Nếu xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Thổ Nhĩ Kỳ chọn "bạn" Nga và đồng minh NATO?

Quốc Vinh |

Trong trường hợp bùng nổ xung đột, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có gửi quân đội để chiến đấu với Nga trong khi nước này đang hợp tác chặt chẽ với Moscow ở Syria hay không?

Không chịu nhượng bộ

Căng thẳng một lần nữa bùng phát giữa Nga và Ukraine, lần này là trên biển. Vào ngày 25/11, hải quân Nga đã bắt giữ 3 tàu Ukraine ở bán đảo Crimea trong hành trình từ Odessa đến cảng Mariupol ở biển Azov.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga cho biết các tàu hải quân Ukraine đã xâm nhập lãnh hải Nga và lực lượng nước này đã buộc phải nổ súng bắt giữ khi đối phương không tuân thủ yêu cầu dừng lại.

Vào ngày 26/11, Quốc hội Ukraine đã ủng hộ sáng kiến ​​của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trong việc áp đặt luật thiết quân luật ở 10 vùng phía Đông của đất nước sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển Nga bắt giữ 3 tàu Ukraine đi qua eo biển Kerch.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng vụ việc ở eo biển Kerch là một sự khiêu khích được chuẩn bị trước như một cái cớ để ban bố tình trạng thiết quân luật ở Ukraine.

Tuy nhiên, phía Kiev lại phản bác tuyên bố trên, nói rằng hành vi của 3 tàu nước này là "không sai", cáo buộc Moscow cản trở và bắt tàu trái phép. Cùng thời điểm, các nước NATO đã lên tiếng ủng hộ Ukraine nhưng vẫn chưa đưa ra phản ứng hỗ trợ cụ thể nào.

Hiện tại, tranh cãi đúng sai giữa hai nước vẫn chưa ngã ngũ khi Nga và Ukraine đều đưa ra những lý lẽ bảo vệ cho quan điểm của mình trong vụ việc căng thẳng.

Theo Arab News, trên thực tế Nga đã sáp nhập Crimea như một lãnh thổ chính thức của mình vào năm 2014, vì vậy Moscow được cho là có quyền ngăn chặn sự xâm nhập của các tàu nước ngoài vào lãnh hải.

Theo tuyên bố của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), Ukraine đã thông báo cho phía Nga trước đó rằng các tàu của họ sẽ vượt qua eo biển Kerch trên đường đến Mariupol. Trong bối cảnh trên, rõ ràng là xung đột bắt nguồn từ sự quyết đoán của cả hai bên trong việc giữ vững lập trường của mình.

Theo một hiệp ước năm 2003 giữa Moscow và Kiev, eo biển Kerch và biển Azov là vùng lãnh hải chung. Các cảng Mariupol và Berdyansk ở biển Azov có vị trí trọng điểm để xuất khẩu các sản phẩm ngũ cốc và luyện kim của Ukraine, cũng như nhập khẩu than.

Tuy nhiên, trong tuyên bố của Nga, việc quá cảnh qua eo biển Kerch phải được thực hiện theo các quy tắc chung của luật pháp quốc tế.

Theo đó, các tàu nước ngoài được phép đi qua lãnh hải của một quốc gia ven biển, nhưng quốc gia ven biển đó có quyền dừng tàu, kiểm tra hàng hóa và từ chối cho tiếp tục hành trình nếu hàng hóa đó có chứa các thiết bị quân sự có thể được sử dụng để chống lại quốc gia ven biển.

Rắc rối ở chỗ, những cuộc kiểm tra nhạy cảm như vậy có thể biến thành một sự kiện căng thẳng toàn diện.

Phức tạp hơn, Nga đã cho xây dựng một cây cầu bắc qua eo biển Kerch, nối liền lục địa Nga và bán đảo Crimea. Nước này cũng đặt tại một tàu chở dầu rỗng neo dưới cầu, để có thể đóng cửa eo biển.

Bất lợi của Ukraine là họ chỉ có một lối đi duy nhất là eo biển Kerch để tiến vào các cảng của mình trong biển Azov. Muốn vào được vùng biển này, tàu Ukraine phải đi qua nơi mà Nga tuyên bố là vùng lãnh hải có quyền kiểm soát.

Thế lưỡng nan của Thổ Nhĩ Kỳ

Nếu xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Thổ Nhĩ Kỳ chọn bạn Nga và đồng minh NATO? - Ảnh 1.

Trong trường hợp Nga-Ukraine rơi vào xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có lựa chọn dễ dàng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã liên lạc với cả hai đối tác Nga-Mỹ là Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump về tình hình ở eo biển Kerch.

Về phần mình, các nhà quan sát cho rằng, Nga rất muốn giữ cuộc xung đột này chỉ là một vấn đề song phương với Ukraine và muốn tránh sự can thiệp của các bên thứ ba.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu kêu gọi Nga và Ukraine kiềm chế trước mọi hành động khiêu khích. NATO ủng hộ mạnh mẽ cho đối tác Ukraine và đổ lỗi cho Nga.

Đô đốc Anh Lord West còn đề nghị gửi một tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia đến khu vực căng thẳng, nhưng đề xuất này được coi là "nói dễ nhưng làm khó" vì đặc tính quốc tế độc đáo của Biển Đen.

Một công ước được ký năm 1936 tại Montreux, Thụy Sĩ đã xác định tình trạng ràng buộc cụ thể đối với các quốc gia nằm ngoài Biển Đen. Theo công ước, những quốc gia không nằm ở ven biển sẽ bị hạn chế về sự hiện diện của lực lượng hải quân.

Công ước quy định rằng các tàu của các quốc gia ngoài Biển Đen có mặt trên biển không được vượt quá trọng tải 45.000 tấn. Hơn nữa, các tàu như vậy cũng không được phép ở vùng biển này quá 21 ngày.

Trong cuộc xung đột Nga-Georgia vào tháng 8/2008, Mỹ muốn gửi một tàu bệnh viện quân sự 68.000 tấn đến bờ biển Gruzia, nhưng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phải từ chối cho đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ với lý do đề xuất này không tuân thủ Công ước Montreux.

Tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn và một loạt các câu hỏi đang được đưa ra nếu cuộc xung đột Nga-Ukraine dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự lớn với sự tham gia của NATO.

Trong đó, câu hỏi quan trọng nhất là liệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gửi quân đội để chiến đấu với Nga trong khi nước này đang hợp tác chặt chẽ với Moscow ở Syria hay không? Và các quốc gia khác ngoài Biển Đen tham gia vào một chiến dịch do NATO lãnh đạo để đối đầu với Nga có phải là một ý kiến hay?

NATO đang xem xét việc gửi quân tới Ukraine, không phải để chiến đấu với Nga, mà là để huấn luyện quân đội Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đóng góp sự ủng hộ đối với liên minh theo cách này?

Theo Arab News, nếu Ankara hành động như vậy, Nga sẽ coi đây là một thái độ thù địch. Mặc dù Ankara không vi phạm luật pháp quốc tế trong trường hợp này nhưng điều đó sẽ tạo ra một sự xung đột chính trị với Moscow, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang có những hợp tác quan trọng ở Trung Đông.

Công ước Montreux có thể thay đổi tùy theo tình hình, trong đó sẽ cho phép Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mở cửa eo biển cho các tàu NATO trong trường hợp quốc gia này đang trong tình trạng chiến tranh.

Tuy nhiên, một khi cuộc chiến thực sự diễn ra, Ankara sẽ rơi vào tình trạng khó xử khi phải chọn hoặc Nga, hoặc đồng minh phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại