Nga nắm Syria và Địa Trung Hải, đuổi Mỹ khỏi Trung Đông

Thiên Nam |

Việc mở căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartous có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc khôi phục ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông.

Quan chức Nga nói về vai trò quan trọng của cảng Tartous

Nga đã phục hồi vị thế bị mất của mình ở khu vực Trung Đông, sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Hiện nay, Nga đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ trong tương lai ở Trung Đông bằng cách triển khai căn cứ không quân ở Hemymim và mở rộng các cơ sở hải quân tại cảng Tartus của Syria,

Đây là tuyên bố chính thức của một quan chức quốc hội Nga là ông Andrey Krasov, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) với hãng thông tấn TASS.

Hồi tháng 10 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh ký hai thỏa thuận với Syria về việc mở rộng lãnh thổ các căn cứ hải quân của Nga tại thành phố cảng Tartus của Syria và việc triển khai không thời hạn nhóm không quân của lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) ở Syria.

Ông giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng Nga để đàm phán với phía Syria cùng với Bộ Ngoại giao Nga và ký tên vào tài liệu đại diện cho nước Nga. Theo đó, trạm hậu cần-kỹ thuật của hải quân Nga ở Tartous (Tartus) sẽ được nâng cấp thành căn cứ tác chiến hải quân.

Trước đây, do Tartus chỉ là trạm hậu cần-kỹ thuật nên các tàu chiến Nga không thể neo đậu ở đây, do đó, Hạm đội Biển Đen thường xuyên phải thay quân. Tàu chiến của Hạm đội biển Đen Nga ra vào Địa Trung Hải đều phải thông qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các hoạt động tiếp tế, vận chuyển vũ khí trang bị cho cảng Tartus và thay quân cho nhóm tàu Địa Trung Hải đều phải thông qua eo biển này. Nga chỉ có một tàu sân bay Kuznetsov nên không thể triển khai hoạt động thường xuyên ở Địa Trung Hải bởi không có cảng đứng chân.

Có được căn cứ hải quân tác chiến ở Tartus, Nga có thể điều động một nhóm lớn tàu thuyền và cả tàu sân bay thường trực ở đây, đồng thời tập trung lượng lớn vũ khí, trang bị, hàng hóa nên không còn phải băn khoăn về việc một mai eo biển Bosphorus bị "khóa chết".

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đang căng thẳng cực độ, nhất là nếu Lầu Năm Góc có ý định tấn công quân sự phủ đầu Syria, eo biển yết hầu này có thể bị NATO phong tỏa ngay lập tức.

Khi đó, Hạm đội Biển Đen của Nga sẽ bị nhốt chặt, không thể chi viện lực lượng, phương tiện và hậu cần cho biên đội tàu Nga ở Địa Trung Hải và Syria. Do đó, việc có một lực lượng không/hải quân đồn trú ở Địa Trung Hải là điều quan trọng lâu dài nhưng cũng mang tính cấp bách trước mắt.

Vị quan chức quốc hội Nga nhắc nhở rằng, Syria đã luôn là đối tác chiến lược của Liên Xô trước đây và hiện nay là Nga. "Nga cần căn cứ Tartous để có mặt tại khu vực này và không giống như NATO, Liên bang Nga có mặt ở đây là để bảo đảm an ninh trên thế giới" - ông Krasov nói.

Ông nhấn mạnh, ở Syria, Nga đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng hành động. Cả VKS và nhóm Hải quân Nga đã chứng minh sự chuyên nghiệp và trình độ chuyên môn cao trong việc hỗ trợ Quân đội Syria, chống các ổ nhóm khủng bố.

"Vào những năm 1990, khi chúng tôi không còn hiện diện quân sự trên thế giới và lần lượt đóng cửa các căn cứ quân sự Nga ở Cam Ranh (Việt Nam) hoặc ở Cuba, đã không ai quan tâm về điều này, thậm chí các nước phương Tây đều vỗ tay tán thưởng" - Krasov nói.

Vị quan chức Duma Quốc gia cho biết, hiện Moscow đang rất lo lắng về việc NATO đang đến gần biên giới của đất nước. Nhưng bằng những hành động này, Nga đang quay trở lại các vị trí bị mất đi trước đó, và bắt đầu bằng sự hiện diện quân sự tại Syria và khu vực Trung Đông.

Nga hiện diện ở Hmeymim và Tartous, đánh bại ảnh hưởng của Mỹ

Ngày 10/10, người đứng đầu bộ phận thông tin thuộc Vụ chính trị của quân đội Syria là tướng Samir Suleiman cho biết, việc thành lập căn cứ hải quân thường trực của Nga tại Tartus là đúng đắn, xuất phát từ việc các tổ chức khủng bố đang được các thế lực ngoại bang tăng cường hỗ trợ.

Vị tướng Syria nhấn mạnh, sự hỗ trợ những kẻ khủng bố của các thế lực nước ngoài đang ngày càng gia tăng, cho phép chúng có khả năng tiếp tục leo thang chiến tranh lâu dài. Do đó, việc duy trì lực lượng quân thường trực Nga ở Syria đã trở thành yêu cầu cấp bách.

Để chống lại khủng bố và các thế lực hỗ trợ chúng ở trong và ngoài khu vực, cần thiết phải tăng cường mức độ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là việc thành lập căn cứ quân sự Nga ở Syria, gồm cả căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeymim - vị tướng Syria nhấn mạnh.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng cho rằng, sự hiện diện của Nga tại cảng Tartus, ở phía Đông Địa Trung Hải và cả những khu vực khác nhau trên thế giới, là điều cần thiết để duy trì trạng thái cân bằng Nga-NATO, đã bị suy yếu sau sự sụp đổ của Liên Xô hơn 20 năm trước đây.

Hiện nay, Nga chỉ có đồng minh duy nhất là Syria, và cũng là nước duy nhất mà Nga có căn cứ quân sự ở khu vực Trung Đông. Sự tồn tại của Syria là điều mang tính biểu tượng đối với Moscow, vận mệnh của chính quyền Assda và sự tồn tại căn cứ quân sự của Nga có mối quan hệ biện chứng với nhau.

Để giữ vững chính quyền Syria, trước hết Nga phải hiện diện quân sự đầy đủ và mạnh mẽ ở đây và ngược lại, để những căn cứ này được bảo đảm tương lai vững chắc, Nga phải bảo vệ được chính quyền Assad.

Bởi vậy, việc lập những căn cứ không quân và hải quân ở Syria nhằm nắm chắc Trung Đông, phế bỏ ảnh hưởng của Mỹ chính là mục tiêu tối quan trọng mà Nga phải đạt được, ngay từ khi hoạch định kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria.

Nga nắm Syria và Địa Trung Hải, đuổi Mỹ khỏi Trung Đông  - Ảnh 1.

Việc lập các căn cứ quân sự ở Syria khiến Nga khống chế được Trung Đông và Địa Trung Hải

Ngoài căn cứ hải quân Tartus, Quốc hội Nga cũng đã phê chuẩn Hiệp định do Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình về việc triển khai vô thời hạn cụm không quân, thuộc lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga ở sân bay Hmeymim.

Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi tỉnh Latakia có vị trí địa-quân sự mang tính chiến lược, bởi phía tây giáp Địa Trung Hải, phía Bắc giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, phía nam giáp biên giới Lebanon, phía Đông Bắc giáp tỉnh Idlid, phía Đông giáp tỉnh Hama, phía Đông Nam giáp tỉnh Homs.

Việc xây dựng được cả căn cứ không quân và hải quân ở ven bờ Địa Trung Hải, Nga có thể thành lập một hạm đội hải quân và cụm không quân mạnh, với đầy đủ máy bay và tàu chiến, đủ khả năng đối phó với bất cứ thách thức nào từ lực lượng quân sự Mỹ-NATO.

Với việc lập hai căn cứ quân sự trọng yếu bên bờ biển Địa Trung Hải, quân đội Nga đang tiến dần đến việc hiện diện quân sự vĩnh viễn ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung, mặc dù trên danh nghĩa, điều này được gọi là "hiện diện vô thời hạn" hay "hiện diện thường trực".

Sự hiện diện vĩnh viễn của không quân/hải quân Nga không chỉ đơn thuần là sự trợ giúp quý báu đối với đất nước Syria mà nó còn là sự bảo đảm an ninh cho khu vực Biển Đen của Nga, đồng thời có vai trò rất quan trọng đối với hòa bình ở khu vực Trung Đông và vùng biển Địa Trung Hải.

Ngoài ra, sự hiện diện quân sự vững chắc ở Syria sẽ là điểm tựa cho cả đồng minh Iran cũng đang nằm trong vòng cương tỏa của Washington và đồng minh, đồng thời giúp thắt chặt quan hệ của Nga với các đối tác quan trọng ở Trung Đông-Bắc Phi như là Iraq, Lebanon hay Ai Cập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại