế dần các đơn vị ICBM R-36M2 Voevoda và RS-18A Stilet duy trì từ thời Liên Xô.

Kết hợp cùng với RS-28 Sarmat, trong tương lai SMF Nga còn được trang bị các thiết bị lượn siêu vượt âm tự hành Avangard. Tốc độ bay tới Mach 20, tự cơ động quỹ đạo và mang theo nhiều đầu đạn khác nhau, Avangard là phương tiện tấn công gần như không thể ngăn chặn.

Bộ đôi “Borey+Bulava” đảm bảo sức mạnh trên biển

Nền tảng của khả năng răn đe hạt nhân trên biển của Nga trong thời gian tới chính là sự kết hợp giữa tên lửa R-30 Bulava và tàu ngầm chiến lược thế hệ mới Borey/Borey-M. Hải quân Nga đang có kế hoạch đóng tới 13 tàu ngầm Borey (2 chiếc đã được trang bị). Tới năm 2011, ít nhất sẽ có 7 tàu ngầm Borey trang bị tên lửa Bulava có mặt trên các đại dương.

Nga nâng cấp bộ ba hạt nhân chiến lược - Ảnh 2.

Tên lửa Bulava và tàu ngầm lớp Borey sẽ là thành phần chính của năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Nga.

Giống như ICBM Yars, Sarmat, R-30 Bulava có thể mang theo tới 6 đầu đạn tự cơ động quỹ đạo hay 10-40 thiết bị mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ của đối phương. Khả năng này giúp Bulava trở thành tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có một không hai trên thế giới.

Tàu ngầm Borey/Borey-M sẽ thay thế các tàu ngầm lớp Akula (tên mã NATO: Typhoon) có trong trang bị Hải quân Liên Xô từ những năm 1980.

Cùng với đó, trong tương lai, năng lực răn đe chiến lược của Hải quân Nga còn được tăng cường với thiết bị lặn tự hành Poseidon (Status-6) với đầu đạn có sức công phá tới 10 Megatone. Lầu Năm góc coi Poseidon là mối đe dọa nguy hiểm đối với các hạm tàu sân bay, cơ sở quân sự ven biển của Mỹ.

Duy trì năng lực răn đe của lực lượng không quân chiến lược

Đóng vai trò như cánh tay nối dài của SMF, các đơn vị không quân chiến lược Nga vẫn được nâng cấp đều đặn. Sức mạnh chủ yếu của không quân chiến lược Nga là máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS.

Trong các gói nâng cấp mới nhất, máy bay Tu-160 được trang bị động cơ mới mạnh mẽ hơn, cũng như tên lửa hành trình Kh-102 mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn tới 5.200km.

Nga nâng cấp bộ ba hạt nhân chiến lược - Ảnh 4.

Khi được giới thiệu, Kinzhal đã trở thành vũ khí siêu vượt âm hàng không có một không hai trên thế giới.

Trong khi đó, máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 được trang bị bổ sung thêm tên lửa hành trình siêu thanh Kh-32 với tầm bắn tới 1.000km.

Điểm nhấn mới của không quân chiến lược Nga chính là việc đưa vào trang bị tên lửa siêu vượt âm mới Kinzhal. Dòng tên lửa mới với tốc bay tới Mach 10 và tầm bắn 2.000km kết hợp với máy bay ném bom Tu-22M3 giúp tạo ra vũ khí tấn công liên lục địa mới không thể ngăn chặn. Hiện tại, tên lửa Kinzhal đang được trang bị trên máy bay tiêm kích Mig-31.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại