Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết tấn công Syria?

Tú Anh |

Ankara lo ngại rằng một thực thể ủng hộ PKK ở biên giới phía Nam chắc chắn sẽ trở thành bệ phóng cho các cuộc tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ và do vậy coi đây là một mối đe dọa hiện hữu.

Ngày 9/10/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức phát động chiến dịch quân sự mới nhất với tên gọi "Mùa xuân Hòa Bình" tấn công sang miền Bắc Syria nhằm vào Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và lực lượng quân sự của họ - Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG).

Động thái này của Ankara diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút quân đội Mỹ khỏi khu vực, đồng thời cũng khiến một số nhà quan sát lo sợ xảy ra một vụ thảm sát chống lại người Kurd ở miền Bắc Syria.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định họ cần phải ngăn chặn việc tạo ra một "hành lang khủng bố" dọc biên giới phía Nam.

Tuy nhiên, gốc rễ của chiến dịch mới nhất này trong cuộc chiến ở Syria đã nảy sinh từ cách đây hàng thập kỷ và tình hình trên thực địa là đặc biệt phức tạp.

Ai đánh ai?

Đảng Liên minh Dân chủ (PYD)/Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG)

PYD được thành lập tại Syria năm 2003 và sau khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu bùng nổ năm 2011, nhóm này đã kiểm soát được phần lớn diện tích lãnh thổ miền Bắc đất nước nhờ khoảng trống an ninh sau đó.

PYD tuyên bố ủng hộ một học thuyết gọi là "Chủ nghĩa liên minh dân chủ", dựa trên hệ tư tưởng của nhà sáng lập và cũng là lãnh đạo Đảng Công nhân người Kurd (PKK) Abdullah Ocalan, người đã bị giam cầm ở Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1999.

Ngay từ năm 1984, nhóm vũ trang PKK đã phát động một cuộc chiến tranh du kích với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi thành lập một nhà nước độc lập của Kurd nhưng sau đó chỉ yêu cầu tự trị và thực hiện quy chế liên bang khu vực.

PYD nói rằng họ độc lập với PKK, tuy nhiên nhiều người cho rằng nhiều hoạt động của tổ chức này được kiểm soát bởi sự lãnh đạo của nhóm chiến binh thuộc vùng núi Qandil ở miền Bắc Iraq.

Mục tiêu lâu dài của PYD là liên kết một số "bang" do nhóm này kiểm soát trên khắp miền Bắc Syria và thúc đẩy nền dân chủ phi tập trung, nữ quyền và chủ nghĩa xã hội sinh thái như một phần của hệ tư tưởng.

Ngoài ra, có một số nhóm đồng minh chiến đấu bên cạnh họ, gồm:

Lực lượng Dân chủ Syria: Liên minh được thành lập với sự hỗ trợ của Mỹ từ năm 2015 cùng với Arab, Turkmen và các nhóm sắc tộc khác ở miền Bắc Syria. Nhóm này là một lực lượng chủ chốt chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Các Tiểu đoàn Tự do Quốc tế: Một tổ chức tình nguyện quốc tế gồm các chiến binh nước ngoài, dựa trên mô hình các Lữ đoàn Quốc tế từng chiến đấu trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết tấn công Syria? - Ảnh 1.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ được vận chuyển tới biên giới Syria. Ảnh: AFP

Thổ Nhĩ Kỳ

Là quân đội lớn thứ hai trong khối NATO, Thổ Nhĩ Kỳ coi sự phát triển của PYD là một mối quan ngại sâu sắc, ít nhất là kể từ năm 2014 khi xung đột giữa nhóm này với IS ở thị trấn Kobane thu hút sự chú ý của quốc tế.

Tiến trình hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK được tiến hành từ năm 2013 đã sụp đổ vào năm 2015, một phần do sự lan tỏa của PYD. Kể từ đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đặt quyết tâm "không bao giờ cho phép thành lập một nhà nước người Kurd ở miền Bắc Syria".

Năm 2016, Chiến dịch Lá chắn Euphrates (Euphrates Shield) nhằm mục đích tấn công IS ở miền Bắc Syria và sau đó là Chiến dịch Cành Olive (Olive Branch) năm 2018 đã đẩy YPG khỏi khu vực Tây Bắc Afrin. Căng thẳng tăng cao từ đó theo hướng phát động một cuộc xung đột toàn diện nhằm loại bỏ sự hiện diện của YPG ở phần còn lại của miền Bắc Syria.

Chiến đấu cùng với Thổ Nhĩ Kỳ còn có nhóm phiến quân Syria - Quân đội Quốc gia Syria (SNA), lực lượng gồm các tay súng liên minh với Quân đội Syria Tự do (FSA), nhóm này đã hỗ trợ các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin, al-Bab và các khu vực khác.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết tấn công Syria? - Ảnh 2.

Người dân tháo chạy khỏi thị trấn biên giới Ras al Ain ở Đông Bắc Syria trong chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9/10. Ảnh: Reuters

Thổ Nhĩ kỳ muốn gì ở miền Bắc Syria?

Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng một thực thể ủng hộ PKK ở biên giới phía Nam chắc chắn sẽ trở thành bệ phóng cho các cuộc tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ và do vậy coi đây là một mối đe dọa hiện hữu. Tính đến năm 2014, hơn 40.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK.

Một lý do khác nữa khiến Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự này là muốn trục xuất những người tị nạn Syria ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ rồi tái định cư họ trong một "vùng an toàn" ở miền Bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ có số dân tị nạn lớn nhất thế giới và sự hiện diện của người Syria ở nước này ngày càng dẫn đến sự thù địch từ những người Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc về tội ác, thất nghiệp và sự pha loãng văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ.

Để chống lại làn sóng bài ngoại đang gia tăng, ông Erdogan đã hứa sẽ di dời hai triệu người Syria tới các khu vực do YPG kiểm soát, ngay cả khi họ không đến từ đó.

PYD muốn gì ở Syria?

Mục tiêu mà PYD tuyên bố từ lâu là thiết lập một thể chế phi tập trung trên cơ sở hệ tư tưởng Ocalan.

Khu vực do PYD kiểm soát (được gọi là Rojava theo tiếng người Kurd) đã thiết lập quyền tự trị với một loạt mạng lưới các hội đồng và diễn đàn địa phương nhằm thúc đẩy nền dân chủ phi tập trung (dù chưa rõ họ thực sự nắm giữ bao nhiêu quyền lực).

PYD dường như đang muốn hướng đến việc duy trì ảnh hưởng trong bất kỳ tiến trình hòa bình nào ở Syria cho dù những nỗ lực của chính họ trong các tiến trình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã bị Thổ Nhĩ Kỳ phủ quyết.

Người Kurd từ lâu cũng đã phải đối diện với sự phân biệt đối xử ở Syria khi các chính phủ kế tục nhau luôn cố gắng "Ả Rập hóa" các khu vực người Kurd và thay đổi nhân khẩu học. PYD muốn các quyền của người Kurd được bảo vệ trong một khu định cư theo hiến pháp trong tương lai.

Liên minh do Mỹ đứng đầu muốn gì ở miền Bắc Syria?

Sau thất bại của IS, Tổng thống Donald Trump muốn chấm dứt sự can dự của Mỹ vào Syria và giờ đây điều này đã diễn ra khi ông Trump lập luận rằng Mỹ không cần thiết phải ở lại Syria thêm nữa.

Nỗi sợ hãi lớn nhất đối với Mỹ và các đồng minh là việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản các khu vực do PYD kiểm soát có thể dẫn tới việc phóng thích một phần trong số 15.000 tay súng chiến đấu chống IS trước đây bị người Kurd và đồng minh bắt giữ.

Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng nếu có bất kỳ "cuộc chiến không cần thiết" nào thì ông sẽ đè bẹp nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết tấn công Syria? - Ảnh 4.

Xe quân sự Mỹ tại Đông Bắc Syria ngày 7/10/2019. Ảnh: AP

Chính phủ Syria và các đồng minh muốn gì?

Chính phủ Syria, cũng như các đồng minh thân cận là Iran và Nga, đã tỏ ra vui mừng về quyết định rút quân khỏi miền Bắc Syria của Mỹ nhưng đồng thời cũng bày tỏ lo ngại về sự vi phạm chủ quyền Syria của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad hy vọng khi đối mặt với mối đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ, PYD sẽ quay ra liên kết với ông để tránh thất bại hoàn toàn.

Ông Assad nhiều lần từng nhấn mạnh tới mục đích giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria và nếu PYD chính thức liên minh với ông thì chính phủ cầm quyền Syria hiện nay sẽ giành lại được quyền kiểm soát một phần lớn diện tích vẫn đang nằm ngoài ảnh hưởng của Damascus.

Thiết bị quân sự hạng nặng của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đổ về biên giới với Syria tối 9/10. Nguồn: The Sun

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại