Tập đoàn Rostec tuần trước cho biết, Nga đã bắt đầu phát triển MiG-41, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm thay thế tiêm kích MiG-31 trong biên chế.
Tuy nhiên, giữa một loạt các dự án hàng không quân sự khác đang được tiến hành, các chuyên gia đang đặt câu hỏi liệu ngành công nghiệp của Nga có đủ nguồn lực để sản xuất loại máy bay này kịp thời hạn cuối năm 2030 hay không.
“Máy bay nhanh hơn tên lửa”
Phi đội MiG-31 đi vào hoạt động từ năm 1980 trong Lực lượng vũ trang Liên Xô và được nâng cấp vào năm 1990 để trở thành MiG-31BM. MiG-41, ban đầu được phát triển bởi công ty con United Aircraft Corporation (UAC) của Rostec, từ lâu đã được kỳ vọng sẽ thay thế các máy bay đời cũ.
Công việc chế tạo chiếc máy bay mới bắt đầu vào năm 2010 tại phòng thiết kế Mikoyan của UAC và nhà máy sản xuất hàng không Sokol, có trụ sở tại Nizhny Novgorod, cách Moscow khoảng sáu giờ lái xe.
Theo các bản tin Nga, MiG-41 sẽ được trang bị công nghệ tàng hình, đạt tốc độ Mach 4-4,3, mang tên lửa chống vệ tinh và có thể thực hiện các nhiệm vụ ở Bắc Cực và môi trường cận không gian.
Tờ Izvestia còn ca ngợi MiG-41 sẽ trở thành máy bay đánh chặn tên lửa siêu vượt âm khi được trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn tầm xa đa chức năng, trang bị một số tên lửa phụ.
Để trở thành một máy bay đánh chặn đáng gờm, MiG-41 sẽ cần phải có tốc độ cực cao và khả năng bay ở độ cao cực lớn để có thể vô hiệu hóa các mục tiêu có tốc độ và độ cao tương tự của đối thủ.
Điều đó cũng sẽ đòi hỏi vũ khí mới và hệ thống radar trên máy bay được nâng cấp. Nhiều tờ báo ca ngợi MiG-41 là chiếc máy bay đáng gờm với tốc độ bay nhanh hơn cả tên lửa.
Không có nhiều thông tin về các loại vũ khí mà MiG-41 sẽ mang theo, nhưng theo người đứng đầu Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga nói với báo chí, máy bay chiến đấu này sẽ mang tên lửa không đối không tầm xa R-37, cũng như các mẫu tên lửa mới.
MiG-31.
Nếu được đưa vào biên chế, MiG-41 sẽ là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của nước này sau Su-57, mẫu được phát triển bởi công ty con Sukhoi của UAC và bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2010.
Máy bay Su-57 từng gặp nạn trong một chuyến bay thử nghiệm vào tháng 12/2019. Phi công đã sống sót và rời máy bay nhờ ghế phóng.
Nói với tờ Vedomosti vào thời điểm đó, các quan chức quốc phòng cho rằng những sai sót kỹ thuật trong hệ thống điều khiển có thể đã gây ra vụ tai nạn. Một ủy ban đã được thành lập để điều tra vụ tai nạn, nhưng không có báo cáo công khai nào được đưa ra.
Cùng năm đó, quân đội Nga đã mua 76 máy bay Su-57. Tờ Izvestia dẫn nguồn tin quốc phòng cho biết, chi phí cho một chiếc Su-57 có thể vào khoảng 3 tỷ rúp (40 triệu USD). Máy bay được trang bị động cơ AL-41F1, cũng được sử dụng trên máy bay tiêm kích đa năng Su-35. Tuy nhiên, Cục Thiết kế Lyulka hiện đang phát triển một động cơ mới cho Su-57.
Hoài nghi về MiG-41
Theo Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, trọng tâm hàng đầu của ngành công nghiệp quốc phòng Nga hiện nay là phát triển động cơ mới cho Su-57. Ông giải thích rằng nỗ lực này sẽ lấy đi nhiều nguồn lực cần thiết cho chiếc máy bay mới.
Một nhà phân tích ở London cũng đồng tình với những lo ngại của Pukhov, bày tỏ sự hoài nghi rằng Nga “có thể phát triển, sản xuất và đưa vào phục vụ máy bay MiG-41 trong bất kỳ khung thời gian nào như đã định”.
Douglas Barrie, chuyên gia về hàng không vũ trụ quân sự của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết lĩnh vực hàng không vũ trụ của Nga đã cam kết thực hiện nhiều dự án, bao gồm phát triển thêm Su-75, nâng cấp Su-34 và hiện đại hóa nhiều loại máy bay ném bom khác nhau như Tu-160 Blackjack, Tu-22M Backfire và Tu-95.
“Một số người cho rằng ngành công nghiệp của Nga đã có quá nhiều việc để không cần thiết phải bổ sung thêm một dự án phức tạp như máy bay đánh chặn hạng nặng mới. Cùng với đó là câu hỏi liệu có mức tài trợ thực tế nào cho một chương trình như vậy hay không”, ông nói.
Tờ Defense News đã liên hệ với Russian Aircraft Corporation, một công ty con của UAC tham gia vào dự án MiG-41, nhưng hãng này từ chối bình luận về sự phát triển của máy bay mới.
Về phần mình, Pukhov cho rằng Nga nên từ bỏ các dự án tốn kém và thay vào đó là sử dũng quỹ thích hợp để phát triển máy bay không người lái. “Đây là lĩnh vực mà Nga vẫn đang ở phía sau”, ông nói.
Chuyên gia nhấn mạnh thêm rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ muốn hợp tác chế tạo MiG-41. Nhưng chuyên gia Barrie đặt câu hỏi về tiềm năng xuất khẩu của MiG-41, nói rằng những máy bay tương tự đang được chế tạo ở những quốc gia khác đang tăng lên nhanh chóng.
“Ngay cả khi một chiếc máy bay như vậy cuối cùng được phát triển, thì sợ rằng nó lại giống số phận của MiG-31BM Foxhound C – vốn có khả năng xuất khẩu rất hạn chế”.