Lấy đất đá đối đầu với vũ khí công nghệ cao
Mới đây trong một phóng sự trên kênh truyền hình Zvezda, Quân đội Nga đã lần đầu tiên giới thiệu về một công nghệ xây dựng các căn cứ quân sự kiểu mới do nước này phát triển dựa trên những kinh nghiệm mà họ có được từ cuộc chiến ở Syria.
Càng đặc biệt hơn là những căn cứ này được thiết kế để có thể chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của phiến quân Syria, vốn được xem là vấn đề khiến Quân đội Nga đau đầu tìm lời giải trong 2 năm trở lại gần đây. Bản thân Quân đội Nga cũng khá tự tin khi tuyên bố thử nghiệm thành công thiết kế này ở chính Syria.
Quang cảnh căn cứ quân sự kiểu mới của Quân đội Nga nhìn từ trên không. Ảnh: Zvezda.
Mẫu căn cứ quân sự kiểu mới cũng được Quân đội Nga giới thiệu trong cuộc tập trận "Trung tâm - 2019" vừa diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua. Quân đội các nước tham gia cuộc tập trận này cũng đánh giá khá cao thiết kế căn cứ quân sự kiểu mới của Nga.
Về mặt tổng thể cách Quân đội Nga xây dựng mẫu căn cứ quân sự kiểu mới dựa 100% vào nguồn tài nguyên hiện có tại vị trí mà họ sẽ đóng quân, cụ thể hơn chính là cát, đất và sỏi. Đây chính là các vật liệu chính giúp binh sĩ Nga xây dựng một cứ điểm phòng thủ cho đến một căn cứ quân sự liên hợp chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Binh sĩ Nga thử nghiệm khả năng chịu đựng của các sọt đất đặc biệt bằng súng tăng vác vai RPG. Ảnh: Zvezda.
Cụ thể vật liệu sẽ được đổ vào các sọt đất đặc biệt, bên trong bọc lưới thép còn bên ngoài là vải bạt siêu bền giúp định hình đất cát thành các khối hình vuông có chiều cao trung bình từ 1.6-2m. Các sọt đất này khi được kết nối với nhau sẽ tạo một bức tường bằng đất cực kỳ vững chắc.
Theo như tuyên bố của Quân đội Nga, với sự hỗ trợ của các phương tiện cơ giới họ có thể xây dựng 70m tường đất từ các sọt đất đặc biệt này chỉ trong một phút hoặc 3km trong một giờ. Tất nhiên đó là khi các sọt này chưa được đổ đầy đất.
Bên cạnh việc xây dựng các bức tường bảo vệ, các sọt đất này cũng có thể được sử dụng để tạo nên các tháp canh và boongke có khả năng chống lại hầu hết các loại vũ khí bộ binh thông thường. Không gian bên trong các tháp canh này cũng đủ rộng để bố trí nhiều loại hỏa lực khác nhau.
Và để vô hiệu hóa các cuộc tấn công bằng UAV, Quân đội Nga trang bị thêm các cho các tháp canh và boongke của mình các tấm lưới thép (như lưới B40) tạo thành một lớp mái ngay trên nóc các công sự đủ kín để giữ mọi loại lựu đạn hay bom tự chế được thả từ UAV.
Về lý thuyết lớp lưới thép này sẽ khiến các quả đạn tự chế được thả từ UAV phát nổ ngay trên lưới mà không ảnh hưởng tới công sự hoặc lăn ra xung quanh. Trong trường hợp quả đạn rơi xuống các công sự thì lực nổ cũng không đủ sức tác động đến kết cấu của toàn khối.
Một tháp canh kiểu mẫu của Quân đội Nga có khả năng chống lại các cuộc tấn công bằng UAV. Ảnh: Zvezda.
Như vậy có thể thấy với một chút sáng tạo đơn giản, Quân đội Nga đã có thể hạn chế tối đa thiệt hại từ các cuộc tấn công bằng UAV của phiến quân Syria. Mặt khác còn giải quyết được vấn đề xây dựng các căn cứ phòng ngự xung quanh các căn cứ chính hay xây dựng các căn cứ quân sự liên hợp tại các khu vực địa hình phức tạp.
Quân đội Nga đi sau người Mỹ cả chục năm về công sự đất
Ý tưởng chế tạo các căn cứ quân sự hay công sự bằng đất của Quân đội Nga hiện tại không phải là mới bởi chúng đã được Quân đội Mỹ và đồng minh sử dụng trước đó hàng chục năm trong các cuộc chiến tại Afghanistan (2001) và Iraq (2003). Bản thân các sọt đất kiểu này được Quân đội Mỹ gọi là HESCO MIL.
Ví dụ rõ nhất là các căn cứ điều hành tiền phương FOB của Mỹ tại Afghanistan và Iraq, được xây dựng từ hàng trăm hoặc hàng nghìn đơn vị HESCO MIL. Về cơ bản khả năng phòng vệ của các căn cứ này không khác gì lắm mẫu căn cứ mới của Nga.
Binh sĩ Mỹ xây dựng các căn cứ điều hành tiền phương FOB với các sọt đất HESCO MIL. Ảnh: dvidshub.
Tuy nhiên, các căn cứ FOB của Mỹ chưa phải đối phó với các cuộc tấn công bằng UAV, mà chỉ là các loại đạn cối, pháo hoặc rocket.
Rất có thể, người Nga đã học hỏi từ những kinh nghiệm mà Mỹ đạt được từ việc xây dựng các căn cứ FOB từ đó sửa đổi cho phù hợp hơn với yêu cầu của họ, nhưng nhìn chung thiết kế của các căn cứ này là như nhau.
So với cách xây dựng các cứ điểm phòng thủ và căn cứ kiểu truyền thống bằng bao cát, đào công sự hoặc tấm chắn bê tông, HESCO MIL có những ưu điểm vượt trội hơn hẳn như thời gian triển khai nhanh, khả năng phòng vệ tốt hơn, triển khai được trên nhiều loại địa hình và có thể thu hồi để tái sử dụng.
Thông qua các cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq, HESCO MIL cho thấy nó có thể ngăn chặn và vô hiệu hóa nhiều loại vũ khí bộ binh cỡ nhỏ từ súng máy, súng chống tăng cho đến các loại pháo cối cỡ nhỏ. Nếu hư hỏng, việc gia cố hoặc thay thế các vị trí bị hư hại cũng khá dễ dàng.
Quân đội Nga xây dựng căn cứ bằng cát để chống các cuộc tấn công bằng UAV của phiến quân Syria