Mỹ đổi chiến lược vũ khí hạt nhân?

LỤC SAN |

Lầu Năm Góc cho rằng Nga có suy nghĩ tiến hành trước một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế có thể giành ưu thế.

Báo chí Mỹ cuối tuần qua gần như đồng loạt đưa tin bản phân tích quan điểm về vũ khí hạt nhân (NPR) của Lầu Năm Góc bị rò rỉ, mặc dù dự kiến nó sẽ được công bố chính thức vào tháng 2 tới.

Nhắm vào Nga

Bản dự thảo NPR tiết lộ giới chức quốc phòng cấp cao Mỹ không chỉ mong muốn hiện đại hóa kho vũ khí già nua của nước này mà còn bổ sung các phương cách mới để tiến hành cuộc chiến tranh hạt nhân trong khi Nga, Trung Quốc và các đối thủ khác tăng cường vũ khí của họ.

Có điều chắc chắn là, bản dự thảo này vẫn chưa hoàn chỉnh và sẽ được Tổng thống Donald Trump cùng Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét lại và thông qua.

Đáng chú ý, theo trang Defense News, tài liệu trên có nêu việc phát triển loại vũ khí được gọi là "đầu đạn hạt nhân hiệu suất thấp" mới phóng từ tàu ngầm, thúc đẩy tạo ra loại tên lửa đạn đạo Trident mới và làm thay đổi lập trường của Mỹ về thời gian có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Loại đầu đạn này có sức công phá lớn hơn số chất nổ đã san bằng 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Thế chiến thứ II.

Văn bản nêu trên khẳng định các vũ khí hạt nhân nhỏ hơn cần thiết là do "sự xuống cấp của môi trường chiến lược", được hiểu là sự thừa nhận tình trạng căng thẳng hiện hữu với Nga.

Luận điểm của Lầu Năm Góc là: Nếu một kẻ thù có kho vũ khí hạt nhân không được các hiệp ước hiện hữu kiểm soát, Mỹ cần phải có vũ khí để đối chọi và trả đũa nếu cần. Bản dự thảo tái xác định sự cần thiết sử dụng bộ ba vũ khí hạt nhân trên không, biển và đất liền vốn đã hình thành nên cốt lõi trong quan điểm của Mỹ trong suốt nhiều thập niên.

Tài liệu này dường như tập trung một cách đặc biệt vào Nga, mà Lầu Năm Góc đã từng cáo buộc vi phạm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới hồi năm ngoái qua hành động triển khai tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp - được đánh giá là mối đe dọa đối với châu Âu.

Theo báo The Washington Post, Lầu Năm Góc cho rằng Moscow có suy nghĩ tiến hành trước một cuộc tấn công hạt nhân hạn chế có thể giành ưu thế, một phần bởi vì nước này có nhiều loại vũ khí hạt nhân nhỏ trong tư thế sẵn sàng sử dụng. "Sửa chữa nhận thức sai lầm này của Nga là một điều cấp bách mang tính chiến lược" - Lầu Năm Góc thừa nhận.

"Chệch đường ray"

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi phát triển loại tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp mới được phóng từ tàu ngầm (SLCM).

Trước đây, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã tìm cách hủy bỏ từng bước loại tên lửa tương tự trong một bản phân tích về hạt nhân được công bố hồi năm 2010. Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Mỹ ngày nay biện luận rằng tên lửa này đang cần thiết.

Các loại vũ khí mới có thể làm tăng thêm chi phí bổ sung vào dự luật hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Mỹ vốn đã quá tốn kém. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ mùa thu vừa qua đánh giá sẽ phải chi 1.200 tỉ USD trong 30 năm tới để chế tạo và duy trì các loại vũ khí mới.

Đầu năm 2017, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis phải thẩm định tình trạng của kho vũ khí hiện hữu để ngăn chặn đối thủ hiện đại. Lầu Năm Góc dự kiến công bố bản phân tích kể trên sau khi ông chủ Nhà Trắng đọc diễn văn liên bang vào ngày 30-1 tới.

Chuyên gia phân tích về quốc phòng Michaela Dodge từ chối bình luận về tài liệu trên nhưng cho biết một số nhà phân tích hạt nhân lâu nay vẫn cho rằng việc bổ sung các cách thức mới để sử dụng vũ khí hạt nhân có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.

"Tôi có cảm tưởng rằng hiện đang diễn ra cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Chỉ có điều Mỹ chưa chạy đua thôi. Thực sự là Mỹ đang đứng ngoài và quan sát trong lúc Nga và Trung Quốc xây dựng năng lực hạt nhân mới, còn Triều Tiên đang làm gia tăng năng lực vũ khí hạt nhân của họ và mở rộng chúng" - nữ chuyên gia bày tỏ.

Trong khi đó, các nhà bình luận khác cho rằng Mỹ không cần chế tạo vũ khí mới.

Ông Jon Wolfsthal, cựu viên chức chuyên về vấn đề hạt nhân trong Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời chính quyền Obama, nhận định chính quyền Tổng thống Trump có cơ sở vững chắc trong việc đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ sẽ kiềm chế việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng nay họ đã "đi chệch đường ray" khi khẳng định cần có các năng lực hạt nhân mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại