Tên lửa siêu vượt âm là những tên lửa hành trình di chuyển bên trong bầu khí quyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh (hơn 6.100km / giờ) đang hình thành làn sóng đổi mới quân sự tiếp theo trên thế giới.
Mặc dù chúng có thể chậm hơn tên lửa đạn đạo, nhưng đường bay tương đối thấp của chúng có nghĩa là có ít cảnh báo về sự xuất hiện của tên lửa hơn và chúng khó đánh chặn hơn nhiều.
Chúng có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc tấn công bất ngờ một cách tàn khốc nhằm vào tàu sân bay hoặc căn cứ không quân. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đang phát triển chúng để chống lại ưu thế của Mỹ trong các lĩnh vực khác, và Lầu Năm Góc đang dành rất nhiều nỗ lực để phòng thủ trước những tên lửa như vậy.
Một nghiên cứu mới của Viện Công nghệ Bắc Kinh mang tên 'Mạng lưới các bầy UCAV siêu vượt âm' hướng tới việc nhân lên sức mạnh của vũ khí siêu vượt âm bằng cách phối hợp để chúng hoạt động cùng nhau.
UCAV là viết tắt của Unmanned Combat Air Vehicle, một thuật ngữ thường được sử dụng cho các máy bay không người lái có vũ trang, nhưng được áp dụng trong trường hợp này vì chúng không chỉ là tên lửa - các thành viên của bầy khí tài đó sẽ mang theo cảm biến và thiết bị liên lạc.
Các lợi ích của việc này là nhận thức tình huống được chia sẻ, ví dụ như cảnh báo cho các thành viên khác trong bầy nơi có hệ thống phòng thủ, có thể tấn công đồng thời các mục tiêu bằng nhiều vũ khí đến từ các hướng khác nhau và phối hợp tìm kiếm các mục tiêu khó nắm bắt hoặc đang di chuyển.
Một bầy vũ khí có thể chia ra thành nhiều nhóm, tấn công nhiều đợt, mỗi nhóm sẽ thông báo cho nhóm tiếp theo là mục tiêu nào đã bị tiêu diệt hoặc nơi có lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của đối phương.
Cuối cùng thì cả bầy sẽ tự đưa ra quyết định về hướng đi và cách thức tấn công.
“Bầy UCAV siêu vượt âm mang lại lợi thế chiến thuật được mong chờ từ lâu,” nghiên cứu lưu ý. “Chúng có thể thực hiện các sứ mệnh như tấn công bão hòa, chia sẻ nhận thức tình huống, hoạch định đường lối phối hợp, tìm kiếm đối tác và cuối cùng là tự chủ hợp tác.”
Tính tự chủ hợp tác có nghĩa là bầy đàn khí tài này tự kiểm soát chứ không phải do con người chỉ đạo, điều có thể ngày càng trở nên quan trọng khi khí tài cơ động với tốc độ gấp năm lần tốc độ âm thanh.
Báo cáo liên tục trích dẫn công việc của Mỹ chứ không phải của Trung Quốc là nguồn cảm hứng cho nghiên cứu, tạo ấn tượng rằng Trung Quốc chỉ đơn giản là đáp lại các dự án của Mỹ đang được tiến hành. Ví dụ:
“Quân đội Mỹ gần đây đã thông báo rằng họ đang nghiên cứu để hướng tới khả năng điều phối tự động. Vào năm 2017, chương trình công nghệ tương tác đồng thời nhiều tên lửa (MSET) được khởi xướng, được hình dung như một bộ công nghệ cung cấp khả năng tương tác đầu cuối tự động có giám sát của nhiều tên lửa chống lại các mục tiêu khác nhau và liên lạc giữa các nhóm để chia sẻ nhận thức tình huống”.
Điều này làm sáng tỏ chi tiết rằng MSET là một hệ thống chiến thuật quy mô nhỏ, không phải là một vũ khí chiến lược với tên lửa siêu vượt âm. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc về cơ bản đang thử một thứ gì đó tương tự, nhưng ở quy mô khổng lồ.
Điều này làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn nhiều. Báo cáo thừa nhận rằng cần phải khắc phục “tính di động cao, cấu trúc liên kết động, phạm vi địa lý lớn và môi trường thù địch”.