Nga lên tiếng về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus

Minh Hạnh |

Đầu tháng 12, Nga đưa ra một loạt đề xuất an ninh với phương Tây nhằm mục đích giảm căng thẳng. Trong đó, Mátxcơva đề xuất Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết không triển khai vũ khí hạt nhân ở Đông Âu, đặc biệt là Ukraine.

Tổng thống Belarus - Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga -Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Tổng thống Belarus - Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga -Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Phát biểu ngày 21/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết Mátxcơva sẽ xem xét tất cả các lựa chọn - bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus - nếu NATO từ chối thảo luận về các đề xuất an ninh.

Ông Rudenko cũng nhấn mạnh việc Mỹ đưa quân đến Ukraine sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng. Mátxcơva hy vọng Washington hiểu được hậu quả nghiêm trọng của việc này, thứ trưởng nói.

“Chúng tôi tin rằng những động thái như vậy sẽ chỉ dẫn đến sự leo thang hơn nữa tình hình xung quanh Ukraine và trong mối quan hệ của chúng tôi với phương Tây nói chung, bao gồm cả Mỹ" - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko.

Hồi cuối tháng 11, Tổng thống Lukashenko đã mời Nga triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus nếu Mỹ đưa bom nguyên tử đến Đông Âu. “Tôi đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa vũ khí hạt nhân trở lại Belarus”, ông Lukashenko nói.

Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ (năm 1991), Belarus đã tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và tự nguyện từ bỏ một phần kho vũ khí mà nước này nắm giữ. Số vũ khí hạt nhân còn lại được đưa trở lại Nga vào cuối năm 1996.

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Belarus - Vladimir Makei một lần nữa nhắc lại đề xuất này, và tuyên bố Minsk sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân Nga để đối phó với sự gia tăng hiện diện của NATO ở các nước láng giềng, đặc biệt là Ba Lan.

Các đề xuất an ninh

Ngày 17/12, các quan chức Nga chia sẻ công khai bản dự thảo đề xuất an ninh mà nước này đã gửi cho Washington và NATO.

Trong đó, Nga yêu cầu sự bảo đảm có tính ràng buộc rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông, bao gồm kết nạp Ukraine và các nước khác. Mátxcơva cũng yêu cầu khối quân sự loại bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu, rút các tiểu đoàn đa quốc gia khỏi Ba Lan và các nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania.

Trong khi một số quốc gia như Na Uy và Thuỵ Điển cho rằng các đề xuất an ninh này “hoàn toàn phi thực tế và không thể chấp nhận được”, thì những quốc gia khác - như Trung Quốc - lại hoan nghênh động thái của Nga và coi đây là một cách hiệu quả để làm giảm nguy cơ xung đột.

Về phần mình, Mátxcơva cho rằng bản đề xuất sẽ giúp tăng cường an ninh cho tất cả các bên liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại