Mỹ có ý định bán 4 UAV MQ-1C Grey Eagle cho Ukraine. (Ảnh minh họa)
Theo Reuters, chính phủ Mỹ đang cân nhắc bán cho Ukraine 4 chiếc máy bay không người lái (UAV) MQ-1C Grey Eagle để phóng các tên lửa Hellfire chống lại quân đội Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass.
Nếu thông tin này đúng sự thật, thương vụ bán các UAV MQ-1C Grey Eagle sẽ cần sự cho phép đặc biệt từ Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ, do luật pháp Mỹ quy định hạn chế bán UAV trang bị vũ khí cho tất cả các nước ngoại trừ những đồng minh thân thiết nhất của Washington.
Trong khi thông thường, thời gian huấn luyện sử dụng một chiếc UAV MQ-1C mất khoảng vài tháng. Điều này có nghĩa sớm nhất là trong tháng Bảy năm nay, UAV MQ-1C Grey Eagle của Mỹ có thể xuất hiện và hoạt động ở Ukraine.
MQ-1C Grey Eagle là hậu duệ của UAV RQ/MQ-5 Hunter chiến thuật được Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ cùng phát triển.Và nếu thương vụ bán UAV MQ-1C Grey Eagle được phê chuẩn, các lực lượng quân sự Ukraine sẽ được tham gia khóa huấn luyện nhanh kéo dài vài tuần.
Chương trình phát triển bắt đầu từ năm 1989, nhưng nó thực sự được chú trọng sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ. Theo đó, UAV Hunter là hệ thống vũ khí không được thiết kế để tồn tại trong xung đột với Liên Xô cũ, mà chỉ hoạt động trong môi trường “nhẹ nhàng hơn” là cuộc chiến Chống khủng bố toàn cầu (GWOT).
Lịch sử hoạt động của UAV Hunter cũng đã chứng minh nhận định trên. Trong lần thử nghiệm vào năm 2002, UAV Hunter được dùng để phóng bom chùm chống tăng BAT có khả năng phá hủy các xe bọc thép của Nga.
Tới khi tham chiến vào năm 2005, UAV Hunter được cải tiến để phóng bom dẫn đường bằng laser để tiêu diệt các lực lượng nổi dậy ở Iraq.
Tuy nhiên, những yêu cầu đối với nhiệm vụ GWOT nhanh chóng vượt qua khả năng của UAV Hunter. Do đó, ngay từ đầu năm 2002, Lục quân Mỹ đã bắt đầu tìm kiếm phương tiện thay thế có thể sử dụng được nhiều loại đạn, cũng như thực hiện công tác trinh thám, trinh sát, thu thập mục tiêu, điều khiển và kiểm soát, liên lạc, tình báo, chiến tranh điện tử, tấn công, phát hiện thiết bị nổ tự tạo, cũng như đánh giá mức độ thiệt hại sau tấn công.
Đây là lúc UAV MQ-1C được chọn để thực hiện toàn bộ sứ mệnh trên. Vào năm 2009, Lục quân Mỹ bắt đầu sử dụng UAV MQ-1C.
Tới năm 2010, UAV MQ-1C được sử dụng trong hoạt động chiến đấu ở cả Iraq và Afghanistan, mà trong đó vũ khí chính được sử dụng là tên lửa dùng laser dẫn đường Hellfire. Đáng nói, phiên bản UAV MQ-1C Grey Eagle còn có thể dùng tên lửa Stinger và bom dùng laser dẫn đường GBU-44/Viper.
Dù UAV MQ-1C Grey Eagle đã chứng minh hiệu quả trong hoạt động chống lại quân nổi dậy ở Iraq, lực lượng phiến quân Taliban ở Afghanistan và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, song Lục quân Mỹ thừa nhận UAV vẫn không đủ khả năng thực hiện yêu cầu “hoạt động chung trên mọi miền” của quân đội Mỹ nhằm chiến đấu chống lại các đối thủ cùng đẳng cấp như Nga.
RT đưa tin, theo ông Scott Ritter, cựu sĩ quan tình báo của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, UAV MQ-1C Grey Eagle mà Mỹ có kế hoạch cung cấp cho Ukraine không có khả năng chiến đấu và sống sót trong môi trường chiến đấu hiện đại như cuộc xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine hiện nay.
UAV MQ-1C Grey Eagle có thể bay hơn 30 giờ đồng hồ liên tục tuỳ thuộc vào nhiệm vụ, và thu thập được lượng dữ liệu lớn phục vụ mục đích tình báo. Mỗi UAV có thể mang tới 8 tên lửa Hellfire.
Đáng nói, UAV MQ-1C Grey Eagle có kích cỡ lớn gấp đôi so với phần lớn mẫu UAV mà Ukraine đang sử dụng như Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
UAV TB2 từng thành công khi tham chiến ở Libya, Syria, và Nagorno-Karabakh, cũng như chống lại quân đội Nga trong giai đoạn đầu thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tuy nhiên, thực tế hệ thống phòng không của Nga đã bắn hạ 35/36 UAV TB2 được cung cấp cho Ukraine trước khi xung đột giữa 2 nước bùng phát, cùng 12 chiếc UAV TB2 khác của Ukraine kể từ khi xung đột xảy ra.
Điều này cho thấy khả năng các UAV MQ-1C của Mỹ sẽ chịu chung số phận như UAV TB2 khi được sử dụng ở Ukraine.
Nhưng ông Ritter cho rằng, việc Mỹ có ý định chuyển giao 4 chiếc UAV MQ-1C Grey Eagles cho Ukraine là có lý do.
Con số 4 UAV là nhỏ và kể cả có thể tồn tại trên chiến trường, chúng cũng không tạo ra được tác động lớn tới thế trận ở Ukraine.
Song hoạt động của UAV MQ-1C Grey Eagles chống lại quân đội Nga ở Ukraine sẽ là cơ hội để Mỹ kiểm tra thực tế sự phát triển của các chiến thuật chống lại hệ thống phòng không tích hợp (IADS) của Nga.
Đây chính là cái giá cho việc Mỹ tính chuyện giao cho Ukraine 4 chiếc UAV MQ-1C Grey Eagles. Đưa MQ-1C Grey Eagles tới Ukraine để thử nghiệm, Mỹ còn có thể tiết kiệm được hàng trăm triệu USD cho quá trình nghiên cứu và phát triển.
Cũng theo ông Ritter, Ukraine đang yếu thế trước Nga trong cuộc xung đột quân sự, dù chính quyền Kiev đã nhận được số lượng lớn thiết bị quân sự do Mỹ và các nước phương Tây cung cấp nhưng vẫn không thể thay đổi được kết quả.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao Mỹ lại cung cấp cho Ukraine hệ thống công nghệ cao như UAV MQ-1C nhưng với số lượng có hạn và ở giai đoạn chiến đấu hiện nay.
Theo ông Ritter, câu trả lời có lý duy nhất là Mỹ muốn biến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine thành một phòng thí nghiệm thực tế để kiểm chứng năng lực hoạt động của các loại vũ khí.