Chuyến công tác chính thức đầu tiên tới châu Âu hôm 23/3 của Ngoại trưởng Antony Blinken được cho nhằm chứng minh Mỹ muốn quay trở lại thân thiết với NATO, sau thời gian quan hệ hai bên bị sứt mẻ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra sau môt ngày nhiều nước phương Tây cùng áp đặt lệnh trừng phạt với Trung Quốc trước cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhóm họp ở Brussels. (Ảnh: Reuters
Theo Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP), ông Blinken đã gặp gỡ các Bộ trưởng Ngoại giao NATO, trước khi tiến hành thảo luận thêm với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào hôm nay (24/3).
Phát biểu trước những người đồng cấp NATO, ông Blinken đã bày tỏ rõ quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Dù đang phải đối phó với một số thách thức mới như biến đổi khí hậu và chiến tranh mạng, sự trỗi dậy của các nước chuyên quyền cùng những thách thức mà các quốc gia này tạo ra, chúng ta có lợi ích sâu sắc là cùng nhau hành động, hành động một cách tập thể, dựa vào an ninh tập thể và đó là những gì thuộc về NATO”, ông Blinken nhấn mạnh thêm, NATO nên “tập trung vào một số thách thức mà Trung Quốc tạo ra đối với trật tự quốc tế dựa trên quy định”.
Mặc dù, Nga lâu nay là mối quan tâm và nội dung hàng đầu trong các cuộc họp của EU nhưng hiện tại, Trung Quốc cũng không thoát khỏi tầm ngắm của NATO.
“Sau những sự kiện gần đầu giữa EU và Trung Quốc, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ là chủ đề chính trong cuộc thảo luận của Mỹ cùng các nước đồng minh”, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, ông Meia Nouwens nhận định.
Mỹ muốn NATO cùng đối phó với Trung Quốc
Phát biểu trong cuộc họp hôm 23/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay các Bộ trưởng Ngoại giao NATO muốn xây dựng quan hệ “đối tác mới” với các nước ở châu Á – Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc để “giải quyết hậu quả từ sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
Trước đó, vào tuần trước, trong cuộc gặp chính thức đầu tiên với các quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại bang Alaska của Mỹ, Ngoại trưởng Blinken đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc.
Tới ngày 22/3, Anh, Canada, EU và Mỹ cùng ban bố áp đặt lệnh trừng phạt với các quan chức Trung Quốc trước cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương.
Hành động cùng lúc ban bố lệnh trừng phạt cho thấy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden muốn cùng các đồng minh đối phó trước hành động bành trướng mở rộng từ Trung Quốc.
Trong khi đó, theo tờ Financial Times, Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Ngoại trưởng EU Josep Borrell còn nối lại chương trình đối thoại chiến lược về Trung Quốc vào hôm nay, sau vài tháng EU và Bắc Kinh đồng thuận ký kết một hiệp ước đầu tư mở rộng.
“Những diễn biến gần đây giữa EU và Trung Quốc sẽ là đòn bẩy cho mối quan hệ hợp tác nhằm đối phó với những thách thức từ Trung Quốc và tăng cường sự đoàn kết trong khối để đối phó với Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Nouwens chia sẻ.
Về phần mình, Trung Quốc cũng nhanh chóng phản đòn khi công bố lệnh trừng phạt nhằm vào châu Âu. Theo đó, Trung Quốc cấm 10 cá nhân ở châu Âu và 4 cơ quan cùng các cá nhân có liên quan nhập cảnh vào lãnh thổ Trung Quốc bao gồm đặc khu hành chính Hong Kong và Macau. Trong đó, cơ quan chịu lệnh trừng phạt mới nhất của Trung Quốc có Ủy ban An ninh và Chính trị thuộc Hội đồng EU bao gồm 27 đại sứ của các nước thành viên EU ở Brussels.
“Sau cuộc gặp dài và căng thẳng với các Bộ trưởng Ngoại giao EU, phản ứng của Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Hành động của Trung Quốc sẽ không thể làm thay đổi quyết tâm của EU nhằm bảo vệ nhân quyền và đáp trả những hành động vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng dù ở bất cứ đâu”, Ngoại trưởng EU Borrell nói.
Sau đó, một loạt nhà lãnh đạo và quan chức đại diện cho các nước thành viên EU cũng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ lệnh trừng phạt của Trung Quốc.
Còn tại Bắc Kinh, vào ngày 23/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã cáo buộc EU chỉ đạo đức giả.
“EU không thể vừa nói về quan hệ hợp tác, vừa áp đặt lệnh trừng phạt làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của Trung Quốc. Điều này là phi lý và không mang lại kết quả gì”, bà Hoa nhấn mạnh.
Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Blinken tới Brussels để họp bàn, thì Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng đã có mặt ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông Lavrov kêu gọi Nga - Trung cần liên minh để đối phó với hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây.
“Những tác động từ lệnh trừng phạt sẽ được giảm thiểu bằng cách tăng cường khả nặng tự lực về khoa học và công nghệ, thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ và các đồng ngoại tệ khác để thay thế đồng USD của Mỹ và từ đó dần tránh được hệ thống chi trả quốc tế vốn bị phương Tây kiểm soát”, ông Lavrov tuyên bố.
NATO không sẵn lòng đối phó với Trung Quốc?
Trong những năm gần đây, NATO ngày càng chú trọng tới những mối đe dọa được cho xuất phát từ phía Trung Quốc.
Cụ thể, hồi tuần trước, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết nếu phương Tây có ý định đối phó với hành động mang tính đe dọa và ngày càng hung hăng từ Trung Quốc, mối quan hệ liên minh NATO cần được sửa chữa nhanh chóng sau thời gian bị hủy hoại dưới thời lãnh đạo của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
NATO lo ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. (Ảnh: AP)
“Nếu quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc, điều quan trọng hơn là chúng ta cần sát cánh bên nhau, châu Âu và Bắc Mỹ trong khối NATO”, ông Stoltenberg nói.
Ông Pierre Morcos, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Mỹ, cho rằng Trung Quốc đã tạo ra “thách thức phức tạp và bất thường cho NATO”.
“Khác với Nga, Trung Quốc không tạo ra mối đe dọa quân sự trực tiếp với NATO. Nhưng những hành động và chính sách của Trung Quốc lại đang ảnh hưởng tới an ninh của khu vực châu Âu – Đại Tây Dương trong các lĩnh vực như an ninh mạng hay truyền thông”, ông Morcos nhận định.
“NATO có thể trở thành một diễn đàn để các đồng minh chia sẻ thông tin tình báo và phát triển hệ thống đánh giá về các thách thức từ Trung Quốc bao gồm mối quan hệ hợp tác giữa Nga – Trung”, ông Morcos nói thêm.
Nhưng các nhà phân tích Trung Quốc lại hạ thấp triển vọng hợp tác trong khối NATO để đối phó với Trung Quốc.
Ông Lu Xiang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng những lời bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Blinken dường như chỉ để an ủi NATO, song việc xây dựng một chính sách đối ngoại chung toàn diện để đối phó với Trung Quốc là rất khó.
“Phần lớn các nước thành viên NATO không có xung đột lợi ích với Trung Quốc. Các nước có thể hành động vì sức ép của Mỹ, nhưng dường như hành động này không thể đi xa hơn”, ông Lu cho hay.
Còn ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phục Đán, cho rằng mục tiêu chính của NATO vẫn là Nga.
“Mặc dù NATO đang cố đưa chủ đề Trung Quốc vào các cuộc thảo luận, nhưng chuyện này là không nhiều. Đối với Trung Quốc, NATO có thể chỉ đưa ra những tuyên bố và hành động mang tính biểu tượng thay vì tạo ra tác động thực tế”, ông Wu kết luận..