Triều Tiên bắn tên lửa, Mỹ tung tin Hàn Quốc nhận RQ-4B Global Hawk
Ngày 19/4, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris thông qua Twitter đã công bố bức ảnh 2 máy bay không người lái trinh sát tầm cao (UAV) RQ-4B Global Hawk tại một địa điểm quân sự bí mật.
Ông Harris không quên gửi lời chúc mừng quá trình hợp tác an ninh Mỹ - Hàn trong việc bàn giao thành công loại khí tài này cho Không quân Hàn Quốc (ROKAF).
Trước đó vài ngày, Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời các quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết nước này chuẩn bị trang bị thêm 2 UAV trong tháng 4/2020 (sau chiếc đầu tiên vào ngày 23/12/2019).
Tuyên bố này cho thấy nhà sản xuất Northrop Grumman của Mỹ đã bàn giao ít nhất 3 trong tổng số 4 chiếc của đơn hàng RQ-4B Block 30 được ký vào năm 2011.
2 máy bay không người lái trinh sát tầm cao (UAV) RQ-4B Global Hawk tại một địa điểm quân sự bí mật ở Hàn Quốc (Ảnh: Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris).
Truyền thông Hàn Quốc cho biết thêm rằng ROKAF đang đặt mục tiêu đưa RQ-4B vào vận hành trong một phi đội trinh sát vào cuối năm 2020.
Một khi UAV được đưa vào thực chiến, Hàn Quốc sẽ có năng lực thu thập tin tức tình báo độc lập, không còn phải phụ thuộc vào Mỹ như trước đây cũng như tăng cường khả năng do thám đối với các "mối nguy hiểm tiềm tàng".
Tất cả các tuyên bố nói trên của Mỹ-Hàn "tình cờ" được tiết lộ chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa ra hướng Biển Nhật Bản nhân kỷ niệm sinh nhật của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành hôm 14/4.
Một vụ thử tên lửa đạn đạo tại địa điểm không xác định ở Triều Tiên (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN).
RQ-4B Hàn Quốc có gặp "thảm cảnh" của RQ-4A Mỹ?
Một số nhà phân tích cho rằng những chiếc RQ-4B Global Hawk mới xuất hiện tại bán đảo Triều Tiên được đánh giá là "phép thử" dành cho phản ứng tiếp theo của Bình Nhưỡng, điều mà trước đây thường được thể hiện bằng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.
Năm 2019, khi Mỹ tăng cường gây sức ép lên Iran liên quan tới cáo buộc tấn công các tàu dầu trên eo biển Hormuz thì vụ việc RQ-4A Global Hawk bị Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắn rơi được cho là hành động "đổ thêm dầu vào lửa" .
Căng thẳng lên cao tới mức Mỹ đã dự định tập kích đường không nhằm trả đũa Iran nhưng khi "đạn đã lên nòng", quyết định này đã bị hủy vào giờ chót bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo hãng tin Iran Fars News, RQ-4A đã bị hệ thống phòng không tầm trung Khordad-3 do Iran chế tạo bắn rơi.
Khordad-3 khá tương đồng với Buk-M2E của Nga, điểm khác biệt rõ nét nhất chính là Buk-M2E mang theo 4 tên lửa, còn Khordad-3 chỉ mang 3 tên lửa.
Chiếc UAV RQ-4B Global Hawk đầu tiên của ROKAF trong một lần xuất kích vào năm 2019. Có thể thấy nó di chuyển khá gần Khu phi quân sự liên Triều (DMZ).
Theo một bài viết trên tờ The Diplomat vào năm 2017, sau khi Thỏa thuận hạt nhân Iran (JPCOA) được ký vào năm 2015, việc thiếu tin tưởng vào cam kết của Mỹ đã khiến hợp tác quân sự giữa Tehran và Bình Nhưỡng vẫn được tiếp tục, đặc biệt trong lĩnh vực tên lửa.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng nhận định rằng mối quan hệ này chủ yếu là "giao dịch" và rằng nếu Triều Tiên có được loại vũ khí nào thì Iran có thể sở hữu nó "vào ngày hôm sau" bởi nhu cầu tài chính của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự người Israel Tal Inbar thì cho rằng "sự tương đồng" giữa tên lửa Triều Tiên và Iran cho thấy Tehran có thể cũng đã đóng góp theo chiều ngược lại đối với Bình Nhưỡng.
Sự phối hợp quân sự chặt chẽ giữa Iran và Triều Tiên được tờ The Diplomat đánh giá là "bắt nguồn từ nhận thức chung của cả hai nước về Mỹ như một mối đe dọa an ninh".
Với kinh nghiệm thu được thông qua các kênh trao đổi quân sự với Tehran trong một năm qua và năng lực tên lửa đang phát triển như vũ bão, lực lượng phòng không của Triều Tiên có đủ khả năng làm điều tương tự với RQ-4B như IRGC đã làm với RQ-4A Global Hawk.
Có lẽ vấn đề duy nhất cần quan tâm lúc này đó là "thời điểm".
Theo các chuyên gia quân sự, Global Hawk có nhiều đặc điểm giống chiếc máy bay do thám U-2 nổi tiếng thập niên 1950.
Nó có khả năng nhìn "xuyên" mây mù, bão cát và cung cấp hình ảnh với độ phân giải cao nhờ sử dụng hệ thống Synthetic Aperture Radar (SAR) và cảm biến quang điện/hồng ngoại (EO/IR) tầm xa giúp trinh sát toàn diện nhiều mục tiêu cùng lúc trong khu vực 100.000 km2.
"Trái tim" của UAV chính là động cơ Allison Rolls-Royce AE3007H turbofan, với lực đẩy cực mạnh 31,4 kN. Thân máy bay được làm từ khung nhôm còn phần cánh, các đường cong, phần đuôi đều bằng sợi carbon tổng hợp.
Global Hawk được lắp hệ thống tự bảo vệ AN/ALR-89 do Raytheon nghiên cứu và phát triển, gồm hệ thống laser AN/AVR-3 để cảnh báo, gây nhiễu radar đối phương và hệ thống mồi bẫy nhiệt ALE-50 để tự vệ.
Những tính năng kể trên giúp cung cấp thông tin tình báo để các vũ khí chính xác của Mỹ có thể tiêu diệt mục tiêu hoặc hỗ trợ cho lực lượng trên bộ bằng việc cung cấp các hình ảnh theo yêu cầu, ví dụ như toàn cảnh nơi binh lính bị bao vây, cần tìm "đường rút".
Global Hawk có giá khoảng 222 triệu USD. Ngoài Mỹ, NATO, Hàn Quốc thì Đức, Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand, Ấn Độ và một số quốc gia khác cũng đã hoặc đang lên kế hoạch đặt hàng.
Hệ thống phòng không Khordad-3 của Iran bắn hạ UAV RQ-4A của Mỹ hôm 20/6/2019 (Nguồn Press TV).