Sau thông tin Tổng thống Donald Trump có ý định rút hàng ngàn binh sĩ khỏi Đức, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho rằng, số binh sĩ này sẽ được tái triển khai tớ khu vực Thái Bình Dương.
Trước đó, hôm 15/6, Tổng thống Trump cho biết ông có ý định rút khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ khỏi Đức, sau cáo buộc Đức “lơ là” hoàn thành nghĩa vụ tài chính với NATO và nhấn mạnh Mỹ sẽ làm theo đúng kế hoạch nếu như Berlin không thay đổi hành động.
Báo cáo từ Reuters và Wall Street Journal cho hay, kế hoạch ban đầu của Mỹ là rút 9.500 quân tương đương với gần 1/4 trong tổng số 34.500 binh sĩ Mỹ đang hoạt động ở Đức. Khả năng Mỹ sẽ cho rút quân vào tháng Chín tới.
Trong khi đó, tờ Deutsche Welle của Đức cho rằng nguyên nhân khiến Mỹ rút quân là do Washington không hài lòng với việc Berlin tiếp tục không đáp ứng được yêu cầu đóng góp 2% GDP cho ngân sách NATO theo như nguyên tắc hoạt động của liên minh quân sự. Trong năm 2019, Đức chỉ đóng góp 1,4% GDP cho NATO.
Trong khi báo chí đưa tin Mỹ sẽ chỉ còn duy trì khoảng 25.000 binh sĩ ở Đức, song theo tuyên bố hôm 18/6 của Tướng Jeffrey Harrigian, chỉ huy lực lượng không quân Mỹ ở châu Âu, ông “chưa nhận được hướng dẫn cụ thể về kế hoạch tái triển khai lực lượng”.
Tới ngày 21/6, chia sẻ với Wall Street Journal, Cố vấn O’Brien cho hay khả năng binh sĩ Mỹ rút khỏi Đức sẽ được tái triển khai tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Tại đây, họ sẽ tham gia vào các lực lượng đối phó với Trung Quốc.
“Hàng ngàn binh sĩ có thể sẽ được tái triển khai tới Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự ở đảo Guam, Hawaii, Alaska và Nhật Bản, cũng như triển khai tới nhiều vị trí khác như Australia. Đây là mặt trận mà Mỹ và các quốc gia đồng minh đang phải đối mặt với thách thức địa chính trị lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh”, ông O’Brien cho hay.
Vào cuối năm 2017, chính quyền của Tổng thống Trump đã xây dựng tầm nhìn chiến lược cho tương lai khi nhấn mạnh, Lầu Năm Góc cần xoay trục từ việc tập trung cho cuộc chiến chống khủng bố suốt 20 năm qua sang “cạnh tranh sức mạnh quy mô lớn” với các nước Nga và Trung Quốc.
Thậm chí, Lầu Năm Góc còn chỉ đích danh Trung Quốc là mối đe dọa số 1 của Mỹ trong thế kỷ 21.
Nguyên nhân là do năng lực quân sự của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, lĩnh vực công nghệ cũng mở rộng không ngừng với sự ra đời của mạng viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và cuộc đua vũ trụ. Thậm chí, nền kinh tế Trung Quốc được cho sẽ sớm vượt qua Mỹ trong tương lai gần.
Tuy nhiên, chia sẻ với Stars and Stripes, ông Robert Dujarric tại Đại học Temple ở Tokyo lại cho rằng, việc Mỹ rút quân “không liên quan tới chuyện bảo vệ châu Á bởi Tổng thống Trump đang có vấn đề tranh cãi với NATO”.
Trong khi đó, ông O’Brien lại chủ yếu tập trung vào chỉ trích Đức. Theo ông O’Brien, Đức là một đồng minh dễ bị lung lay.
Bởi Đức vẫn bắt tay với Nga trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) dưới biển Baltic và chưa loại bỏ Tập đoàn Công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei cũng như mạng lưới 5G, bất chấp giới tình báo Mỹ cáo buộc đây có thể là công cụ để chính phủ Trung Quốc thu thập thông tin tình báo.
Cũng theo ông O’Brien, một số binh sĩ Mỹ sau khi rút khỏi Đức vẫn ở lại các nước châu Âu khác. Một số khác sẽ đi xa hơn để tới phía đông và gần biên giới Nga .
Hôm 23/6, nhật báo Dziennik Gazeta Prawna của Ba Lan cho biết, 1.000 binh sĩ Mỹ sắp được triển khai tới nước này giờ được tăng lên gấp đôi. Ngoài ra, Mỹ sẽ cho điều động thêm các vũ khí của lực lượng không quân như chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và máy bay vận tải tới Ba Lan.
Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia Mỹ còn hối thúc NATO cho triển khai tăng cường cả binh sĩ và vũ khí tới Romania nhằm tăng khả năng đối phó với Nga.
Nguy cơ "va chạm" gia tăng
Một quan chức cấp cao Trung Quốc cho hay, quân đội Mỹ đang cho triển khai số lượng binh sĩ lớn “chưa từng có” tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Hoạt động điều động quân đội Mỹ tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương như hiện tại là chưa từng có. Khả năng xảy ra các vụ va chạm hoặc nổ súng bất ngờ đang gia tăng”, Sputnik dẫn lời ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông tại Trung Quốc.
Theo ông Wu, Mỹ đã cho triển khai khoảng 375.000 binh sĩ và khoảng 60% chiến hạm bao gồm 3 tàu sân bay là USS Theodore Roosevelt, USS Nimitz và USS Ronald Reagan tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ông Wu nhấn mạnh thêm, dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama, hải quân Mỹ tiến hành 4 cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Tuy nhiên, dưới thời của Tổng thống Doanald Trump, Mỹ đã cho tiến hành 22 lần FONOP trên Biển Đông.
Trong một báo cáo gần đây, Viện Nghiên cứu Biển Đông , một cơ quan nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc, cũng đã đưa ra khuyến cáo về việc quân đội Mỹ - Trung cần “tăng cường hoạt động liên lạc để ngăn chặn xảy ra hiểu lầm và leo thang căng thẳng chiến lược”.
Ông Wu cho biết, Trung Quốc không muốn phải đối đầu với Mỹ trong “cuộc chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng kiểu mới”. Song ông Wu cảnh báo, “mối quan hệ quân sự ngày càng xuống dốc của Mỹ - Trung sẽ khiến nguy cơ bùng nổ va chạm nguy hiểm gia tăng, hoặc thậm chí biến thành một cuộc xung đột hay một cuộc khủng hoảng”.
Trong những tháng gần đây, quan hệ Mỹ - Trung ngày càng diễn biến xấu liên quan tới những bất đồng về đại dịch Covid-19, khi Tổng thống Trump nhiều lần lên tiếng cáo buộc Trung Quốc thất bại trong việc ngăn chặn virus corona chủng mới làm dịch bệnh lây lan toàn cầu.
Ngoài ra, ông Trump cũng cáo buộc Trung Quốc gian dối thương mại và đánh cắp bản quyền trí tuệ khiến hai nước rơi vào cuộc chiến thương mại từ năm 208. Hồi tháng Một, sau nhiều lần tăng thuế đáp trả nhau, Mỹ - Trung đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn I nhằm tìm hướng chấm dứt chiến tranh kinh tế giữa hai bên.