Nắng nóng đầu mùa, coi chừng kiệt sức, ngất xỉu, đột quỵ do nhiệt: Bác sĩ chỉ cách sơ cứu

Bảo Lâm |

BSCKII Nguyễn Viết Hậu cho biết, nắng nóng có thể là nguy cơ dẫn tới các hiện tượng sốc nhiệt, đột quỵ, phù nhiệt.

Theo BSCKII. Nguyễn Viết Hậu, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cơ thể người, nhiệt độ thích nghi nhất là khoảng 25 độ C. Trong khoảng từ 20 độ C đến 30 độ C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là nhờ có hệ thống điều hòa thân nhiệt nằm ở vùng dưới đồi thị hoạt động cùng với các bộ phận khác (da, các tuyến mồ hôi và các mạch máu) làm nóng và làm lạnh cơ thể.

Hệ thống điều hoà thân nhiệt này có chức năng giúp cơ thể thích nghi được với bất kỳ nhiệt độ nào. Nhưng đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá cơ thể không thể điều chỉnh kịp do vượt quá khả năng hoạt động gây ra rắc rối cho cơ thể.

"Cảm nắng" là từ gọi chung trong dân gian đối với tất cả các bệnh lý do thời tiết nắng nóng gây ra.

Ngất xỉu do nhiệt

Bác sĩ Hậu cho biết, triệu chứng này thường gặp ở những người đi du lịch trong mùa hè, phải đi ngoài nắng, leo núi, di chuyển nhiều, tập quân sự... từ đó gây ra tình trạng mất muối và nước.

Việc mất muối và nước quá nhiều, nếu không bổ sung kịp thời sẽ làm cho khối lượng nước trong lòng mạch máu sụt giảm, tụt huyết áp, đặc biệt ở tư thế đứng làm giảm lưu lượng máu đi lên não gây ngất xỉu. Các triệu chứng khác như: trí tuệ lẫn lộn, nước tiểu sẫm màu, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy...

Nắng nóng đầu mùa, coi chừng kiệt sức, ngất xỉu, đột quỵ do nhiệt: Bác sĩ chỉ cách sơ cứu - Ảnh 1.

Sơ cứu đột quỵ do nắng nóng như thế nào?

Khi gặp người ngất xỉu nên cho nạn nhân vào vùng thoáng mát, nằm thấp đầu, nới rộng quần áo, bù nước, theo dõi khoảng 30 phút nếu không ổn định thì cần đến bệnh viện.

Kiệt sức do nhiệt

Theo bác sĩ Hậu, nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng mất muối và nước kéo dài hơn so với các tình huống trên. Nạn nhân tiết mồ hôi rất nhiều, có cảm giác ớn lạnh, da lạnh và ẩm ướt, mạch nhanh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, chuột rút, mệt mỏi, ngất xỉu...

Cách sơ cứu nạn nhân kiệt sức do nhiệt đầu tiên dưng các hoạt động của người bệnh, chuyển nạn nhân sang khu vực thoáng mát để người bệnh phục hồi hoàn toàn.

Nếu vẫn tiếp tục hoạt động hay không thể di chuyển qua môi trường khác thì sẽ gây ra hiện tượng đột quỵ do nhiệt. Tai biến này là thể bệnh nặng nhất của các bệnh lý do tăng nhiệt độ gây ra.

Sơ cứu người bị kiệt sức do nhiệt giống như đã nói ở trên, nhưng phải theo dõi kỹ lưỡng hơn. Ngoài ra, chúng ta có thể dùng các loại khăn lạnh chườm vào các vùng trên cơ thể có nhiều mạch máu như: trán, lưng, nách, bẹn... để hấp thu nhiệt nhanh, giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn, cố gắng cho người bị nạn uống càng nhiều nước càng tốt.

Nắng nóng đầu mùa, coi chừng kiệt sức, ngất xỉu, đột quỵ do nhiệt: Bác sĩ chỉ cách sơ cứu - Ảnh 2.

Sơ cứu bệnh nhân đột quỵ do nắng nóng

Trong vòng từ 30 phút đến 1 giờ mà triệu chứng không được cải thiện (đau đầu, nôn ói, chóng mặt nhiều hơn...) thì nên đưa đến bệnh viện.

Đột quỵ do nhiệt

Đột quỵ do nhiệt là tình trạng xảy ra khi cơ thể bị quá nóng, thường là hậu quả do ở lâu hay tập thể lực căng thẳng ở nơi có nhiệt độ cao. Nguyên nhân là do bị mất muối và nước kéo dài đi kèm với hoạt động quá tải của trung tâm điều hòa thân nhiệt. Đây là hình thái nặng nhất của các tai biến do nhiệt, xảy ra khi thân nhiệt lên tới 40 độ C hay cao hơn.

Bác sĩ Hậu cho biết, khác với kiệt sức do nhiệt, ngất xỉu, đột quỵ do nhiệt có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ tim hay đột quỵ não. Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ gây tổn thương cho hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận và đặc biệt là hệ thần kinh với các triệu chứng như: đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật và thậm chí hôn mê.

Khi thấy nạn nhân có các triệu chứng trên cần cho nạn nhân ra khỏi vùng có nhiệt độ cao, cho người bị nạn nằm đầu thấp. Làm giảm nhiệt cho nạn nhân như dùng quạt hay ngâm người bị nạn trong nước mát vài phút, dùng khăn sũng nước lạnh hay nước đá đắp vào các vùng trên cơ thể có nhiều mạch máu như: trán, lưng, nách, bẹn...

Đồng thời gọi điện thoại cho bộ phận cấp cứu để chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.

Về triệu chứng, điều khác biệt dễ nhận thấy giữa đột quỵ do nắng nóng và kiệt sức do nắng nóng là:

Đột quỵ do nhiệt làm cho hệ thống điều hòa thân nhiệt bị hư hại khiến cho bạn không thể tiếp tục tiết mồ hôi nên da bạn bị nóng và khô. Còn kiệt sức do nhiệt, bạn vẫn tiết được mồ hôi với khối lượng lớn nên da bạn lạnh và ẩm ướt.

Để phòng phòng ngừa các tình trạng do thời tiết nắng nóng hay thời điểm lúc giao mùa gây ra, bác sĩ Hậu khuyến cáo, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao, chúng ta nên có các biện pháp sau đây:

- Mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng gay gắt trong thời gian từ 10h00 đến 16h00.

- Chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống. Chúng ta nên uống các loại nước có muối khoáng như: các dung dịch nước điện giải trị tiêu chảy, nước chanh có pha muối, đường...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại