Reuters dẫn lời 2 quan chức Mỹ hôm 8-1 cho biết vệ tinh được tên lửa đẩy Falcon 9 của Công ty SpaceX đưa vào quỹ đạo nhưng thất bại. Vệ tinh sau đó bị phá huỷ hoặc rơi xuống biển. Đây là vệ tinh do Công ty Northrop Grumman Corp phát triển.
Công ty này đã chế tạo vệ tinh Zuma trị giá hàng tỉ USD, đồng thời quyết định lựa chọn tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX.
Báo The Wall Street Journal đưa tin về vụ phóng vệ tinh thất bại nói trên đầu tiên. Nhà chức trách Mỹ đang tiến hành điều tra nhưng không có dấu hiệu cho thấy hành động phá hoại cũng như sự can thiệp từ bên ngoài.
Người phát ngôn Công ty SpaceX, James Gleeson, nói: "Chúng tôi không bình luận về những sứ mệnh như thế. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, dữ liệu cho thấy Falcon 9 được phóng mà không xảy ra sai sót đáng kể".
Công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã phóng vệ tinh đầu tiên cho quân đội Mỹ bằng tên lửa đẩy Falcon 9 vào tháng 5 năm ngoái.
Hồi năm 2015, một vệ tinh quân sự của Mỹ gặp vấn đề nhiệt độ và phát nổ bên ngoài trái đất khiến hàng chục mạnh vỡ bay tứ tung vào quỹ đạo.
Vệ tinh này là một phần của Chương trình Vệ tinh Khí tượng Quốc phòng (DMSP) do quân đội Mỹ phát triển những năm 1960, phục vụ cho mục đích giám sát và trinh sát.
Năm 1972, hệ thống DMSP được giải mật và dữ liệu được cung cấp cho các nhà khoa học dân sự. Vệ tinh vừa phát nổ có mã hiệu DMSP-F13, ở trong quỹ đạo trái đất từ năm 1995.
Trước đó, DMSP-F13 quay quanh trái đất ở khoảng cách 804 km trong quỹ đạo mặt trời đồng bộ và đường bay của nó theo hướng qua cực Bắc và Nam. DMSP-F13 mất khoảng 101 phút để bay hết một vòng và nó cung cấp cái nhìn đầy đủ về toàn bộ bề mặt hành tinh xanh 2 lần/ngày.