Đột quỵ không chỉ xảy ra ở người có tuổi mà cả người trẻ tuổi, trung niên mắc đột quỵ ngày càng nhiều. Căn bệnh nguy hiểm gây tử vong đến 50% và để lại di chứng tàn phế cho bệnh nhân.
Bác sĩ Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cho biết, trong thực hành lâm sàng tại khoa Tim mạch can thiệp của bệnh viện, bác sĩ gặp bệnh nhân trẻ tuổi nhất xuất hiện đột quỵ là 39 tuổi, tuy nhiên theo thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Trung ương quân đội 108, có bệnh nhân đột quỵ ở tuổi 18 – 19 tuổi.
Gia tăng bệnh nhân đột quỵ
Bác sĩ Long cho biết, những năm gần đây số người trẻ tuổi mắc đột quỵ ngày càng tăng. Tuy chưa có thống kê bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi nhưng có một số nghiên cứu chỉ ra rằng số người trẻ đột quỵ từ 15 đến dưới 40 tuổi chiếm từ 3 – 5% số bệnh nhân đột quỵ ở Việt Nam.
Các bác sĩ thường nói trong điều trị "đột quỵ thời gian là não" vì điều trị đột quỵ chỉ có tác dụng nếu bệnh nhân được phát hiện trong vòng 3-4 giờ.
Bác sĩ Long cho biết việc hiểu và nhận biết trước các triệu chứng của nó là vô cùng quan trọng. Nếu bạn hoặc người thân có những biểu hiện giống như dưới đây thì có lẽ nên đi khám bác sĩ gấp.
Dấu hiệu sớm của đột quỵ, bác sĩ Long cho biết, trong ngành y các bác sĩ thường nói khi đột quỵ là "FAST" có nghĩa là nhanh (phản ứng tức thời), đồng thời là viết tắt của: Face (khuôn mặt), arm (tay), speech (lời nói) và time (thời gian). Theo bác sĩ Long, đây cũng là các dấu hiệu sớm để nhận biết sớm cơn đột quỵ với 4 chữ cái F-A-S-T.
1. FACE: Khuôn mặt của người bệnh có những dấu hiệu dễ nhận thấy là mặt bệnh nhân bị méo, thường gặp trong trường hợp diễn tiến đột ngột.
Có một số người biểu hiện kín đáo hơn, mặt bệnh nhân có thể chưa méo nhưng khi nhìn kỹ sẽ thấy sự mất cân xứng: Nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường; nếp mũi, má bên yếu thường xệ thấp hơn bên còn lại. Nếu nghi ngờ, hãy yêu cầu bệnh nhân cười khi đó dấu hiệu mặt hơi méo có thể sẽ rõ hơn. Đôi khi, bệnh nhân chỉ có cảm giác tê, cứng nửa bên mặt hoặc 1/4 mặt dưới.
2. ARM: Dấu hiệu rõ rệt là tay bị liệt.
Trước đó, có thể đã có những diễn tiến từ từ như: Tê mỏi một bên tay; vụng về trong những thao tác, công việc quen thuộc, ví dụ như gặp khó khăn khi viết, ăn uống, sinh hoạt; vẫn điều khiển được tay nhưng kém chính xác, có một số trường hợp chúng ta đang cầm trên tay vật gì bị rơi.
3. SPEECH: Với dấu hiệu về giọng nói thì rõ nhất là một số người đột quỵ bị "á khẩu" hoặc nói đớ, ngọng, khó nói.
Người bệnh cảm thấy khó khăn khi nói, hoặc môi, lưỡi bị cứng, tê. Khi đó, người nhà cần lưu ý để có thể nhận ra việc bệnh nhân nói không rõ, nói chậm hơn bình thường hoặc phải gắng sức khi nói.
4. TIME: Khi có các dấu hiệu trên, thời gian chính là tiên quyết cho việc cứu chữa. Người nhà nên đưa bệnh nhân đi khám ngay khi ghi nhận những dấu hiệu vừa kể. Những dấu hiệu này có thể kéo dài chỉ thoáng qua nhưng lặp đi lặp lại, có thể xuất hiện cùng lúc hoặc chỉ một vài dấu hiệu.
Khi đó, nên đưa người bệnh đến cơ sở có thể thăm khám đột quỵ để phát hiện sớm nhất bệnh nhân có cơ hội được chữa sớm nhất. Bác sĩ Long đặc biệt lưu ý, nên tiết kiệm thời gian gần nhất, đến cơ sở y tế gần nhất.
Ngoài ra còn có các triệu chứng như: Đột quỵ xảy ra ở người khỏe mạnh; lẫn lộn, sảng, lơ mơ, hôn mê; nhức đầu dữ dội, khác thường; mất thăng bằng; không nhìn thấy ở một mắt hoặc một bên cơ thể; chóng mặt, giảm thính lực, buồn nôn, nôn.