Công trình do Viện Khoa học Ung thư Singapore (CSI Singapore) thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) thực hiện, với sự công tác của Viện Ung thư Quốc gia, Trung tâm Ung thư Quốc gia, Cơ quan Khoa học công nghệ và nghiên cứu, đều ở Singapore.
Ảnh đồ họa mô tả tế bào ung thư ở phổi. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Gene MET mới mà họ tìm thấy là một biến thể di truyền đặc trưng, phổ biến ở người châu Á hơn so với các chủng tộc khác. Nó mã hóa một loại protein thúc đẩy ung thư, giúp các tế bào ung thư giao tiếp, tăng trưởng và tồn tại.
Theo giáo sư Goh Boon Cher và tiến sĩ Kong Li Ren từ CSI Singapore, một người mang biến thể MET không có nghĩa là họ sẽ bị ung thư, nhưng nếu họ mắc phải 2 dạng ung thư là ung thư biểu mô tế bào vảy phổi hay nhóm ung thư biểu mô tế bào vảy đầu - cổ, thì bệnh sẽ phát triển mạnh hơn, nguy cơ tử vong cao.
Loại gene MET mới này không giống với các gene MET khác đã biết, nó hoàn toàn không bị khống chế bởi các loại thuốc chặn MET đang được phát triển và thử nghiệm lâm sàng. Axit amin duy nhất tồn tại trong thụ thể MET này còn liên kết mạnh mẽ với một protein thúc đẩy ung thư quen thuộc khác là HER2, tạo ra thành trì vững chắc bảo vệ các tế bào ung thư, chống lại sự tác động của thuốc điều trị.
Tuy nhiên theo giáo sư Goh Boon Cher, phát hiện mới đáng ngại này là một tiến bộ trong nghiên cứu ung thư. Việc biết mặt "kẻ thù", biết rõ cơ chế sẽ giúp các nhà khoa học tạo ra những loại thuốc, những phương pháp điều trị mới trúng đích và hiệu quả hơn.
Nghiên cứu này vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.