Ông Jens Stoltenberg cho rằng “Trung Quốc đã cư xử rất tệ với Australia” khi nước này thúc đẩy cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19 . Ông Jen Stoltenberg nhận định, vì lẽ này, NATO muốn mở rộng hợp tác với các nước có cùng chung chí hướng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để chống lại hành vi “bắt nạt” của Trung Quốc .
Ông Jen Stoltenberg khẳng định “điều quan trọng là thể hiện rằng chúng ta có thể đoàn kết để chống lại hành vi bắt nạt của Trung Quốc đối với nhiều quốc gia trên khắp thế giới”.
Ông Jen Stoltenberg cho hay, “tất nhiên là chúng ta sẽ làm điều đó với tư cách là một liên minh gồm 30 thành viên của NATO nhưng chúng ta cũng đánh giá cao sự phối hợp với các nước có cùng chí hướng như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Để điều này được diễn ra, ông Jen Stoltenberg cho rằng “chúng ta cần ngồi lại với nhau để xem có thể mở rộng và tăng cường hợp tác bằng cách nào”. Ông Jen Stoltenberg cũng cho hay, hai bên có thể hợp tác trong trao đổi thông tin và cùng tham gia vào “những hoạt động”.
Bình luận về tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg, ông Rory Medcalf, trưởng khoa An ninh thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận định, “vì an ninh là vấn đề toàn cầu và không chịu sự chi phối của ranh giới địa lý quốc gia nên những gì chúng ta có thể làm là cùng nhau bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, các vấn đề trên mạng, chống gián điệp và can thiệp từ bên ngoài”.
Ông Medcalf nhận định “về lâu dài, sự hợp tác giữa Australia và NATO trong việc cân bằng quyền lực với Nga và Trung Quốc quan trọng hơn cả hợp tác trong chống khủng bố, lĩnh vực hợp tác ban đầu giữa hai bên”.
Chuyên gia Medcalf cũng nói rằng, tăng cường hợp tác với NATO không có nghĩa là NATO sẽ đưa quân tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay quân đội Australia sẽ hiện diện tại châu Âu.