Giám đốc chương trình AWACS của NATO Michael Gschossmann cho biết, liên minh quân sự này đang cân nhắc khả năng theo bước hai thành viên Anh và Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay E-7. Cả E-3A và E-7 đều do hãng Boeing (Mỹ) sản xuất.
Theo ông Gschossmann, dòng E-7 sẽ đủ rộng để có thể tích hợp thêm nhiều tính năng nữa cho máy bay trong tương lai gần, thí dụ như hệ thống điều khiển máy bay không người lái.
Phi đội AWACS gồm 14 chiếc E-3A là đơn vị hàng không đa quốc gia đầu tiên của NATO, đồng thời là một trong số ít tài sản quân sự được sở hữu và vận hành chung bởi NATO thay vì những quốc gia thành viên.
Chúng được dùng cho các nhiệm vụ như tuần tra, trinh sát, thông tin liên lạc đường không, hỗ trợ chống khủng bố, tìm kiếm cứu nạn...
NATO đã ký các hợp đồng với Boeing nhằm nâng cấp hệ thống điện tử hàng không cũng như kéo dài tuổi thọ cho phi đội E-3A đến năm 2035. Tuy nhiên, NATO vẫn cần sớm đi đến thống nhất về một dòng máy bay AWACS mới để thay thế cho những chiếc E-3A cũ kỹ.
E-3A được phát triển trên cơ sở khung thân của máy bay dân dụng Boeing 707 năm 1970 và chính thức trang bị cho Không quân Mỹ năm 1977.
Radar của E-3A có hình đĩa xoay được gắn trên thân máy bay bằng hai thanh chống. Ngoài Mỹ, máy bay còn được khai thác bởi NATO, Anh, Pháp và Saudi Arabia.
Trong khi đó, E-7 được phát triển từ Boeing 737. Máy bay có tốc độ bay tối đa 910km/h, vận tốc tuần tra đạt 310km/h.
Kết cấu trong khoang là hệ thống thu, phát, hiển thị mục tiêu của radar cảnh báo sớm. Ăng-ten của radar loại quét điện tử mảng pha (MESA) lắp trên máy bay có dạng hình thuyền, bố trí ở 1/3 trên thân sau máy bay.
Ngoài nhiệm vụ phát hiện, cảnh giới, theo dõi, tác chiến điện tử, máy bay E-7 còn chức năng chỉ huy trên không, tổ chức không chiến hay đánh chặn máy bay đối phương. Máy bay có thể hoạt động liên tục 10 giờ và thực hiện giám sát trên diện tích 4 triệu km2.
Hiện tại, E-7 phục vụ trong quân đội Australia với tên gọi Wedgetail, quân đội Hàn Quốc với tên gọi Peace Eye, và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với tên gọi Peace Eagle.