Tên lửa phóng từ tàu chiến: Na Uy phát triển, Đức, Ba Lan và Malaysia tin dùng!
Hôm 1/10, tàu chiến đấu duyên hải USS Gabrielle Giffords (LCS 10) thuộc lớp Independence đã thể hiện thành công khả năng của NSM (Naval Strike Missile/Tên lửa tấn công hải quân) bằng cách bắn hạ mục tiêu là khinh hạm USS Ford (FFG-54) đã bị loại biên.
Tên lửa được khai hỏa là một phần của cuộc tập trận Pacific Griffin diễn ra hai năm một lần nhằm tăng cường phối hợp trên biển đồng thời củng cố mối quan hệ giữa Hải quân Hoa Kỳ và Singapore.
NSM là tên lửa chính xác được thiết kế để tìm kiếm và tiêu diệt tàu chiến đối phương. Sự kiện này cũng đánh dấu lần đầu tiên Hải quân Hoa Kỳ khai hỏa một hệ thống NSM được tích hợp trên các tàu LCS (tàu chiến đấu duyên hải).
Trả lời Naval News, một nhân viên quan hệ công chúng thuộc NAVSEA (Bộ Tư lệnh các hệ thống trên biển của hải quân Mỹ) nói rằng tên lửa NMS được định danh quân sự là RGM-184A.
Tên lửa RGM-184A NSM trên hành trình tấn công.
Từ năm 1962, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã thiết lập quy tắc định danh các loại tên lửa và rocket dựa trên một tập hợp các chữ cái, theo trình tự như sau: Đầu tiên là hệ thống phóng vũ khí, tiếp theo là khả năng chính của vũ khí và cuối cùng là phân loại vũ khí
Trong trường hợp của RGM-184A, nó là tập hợp viết tắt của R (Ship-launched weapon/Vũ khí phóng từ tàu chiến), G (Surface-attack weapon/Vũ khí tấn công bề mặt), M (Guided missile/Tên lửa dẫn đường)
RGM-184A là tên lửa chống hạm thế hệ thứ 5, được phát triển bởi Kongsberg và được sản xuất tại Mỹ bởi Raytheon. Tên lửa di chuyển với tốc độ cận âm và có phạm vi tác chiến hiệu quả là 185 km (100 hải lý).
Tên lửa được kết hợp giữa các hệ thống dẫn hướng quán tính, định vị GPS với tham chiếu địa hình và xác định mục tiêu bằng hình ảnh hồng ngoại (tên lửa sẽ đối chiếu mục tiêu với cơ sở dữ liệu có sẵn).
RGM-184A đã được thử nghiệm trên các khinh hạm lớp Fridtjof Nansen và tàu hộ tống lớp Skjold của Na Uy vào năm 2012. Nó cũng được lực lượng phòng thủ bờ biển Ba Lan lựa chọn và cũng đã được Malaysia và Đức đưa vào trang bị.
Hải quân Hoa Kỳ đã đưa tên lửa vào trang bị năm 2018 tiếp đó là Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vào năm nay.
Ngày 1/10 (cùng ngày với cuộc duyệt binh của Trung Quốc) USS Gabrielle Giffords (LCS 10) đã khai hỏa tên lửa chống hạm RGM-184A NSM trong cuộc tập trận Pacific Griffin giữa Mỹ và Singapore.
Tên lửa phóng từ trên không: Vũ khí "đẹp và thông minh" đã được thử lửa ở Syria!
Một tên lửa chống hạm khác cũng sẽ sớm được bổ sung vào kho vũ khí của Hải quân Hoa Kỳ và trang bị cho các máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay là LRASM (tên lửa hành trình chống hạm tàng hình) với định danh quân sự là AGM-158C.
AGM-158C LRASM là một biến thể thứ 3 sau AGM-158A JASSM (Tên lửa hành trình không đối đất) và AGM-158B JASSM-ER (phiên bản tăng tầm bắn).
Cả hai biến thể đầu tiên đều được Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả là loại tên lửa "đẹp và thông minh" trước khi được sử dụng trong cuộc tập kích nhằm vào các vị trí nghi ngờ là vũ khí hóa học tại Syria vào tháng 4/2018.
Một chiếc F/A-18E/F Super Hornet có thể triển khai ít nhất 4 tên lửa AGM-158C LRASM.
AGM-158C LRASM được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu cụ thể trong các nhóm tàu chiến đối phương bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến.
Công nghệ ngắm mục tiêu và các cảm biến tầm xa của BAE Systems cho phép LRASM phát hiện và tiêu diệt các tàu chiến của đối phương trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm mà không cần phụ thuộc vào việc điều khiển từ xa hay thông tin được cung cấp từ bên ngoài.
Việc sử dụng LRASM được kỳ vọng giúp giảm sự phụ thuộc vào thông tin tình báo, giám sát, trinh sát, liên kết mạng và định hướng GPS trong một cuộc chiến tranh điện tử tương lai.
Ngoài việc được trang bị trên F/A-18E/F Super Hornet, AGM-158C LRASM cũng được triển khai trên máy bay ném bom chiến lược hạng nặng siêu thanh B-1B Lancer của Không quân Hoa Kỳ. Một chiếc B-1B Lancer có thể mang theo tối đa 24 tên lửa AGM-158C trong một phi vụ.
B-1B Lancer của Không quân Hoa Kỳ khai hỏa tên lửa AGM-158C LRASM vào tháng 12/2018.
LRASM sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng hoạt động của lực lượng hải quân trong vùng biển xanh (biển nước sâu), nhờ vào khả năng phân biệt và thực hiện các cuộc tấn công cấp chiến thuật từ các phạm vi rộng.
Với khả năng phóng từ trên không, LRASM được thiết kế để đáp ứng nhu cầu tác chiến hải quân và không quân trong khu vực A2/AD (chống tiếp cận, chống xâm nhập) và sẽ là vũ khí phủ đầu chủ yếu trong chiến lược tăng cường tác chiến chống tàu mặt nước của Hải quân Mỹ.
AGM-158C LRASM và RGM-184A NSM sẽ thay thế tên lửa chống hạm Harpoon của Boeing được cho là đã lỗi thời trước các mối đe dọa của các lực lượng hải quân đối phương.
Nhận xét về việc trang bị các tên lửa mới của Hải quân Hoa Kỳ, tác giả Sebastien Roblin của tờ National Interest bình luận:
"Khi Trung Quốc nhanh chóng mở rộng lực lượng hải quân của mình bằng các tàu chiến mạnh mẽ và hiệu quả về chi phí, Hải quân Mỹ sẽ buộc phải nâng cấp khả năng tác chiến mặt nước bị lãng quên để bảo vệ ưu thế vượt trội của chính mình".
F/A-18 của Hải quân Hoa Kỳ thử nghiệm thành công LRASM.