Mỹ chơi rắn với Iran để Bắc Kinh ngừng mơ tưởng về Trung Đông: Nước cờ hiểm của TT Trump

Trà Khánh |

Theo National Interest, Tổng thống Trump đang sử dụng chính sách gây sức ép tối đa lên Iran như một phần của cuộc đua cạnh tranh vị thế siêu cường với Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn với tờ National Interest, Richard Goldberg, cựu thành viên Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) của Nhà Trắng cho biết, sở dĩ Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chính sách gây sức ép tối đa nhằm vào Iran là để ngăn chặn Trung Quốc mở rộng vùng ảnh hưởng tại Trung Đông.

Được biết, Richard Goldberg từng đảm nhận vai trò giám sát viên về các vấn đề hạt nhân của Iran tại NSC trong giai đoạn từ 2019-2020, trước khi rút khỏi vị trí này.

Theo tiết lộ của ông Goldberg, trọng tâm trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2017 của chính quyền Tổng thống Trump đã chuyển sang các nước đang cạnh tranh vị thế siêu cường của Mỹ như Nga và Trung Quốc. Sự thay đổi trên cũng tạo nên sự lo ngại về khả năng hiện diện của Mỹ tại Trung Đông khi các nguồn lực được phân bố lại.

Cựu thành viên NSC cũng nhận định, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách gây sức ép tối đa lên Iran như một phần của cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc.

Phát biểu tại hội nghị về báo cáo của Liên Hiệp Quốc về chương trình hạt nhân Iran do Quỹ Quốc phòng Dân chủ (FDD) tổ chức hôm 8/6, ông Goldberg nhấn mạnh, Nga và Trung Quốc đang tạo ảnh hưởng lên khu vực Trung Đông thông qua Iran.

"Ai đang muốn kiểm soát Iran, biến Iran thành một quốc gia phụ thuộc, đặt chỗ đứng vững chắc chiến lược ở Trung Đông thông qua Iran? Đó là Nga và Trung Quốc", ông Goldberg nói.

Ông Goldberg cũng cho rằng, nếu ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, thì vấn đề Iran vẫn sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

Chính quyền của Tổng thống Trump bắt đầu theo đuổi một chính sách gây sức ép tối đa lên Iran từ cuối năm 2019, nhằm buộc Tehran thay đổi một loạt các chính sách đối nội lẫn đối ngoại của nước này, trọng tâm vẫn là chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Chính sách trên tập trung vào gây áp lực kinh tế thông qua các lệnh cấm vận, cũng như tăng sức ép về mặt quân sự.

Chỉ trong chưa tới 6 tháng, kể từ cuối năm 2019, Mỹ và Iran liên tiếp xảy ra các cuộc đối đầu quân sự ở nhiều cấp độ khác nhau. Đỉnh điểm là việc Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran bị sát hại tại Baghdad trong một cuộc không kích do Mỹ đứng sau (tháng 1/2020), kế đến là các vụ đụng độ giữa tàu chiến hai bên trên Vịnh Ba Tư.

Tuy nhiên, không có dấu  hiệu nào cho thấy Iran sẽ thỏa hiệp, thậm chí Tehran còn tiếp tục gia tăng dự trữ uranium làm giàu và vi phạm thỏa thuận hạt nhân nước này đã ký với nhóm P5+1 (2015). Bản thân Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này từ tháng 5/2018, một năm sau Washington đưa ra chính sách gây sức ép tối đa nhằm vào Iran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại