Nấu canh với 3 loại rau củ này sẽ thành món ngon giúp thải độc, mát gan, thanh lọc cơ thể rất tốt

Ngọc Minh |

Canh là món quen thuộc trên mâm cơm của người Việt. Đây là món ăn tốt cho sức khoẻ, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng giá trị.

Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3, rau củ cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất dồi dào cho cơ thể. Các dưỡng chất này giúp làm sạch đường ruột, thúc đẩy quá trình thải độc tự nhiên của cơ thể, tăng sức đề kháng.

Các loại canh nấu với rau củ như canh rau mồng tơi, rau ngót, rau dền, rau đay, rau muống, rau cải… thường có tính thanh mát, là sự lựa chọn tuyệt vời để thanh lọc cơ thể.

Dưới đây là 3 món canh rau củ được BSCKII Huỳnh Tấn Vũ khuyến nghị:

Canh củ cải

Trong Đông y, củ cải trắng có vị cay ngọt, tính mát đi vào kinh phế vị. Chúng có tác dụng kiện tỳ tiêu thực, hạ khí hóa đàm, hóa tích khoan trung, sinh tân giải độc.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ cho biết củ cải trắng còn được gọi là "nhân sâm mùa đông", có giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng ngăn ngừa ung thư, tăng cường miễn dịch, giảm viêm và cải thiện tiêu hóa.

Ngoài ra, củ cải trắng còn giúp giải độc cơ thể, cải thiện hô hấp và hỗ trợ giảm cân.

Nấu canh với 3 loại rau củ này sẽ thành món ngon giúp thải độc, mát gan, thanh lọc cơ thể rất tốt - Ảnh 1.

Canh củ cải, ảnh: Internet.

Bác sĩ BSCKII Huỳnh Tấn Vũ gợi ý khi nấu canh củ cải, mọi người có thể thêm một chút thịt, rau mùi..., giúp món canh thêm bổ dưỡng.

Khi dùng canh củ cải cũng cần lưu ý củ cải có thể làm giảm tác dụng của thuốc Bắc khi dùng chung. Phụ nữ mang thai mỗi tuần chỉ ăn 1-2 bữa canh củ cải, tuyệt đối không ăn củ cải sống, chuyên gia khuyến cáo.

Canh bí đao

Bí đao có thể được chế biến biến thành các món ăn ngon mát và bổ dưỡng, có tác dụng cải thiện sức khoẻ cho mọi lứa tuổi. Các bộ phận của cây bí đao đều được dùng làm món ăn và thuốc: quả (gồm cuống, vỏ, thịt, hột), dây cuộng, lá, hoa...

Trong y học cổ truyền, bí đao có vị ngọt, tính hàn.Canh bí đao không chỉ là món ăn giúp thanh lọc cơ thể, giải nhiệt mà còn có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù thũng, làm mát ruột, tiêu khát.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ lưu ý khi nấu bí đao nên kết hợp với thịt tôm giàu đạm giúp món canh thêm bổ dưỡng.

Canh rau dền

Theo Đông y, dền cơm có vị ngọt, tính hàn; dền tía vị ngọt, mát. Rau dền nói chung có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, ích khí và khai khiếu.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ cho biết canh rau dền vừa có màu sắc bắt mắt, vừa ngon lại giúp thanh lọc cơ thể, giải nhiệt, mát gan. Rau dền chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, có tác dụng ổn định đường huyết, kháng viêm và cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, ngăn ngừa loãng xương, giảm cholesterol máu,…

Chuyên gia lưu ý phụ nữ mang thai, người bị viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hay sỏi thận thì không nên dùng. Ngoài ra, không nên ăn sống rau dền để tránh bị ngộ độc.

Để có sức khoẻ tốt, ngoài ăn uống thì mọi người cần ngủ đủ giấc, uống đủ nước và có biện pháp thư giãn tinh thần, nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý, bác sĩ tư vấn thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại